Xuyên tạc sự kiện trong lịch sử nhằm mục đích để một số người nhẹ dạ, cả tin hoặc không cần biết đúng sai, không cần kiểm chứng hùa theo suy diễn, qua đó tác động tiêu cực đến nhận thức cảm tính của người đọc, đó là thủ đoạn mà nhiều năm nay các thế lực thù địch thường sử dụng nhằm chống phá Việt Nam. Một thí dụ điển hình của thủ đoạn bất lương trí thức này có thể kể ra là bài viết của Khôi Nguyễn được công bố gần đây.
Vừa qua, sự việc TP Đà Nẵng lấy ý kiến về dự thảo Đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng trên địa bàn năm 2019, đã thu hút sự chú ý của một số tờ báo và mạng xã hội, trong đó nổi lên cuộc tranh luận liên quan hai linh mục Công giáo. Đó là điều bình thường, bởi khi còn có ý kiến khác nhau thì cần tranh luận nghiêm túc để đạt đồng thuận. Nhưng đáng nói là lợi dụng tranh luận, một số người đưa ra ý kiến vu cáo, thóa mạ Nhà nước cũng như nền sử học Việt Nam, mà điển hình là bài “Alexandre de Rhodes và sự tưởng tượng về lịch sử cận đại của nền sử học Việt Nam” của Khôi Nguyễn ở Đại học Oregon (Ô-rê-gơn – Mỹ) đăng trên trang mạng của US-Vietnam Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Mỹ – Việt Nam) ngày 27-11-2019. Sau khi bài viết này xuất hiện, lập tức Nam Quan, người Mỹ gốc Việt, đã đọc lại toàn bộ để làm vi-đê-ô clip công bố trên Trust Media Network (Mạng truyền thông tin cậy) và nhiều trang mạng của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam cũng vội vã phát tán. Đáng tiếc, có trang mang tên miền “com.vn” cũng đăng lại. Còn trên mạng xã hội, một số người lấy đó làm “luận cứ” để chứng minh Nhà nước Việt Nam “hèn với giặc”, thậm chí Tiến sĩ CML coi bài viết của Khôi Nguyễn “vạch trần sự bóp méo lịch sử của nhóm sử nô”, “vơ tên giặc Lưu Vĩnh Phúc,… làm anh hùng của mình”!
Vì còn có tranh luận cho nên ở đây không đề cập nội dung Khôi Nguyễn bàn về vị linh mục Công giáo, mà chỉ bàn về việc Khôi Nguyễn tán dương cuốn sách Việt Nam sử lược (sau đây gọi tắt là VNSL) của Trần Trọng Kim rồi dựa vào đó bịa chuyện “Xóa bỏ cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp – Thanh vào thế kỷ 19, các sử gia miền bắc xây dựng thế kỷ 19 theo mô hình phân đôi: một bên là thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn hèn nhát hàng giặc, một bên là “dân tộc” anh hùng kháng chiến chống ngoại xâm”.
1. Trước hết phải khẳng định, điều Khôi Nguyễn viết: VNSL “đã bị cấm ở miền bắc sau 1954 và toàn quốc sau 1975” là hoàn toàn bịa đặt. Lẽ ra, trước khi đặt họ tên mình trước tên một trường đại học, Khôi Nguyễn cần thể hiện tư cách người làm khoa học, nghĩa là phải cẩn trọng khảo sát, tra cứu. Và nếu cẩn trọng khảo sát, tra cứu, Khôi Nguyễn sẽ thấy ở Việt Nam, VNSL đã được tái bản nhiều lần, tại các nhà xuất bản khác nhau. Hơn nữa, dù sùng bái Trần Trọng Kim và VNSL, trước khi cho rằng cuộc chiến Pháp – Thanh và sự thất bại của Việt Nam được “phân tích kỹ lưỡng, khắc họa một cách khách quan” trong VNSL, Khôi Nguyễn cũng nên tham khảo đánh giá của giới nghiên cứu về những lỗi sai của Trần Trọng Kim khi thực hiện VNSL (như lỗi sai về thời gian, địa điểm, nhân vật, tài liệu, đánh giá thiếu khách quan); hoặc chí ít cũng đọc bài “Phê bình Việt Nam sử lược” (gồm 2 kỳ, đăng trên Văn nghệ TP Hồ Chí Minh các số 432, 433 năm 2016,) để thận trọng khi sử dụng VNSL làm cơ sở tư liệu.
2. Dù là kết quả của âm mưu “đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy các tỉnh ở phía bắc sông Hồng Hà” như mật sớ của Trương Thụ Thanh – Tổng đốc Lưỡng Quảng, gửi vua nhà Thanh (VNSL, NXB Văn học, H.2018, tr.585) và thủ đoạn “đẩy chiến tranh ra ngoài biên giới”, biến Việt Nam thành mặt trận Pháp – Thanh, không để quân Pháp vào Trung Hoa,… thì vẫn phải nói rằng sự có mặt của quân nhà Thanh ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19 là do nhà Nguyễn khi đó cầu viện (Xin nhấn mạnh!). Về sự kiện này, ông Trần Trọng Kim viết: “Triều đình ta bấy giờ biết nước Pháp cố ý chiếm đoạt, và lại tưởng rằng nước Tàu có thể bênh vực được mình, cho nên mới sai ông Phạm Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu”… “Bởi vậy triều đình nhà Thanh mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân sang tiếp ứng” (VNSL, tr.584). Nếu đã sùng bái VNSL, và nếu coi quân nhà Thanh có mặt Việt Nam khi đó là xâm lược thì Khôi Nguyễn phải coi việc cầu viện của triều đình nhà Nguyễn đích thực là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”; và như vậy, Khôi Nguyễn cùng số người đeo bám theo để la lối cần phải lên án nhà Nguyễn, sao lại vu cáo giới sử học Việt Nam giấu giếm “một cuộc xâm lược”?
Còn muốn biết sách giáo khoa trường phổ thông ở Việt Nam có đề cập sự kiện này hay không thì hãy giở sách. Và đọc sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 sẽ thấy các dòng chữ như: “Để đối phó, nhà Nguyễn đã đàn áp đẫm máu các cuộc khởi nghĩa của nông dân, đồng thời cầu cứu nhà Thanh phái quân sang đánh dẹp các toán phỉ” (Lịch sử 11 – tái bản lần thứ 12, NXB Giáo dục Việt Nam, H.2019, tr.116), “Những toán nghĩa binh dưới sự chỉ huy của các quan lại chủ chiến như Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Phan Vụ Mẫu, Hoàng Đình Kinh… đã phối hợp lực lượng quân Thanh (kéo sang từ mùa thu năm 1882) liên tiếp tiến công quân Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại” (Lịch sử 11 – Sđd, tr.123).
3. Hàng trăm năm nay, “giặc Cờ đen” không phải là điều xa lạ với người Việt hiểu biết về lịch sử, khái niệm đó cho thấy ngoài việc cùng người Việt Nam đánh Pháp, thì Lưu Vĩnh Phúc và đồng đảng của ông ta đã hành xử như một loại giặc và tuyệt nhiên xưa nay chưa thấy ai “vơ tên giặc Lưu Vĩnh Phúc,… làm anh hùng của mình” như TS CML bịa đặt. Vì nếu cẩn trọng tra cứu, TS CML sẽ thấy dù bản chất là nhóm thổ phỉ ô hợp thì về hình thức, khi đến Việt Nam, Lưu Vĩnh Phúc lại được triều đình nhà Nguyễn trọng dụng. Như ông Trần Trọng Kim viết: “Đảng cờ đen về hàng với quan ta, nhà vua bèn dùng Lưu Vĩnh Phúc cho ở đất Lao Kay, được thu cả quyền lợi ở chỗ ấy, để chống giữ với đảng cờ vàng, đóng ở mạn Hà Giang” (VNSL, tr.561), “Lúc bấy giờ ông Hoàng Kế Viêm đóng ở Sơn Tây, có đảng cờ đen là bọn Lưu Vĩnh Phúc về giúp. Vua phong cho Lưu Vĩnh Phúc làm Đề đốc, để cùng với quan quân chống giữ quân Pháp. Lưu Vĩnh Phúc đem quân về đóng ở mạn phủ Hoài Đức” (VNSL, tr.569). Dẫu Lưu Vĩnh Phúc có làm quan nhà Thanh thì việc quân Cờ đen của ông ta cùng quân dân Việt Nam đánh thắng hai trận Cầu Giấy trong các năm 1873, 1883 vẫn cần được ghi nhận. Về vấn đề này, trong bài “Góp ý kiến về việc đánh giá Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ đen trong cuộc kháng Pháp ở Việt Nam” trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 42 (năm 1962) nhà sử học Trần Huy Liệu viết cụ thể: “Chúng ta một mặt khẳng định thành tích to lớn trong cuộc đánh Pháp của quân Cờ đen, thì một mặt khác, chúng ta cũng không được chối cãi những hành vi lưu manh của quân Cờ đen đã xâm phạm đến tính mạng, tài sản của nhân dân Việt Nam”, “muốn cho quân Cờ đen tính chất nhân dân điểm mầu sắc quốc tế hay tiêu biểu cho mối đồng minh chiến đấu của hai dân tộc Việt – Trung cũng thật khó thông, có lẽ chính Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh quân Cờ đen, cũng không dám nhận như vậy”. Đó là thái độ trung thực, khách quan khi xem xét lịch sử, và chỉ có các đầu óc thiển cận mới phủ nhận rồi nói vống lên thành “vơ tên giặc Lưu Vĩnh Phúc… làm anh hùng của mình”, rồi miệt thị người khác là “sử nô”.
4. Qua điều ông Trần Trọng Kim viết: “Từ khi sự đánh dẹp ở các nơi đã yên rồi, các viên Tổng đốc toàn quyền lần lượt sang kinh doanh việc Đông Pháp và lo mở mang về đường chính trị, kinh tế và xã hội theo chính sách của nước Pháp… Triều đình ở Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội, và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa, nghĩa là từ đó là việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa. Trừ ba thành thị ấy ra, thì việc cai trị ở các tỉnh trong toàn hạt Bảo hộ vẫn để quan lại làm việc như cũ, nhưng phải do người Pháp điều khiển và kiểm duyệt” (VNSL, tr.629) có thể thấy, sau khi thực dân Pháp thiết lập xong ách cai trị, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn là bộ máy bị “điều khiển, kiểm duyệt”. Trong khi đó, cũng theo Trần Trọng Kim: “Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày một tăng thêm. Cho nên cứ cách độ năm bảy năm lại có một cuộc phiến động (thực chất, theo chính sử hiện nay, đấy là những cuộc nổi dậy chống ách xâm lăng)” (VNSL, tr.627), “Cuộc Bảo hộ đã lập xong, người Việt Nam vì thế bất đắc dĩ phải chịu, nhưng phần nhiều người trong lòng còn mong khôi phục nước nhà” (VNSL, tr.629). Nên trên thực tế, trong hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam chỉ có sự phân đôi: chính quyền đô hộ của Pháp cùng số người theo Pháp, và phần nhiều người Việt Nam “trong lòng còn mong khôi phục nước nhà”, không có bên thứ ba. Và chỉ với “lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn”, người Việt Nam mới có thể đi từ phong trào Cần vương, các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng,… với những con người như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học… đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối cách mạng đúng đắn dẫn dắt nhân dân giành được nền độc lập dân tộc vào tháng Tám năm 1945.
Thực tế nói trên đã phần nào cho thấy đến nay, vẫn có một bộ phận nhỏ nhoi những người như Khôi Nguyễn vẫn không thể “nuốt trôi” sự thật. Và vì thế, để thực hiện mục đích cá nhân của mình họ tìm mọi cách soi mói, suy diễn rồi nấp dưới vẻ học thuật để bóp méo, phủ nhận sự thật. Và đó là thái độ bất lương trí thức. Bởi, trí thức đích thực không bao giờ làm việc theo lối hời hợt, thiếu cẩn trọng, đưa ra ý kiến hàm hồ mà luôn nghiêm túc thực hiện nghiên cứu một cách khách quan, soi chiếu vấn đề bằng sự lương thiện, không để yếu tố chủ quan chi phối việc tiếp cận, không cố tìm cách hướng người tiếp nhận theo thiên kiến hẹp hòi của mình. Với người tiếp nhận bài viết của Khôi Nguyễn cũng vậy, là người có học vấn hay là người đọc bình thường thì trước khi quyết định tin theo Khôi Nguyễn, cần xem xét bằng trí tuệ tỉnh táo, kiểm chứng thông tin bằng sự sáng suốt, không dựa vào người khác để suy diễn tùy tiện. Bỏ qua các thao tác nghiêm túc này, rất dễ biến mình thành người nối dài sự bất lương trí thức, tự bước ra khỏi con đường của sự lương thiện. Và như thế, chắc chắn họ khó có thể đóng góp điều tử tế cho xã hội và con người.
Nguồn: Người con Đất Mẹ