Trang chủ Đấu trường dân chủ Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi...

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

291
0

Anh có quyền vinh danh linh mục Đắc Lộ, anh có quyền vinh danh Phép Giảng Tám Ngày nhưng anh không được nhân danh dân tộc VN vinh danh những người anh đang phấn đấu vinh danh như anh đã khắc lên bia đá “CHỮ QUỐC NGỮ CÒN, TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT NAM CÒN”

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Anh Hưng thân,

Sau khi anh thấy tên tôi trong bản kiến nghị do một nhóm thầy giáo và các nhà nghiên cứu Văn hóa Lịch sử ở Huế, Hà Nội và TP HCM gởi cho lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, đề nghị không nên lấy tên hai vị Linh mục Francisco de Pina (Pi-na) và Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đặt tên cho hai con đường mới ở Thành phố Đà Nẵng, anh đã gọi điện thoại cho tôi bảo tôi “sai” rồi và vào ngày 28-11-2019, anh và ông Nguyễn Huy Cường nào đó còn gởi thư cho tôi với nhan đề “Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng”.

Anh Nguyễn Đăng Hưng,

Với hơn nửa thế kỷ cầm bút, tham gia phản biện hàng chục đề tài với nhiều thể loại, nhiều cấp khác nhau nhưng chưa bao giờ tôi nhận được những lời cảnh báo “sốc” đến như vậy. Thông thường mỗi khi gặp một trường hợp phản biện tôi luôn phản biện lại ngay để bảo vệ ý tưởng của mình. Nhưng đối với lá thư của anh (và ông Nguyễn Huy Cường nào đó), một người bạn thân nhau từ hơn ¼ thế kỷ qua, tôi “im lặng” nhưng không xin lỗi. Xin lỗi ai? Và xin lỗi cái gì?

Với tư cách là một người cầm bút thân thiết với Thành phố Đà Nẵng, năm 1998, tôi đã từng phản biện giúp ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng xóa bỏ tên ông Nguyễn Hiển Dĩnh đã đặt cho con đường song song với đường 2 Tháng 9 ở Đà Nẵng ngày nay, nên tôi đã không ngần ngại tham gia vào Bản kiến nghị nói trên. Và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã có thư phản hồi cám ơn những người có tên trong “Bản Kiến nghị” và đồng ý (hứa) “chưa đặt tên đường hai vị linh mục lần nầy”. Như vậy, Bản Kiến Nghị của chúng tôi có kết quả. Việc kiến nghị như thế đã xong rồi. Nếu sau nầy, Thành phố Đà Nẵng bỏ qua lời hứa với chúng tôi, họ lại dùng tên hai vị linh mục ấy đặt tên đường thì chúng tôi mới cung cấp thêm thông tin và kiến nghị tiếp). Chúng tôi phải lo công việc khác của mình chứ! Vì thế, tôi không biết tôi nhầm chuyện gì và phải xin lỗi ai? Sở dĩ cho đến nay tôi im lặng không phải vì lời cảnh báo rất sốc của các anh mà chính vì những lý do sau đây:

– Con cháu trong gia đình anh Cả tôi, gia đình tôi, gia đình em trai tôi, gia đình em gái tôi đều có người làm dâu trong các gia đình Thiên Chúa giáo. Bây giờ lật lại nói chuyện hay, chuyện không hay của các linh mục  Thiên Chúa giáo thật không nên chút nào;

– Những trang đen trong lịch sử dân tộc tưởng đã giao cho lịch sử để bây giờ sống trong hiện tại, tự nhiên các anh bươi chuyện Đắc Lộ ra, không khéo lại “tóa lọa lọa” gây mất đoàn kết dân tộc trong lúc giặc Tàu đang rập rình cướp đất, cướp đảo ngoài Biển Đông, giữ được im lặng chuyện Đắc Lộ là phải;

– Bỏ một đời nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm, được học, được gặp gỡ tiếp xúc trao đổi với các bậc thức giả hàng đầu về văn hóa lịch sử, trong đó có nhiều vị là tín đồ Thiên Chúa giáo, nói đâu có tài liệu kèm theo đó,… lẽ nào lại quên hết để đi đôi co với những người mới đầu hôm sáng mai điếc không sợ súng lên mặt dạy đời sao?

Nhưng rồi do hoàn cảnh thúc ép, tôi cũng chỉ có thể giữ im lặng cho đến đây thôi. Tôi viết lá thư nầy gởi đến anh không có ý đề cập đến 6 vấn đề chúng tôi đã nêu lên trong bản Kiến nghị gởi cho Thành phố Đà Nẵng mà chỉ trao đổi với người bạn vừa nhận chức Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, Đại học Duy Tân thôi.

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Anh có mời tôi xem cuốn phim “Chuyến đi Iran thăm mộ Đắc Lộ” của anh trên Net. Tôi đã xem và giới thiệu với các bạn tôi cùng xem. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là các anh đã làm rõ được nơi an nghỉ cuối cùng của một vị linh mục có tên trong lịch sử CQN, có công lớn trong việc truyền Đạo Thiên Chúa vào VN. Một người nổi tiếng như thế mà các Giáo hoàng Vatican bỏ rơi ông ở một nơi hiu quạnh như thế thật bất nhẫn. Và không hiểu có biết bao linh mục, giáo dân giàu có mà xưa nay đã có ai đến viếng mộ ông Đắc Lộ chưa (?). Bài diễn văn của anh trong buổi lễ có nhiều chuyện không đúng nhưng đó là chuyện của anh tôi không nhắc lại ở đây.

1.

Nhưng tôi thật bất ngờ trong diễn văn anh cho biết các anh đã khắc một tấm bia ghi ơn  đặt ở ngôi mộ linh mục Đắc Lộ với nội dung “CHỮ QUỐC NGỮ CÒN, TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT NAM CÒN”. Như vậy ngày nay tiếng Việt còn, nước Việt Nam còn là nhờ CQN của linh mục Đắc Lộ. Một khám phá vô tiền khoáng hậu. Như vậy bảo vệ CQN của linh mục Đắc Lộ là bảo vệ Việt Nam. CQN của Đắc Lộ có một nhiệm vụ thiêng liêng như thế cho nên anh mới dành cả tuổi già của mình làm “Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc Ngữ….”. Các nước Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc Nhật Bản, Hàn Quốc không dùng chữ nước họ được la tinh hóa như CQN VN, không rõ được thế lực nào đã bảo vệ mà các nước ấy đều sốn ngon lành như ngày nay. Có hai việc cần nhắc ông Viện trưởng sau đây:

1.1. Anh đã cóp và sửa ý tưởng khắc ở khu lăng mộ cụ Phạn Quỳnh ở ấp Bình An, phường Trường An, TP Huế – địa điểm có dấu tích Cung điện Đan Dương thân thiết của tôi trên 1/3 thế kỷ qua. Nguyên văn của cụ Phạm Quỳnh trên bia đá là: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Bia đá “Tiếng ta còn …” ở lăng mộ cụ Phạm Quỳnh

Anh sửa lại “CHỮ QUỐC NGỮ CÒN, TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT NAM CÒN” và khắc lên đá Non Nước đem qua dựng bên mộ linh mục Đắc Lộ ở Iran. Thực hiện việc làm nầy anh mắc hai lỗi trọng: 1. Lỗi ăn cắp ý tưởng của người khác sửa lại làm ý tưởng của anh; 2. Theo anh nước Việt Nam ngày nay còn là nhờ CQN của linh mục Đắc Lộ. Điều đó có nghĩa anh xóa hết công lao xương máu của bao thế hệ trường kỳ kháng chiến từ Ngày thất thủ Kinh đô vua Hàm Nghi xuất bôn với Phong trào cần vương (1885) cho đến ngày thông nhất đất nước (1975) – ròng rã suốt 90 năm. Người ngoại quốc đọc tấm bia làm ô nhục dân tộc VN đó họ sẽ nghĩ như thế nào? Với tư cách là môt công dân VN; tôi đề nghị anh nhờ người hủy tấm bia đá đó kẻo xấu hổ lắm;

1.2. Anh không phân biệt được “tiếng” và chữ viết. Có ai đó gọi tên anh, người học chữ Hán và chữ Nôm ghi ngay 登興, người học CQN ghi “Đăng Hưng”. Tiếng của một dân tộc không thay đổi, luôn tồn tại và phát triển, nó có âm điệu, có nhạc (nhất là tiếng VN), còn chữ chỉ là hệ thống các ký hiệu để ghi lại ngôn ngữ theo dạng văn bản. Tiếng không thay đổi, chữ viết có thể thay đổi qua thời gian như chữ Hán, chữ Nôm, chữ CQN của ta vậy. Trong ngành bưu điện hay ngành truyền tin quân đội trước đây người ta còn dùng ký hiệu điện báo móoc (morse) nữa.

Tiếng nói mới là tâm hồn dân tộc. Cả một kho tàng ca dao tục ngữ, dân ca khắp ba miền truyền khẩu qua bao đời nay có chữ chiếc gì đâu. Tôi không ngờ anh không phân biệt được hai lãnh vực “tiếng” và “chữ” nên mới đem Tình Ca của Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” ra hát bên mộ giáo sĩ Đắc Lộ – tác giả Tự điển Việt Bồ La. Con nít mới ra đời được nghe lời ru của mẹ từ ca dao, dân ca chứ làm gì có chuyện trẻ con còn nằm trong nôi đã biết CQN của linh mục Đắc Lộ của anh? Nếu Phạm Duy biết chuyện nầy sớm có lẽ nhạc sĩ không cho phép tôi đưa anh đến thăm Phạm Duy năm ấy.

2.

Trong buổi lễ nhớ ơn Đắc Lộ, các anh đã tôn vinh sách Phép Giảng Tám Ngày của linh mục Đắc Lộ. Nội dung ngày thứ tư, Đắc Lộ đã mạ lỵ, xúc phạm hết sức thô bạo:

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Sách Phép Giảng Tám Ngày được GS Nguyễn Đăng Hưng dâng hiến trong lễ tôn vinh Cố đạo Đắc Lộ ở Iran ngày 5-11-2018

-Ngày Thứ tư, Đạo bụt: “giáo ngoài và giáo trong” (tr.101 và 102). Gọi Phật bằng nó, thóa mạ, miệt thị Đạo Phật là đạo gian, đạo dối trá, đạo Phật dày đặc những truyện giả, xiêu dối thế gian  nên phạm tội lỗi, đạo Phật là đạo “rợ mọi”, theo đạo Phật là quỷ quái, ai theo đạo Phật là ngu, thờ Phật là đứa gian, ai tin  Phật, không tin chúa là phạm mọi tội.v.v.

-Ngày Thứ tư, mục “Những sự dối trá của Thích Ca về linh hồn ta”. (Tr.110-111). Phê phán tục cúng ông bà tổ tiên của Việt Nam.

– Ngày Thứ tư, mục “Những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ” (Tr.112, 113). Cúng cha mẹ chết là có lỗi.

Anh tôn vinh Phép Giảng Tám Ngày, tức là anh tôn vinh cho quan điểm trịch thượng bất kính ngạo mạng của linh mục Đắc Lộ đối với giáo chủ của các tôn giáo khác. Trong Phép Giảng Tám Ngày có 9 lần Đắc Lộ nói đến “Thích Ca”, 3 lần dùng chữ “rợ mọi” đối với Đạo Bụt (Đạo Phật), 20 lần nói đến “đạo bụt” với tính cách miệt thị, dạy con chiên gọi những người thờ Bụt (Phật) là “giáo ngoài”, con chiên gọi người khác đạo là “ngoại giáo”.

Anh tôn vinh Phép Giảng Tám Ngày, xóa bỏ hoàn toàn đời sống văn hóa tâm linh Việt Nam của linh mục Đắc Lộ. Từ nay, anh có thể không vào bất cứ nơi nào thờ Phật Thích Ca trên thế giới nầy nữa, nhưng lẽ nào anh đập bàn thờ tổ tiên, không giỗ chạp cúng bái cha mẹ nữa được sao? Anh không biết Cộng đồng Vatican 2 (từ 1962 đến 1965) đã cho phục hồi việc thờ cúng ông bà cha mẹ của giáo dân ở VN rồi sao? Trong HTKH Mừng 400 năm Dòng Tên, …có hai báo cáo, báo cáo thứ hai mang tựa đề “Cái nhìn về các tôn giáo theo sách giáo lý (Cathechismus Phép Giảng Tám Ngày) của cha Đắc Lộ” của linh mục. Anton Nguyễn Cao Siêu S.J. trình bày.

Tác giả đã kết luận tham luận “Phép Giảng Tám Ngày” là một cuốn sách giáo lý nhằm dạy cho những ai muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời. Đối với Đắc Lộ, chỉ Kitô giáo mới là đạo thật, giúp con người được ơn tha tội và có sự sống vĩnh hằng. Chính từ xác tín này mà Đắc Lộ nhìn các tôn giáo trên đất An Nam: Đạo thờ ông bà của người Việt, cũng như đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật. Khi giảng cho người dự tòng, Đắc Lộ muốn đề cao cái hay của đạo mới, nên nhấn mạnh đến những điều mà Ông cho là không đúng, không hay nơi các tôn giáo khác. Hơn nữa, cái nhìn của Đắc Lộ, một thừa sai Tây phương ở thế kỷ 17, cũng chịu ảnh hưởng của nền thần học thời đó về ơn cứu độ. Đối với chúng ta hôm nay, cái nhìn này có những giới hạn và sai sót, cả trong nội dung lẫn cách trình bày. Chúng ta phải đợi Công Đồng Chung Vaticanô II mới có được cái nhìn tích cực hơn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo” (NĐX nhấn mạnh)

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Như vậy, từ Công đồng Vatican 2 (từ 1962 đến 1965), cách đây trên nửa thế kỷ TCG đã chính thức nhận sai lầm của Đắc Lộ trong Phép Giảng Tám Ngày đối với Việt Nam, sao giờ nầy anh còn tôn vinh Phép Giảng Tám Ngày say sưa đến vậy? Anh có biết nhiều linh mục Thiên Chúa giáo học Phật Thiền Chánh Niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa giảng ở các Nhà thờ, vừa làm Giáo thọ ở Trung tâm Phật giáo Làng Mai, Pháp quốc không?

3.

Anh tôn vinh cuốn Tự điển Việt Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của linh mục Đắc Lộ. Như anh đã biết phần Việt Bồ là sản phẩm của những người đi trước linh mục Đắc Lộ  như Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Francisco de Pina – những bậc thầy của linh mục Đắc Lộ. Phần La tinh Đắc Lộ thêm vào theo lệnh của Vatican. Tự điển Việt Bồ La là công cụ trang bị cho các Thừa sai Thiên Chúa giáo người Bồ, người sử dụng tiếng La tinh đi truyền giáo ở VN, để cải đạo người VN theo Phép Giảng Tám Ngày.

Ngoài các Linh mục người Việt, những ai trong xã hội VN xưa nay đã biết, đã sử dụng cuốn Tự điển ấy? Sử dụng vào việc gì? Một công cụ giúp cho các Thừa sai Thiên Chúa giáo đánh vào văn hóa, vào đời sống tâm linh của người Việt Nam, tại sao ta phải cám ơn người làm ra công cụ ấy? Đời thuở nào một người có văn hóa đi cám ơn người đã chế tác ra “bom” rải thảm lên nền văn hóa của dân tộc mình như thế? Anh sẽ trả lời con cháu anh như thế nào? Phải chăng như anh đang rao giảng lâu nay vì linh mục Đắc Lộ đã có công “tạo tác chữ quốc ngữ” như lời anh khắc trên bia dựng ở mộ Giáo sĩ Đắc Lộ bên Iran?

3.1. Xét về mặt đạo đức của người biên soạn sách, người làm tự điển của linh mục Đắc Lộ), chúng tôi đã viết trong Kiến nghị gởi Thành phố Đà Nẵng đề ngày 23-10-2019. Nay tôi mách thêm cho ông Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ cái giá trị đích thực của cái công cụ truyền giáo bằng CQN của linh mục Đắc Lộ hồi ấy như sau:

* GS.TS. Nguyễn Văn Trung – một người tu xuất, nguyên Khoa trưởng ĐH Văn khoa đầu tiên của Viện Đại học Huế, tác giả cuốn sách Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam – Thực Chất Và Huyền Thoại (Nam Sơn, Sài Gòn, 1963), người rất nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam, ông đã tham khảo hai cuốn sách của Toàn quyền Đông Dương (1891-1894) de Lanesan:

– L’Expansion coloniale de la France: étude économique, politique et géographique sur les établissements français d’outre-mer (1886) (Sự mở rộng thuộc địa của Pháp: Nghiên cứu kinh tế, chính trị và địa lý về định cư ở nước ngoài của Pháp (1886).

– L’Indo-Chine française, étude politique, économique et adminis -trative sur la Cochinchine, le Cambodge, l’Annam et le Tonkin (1889) (Đông Pháp, nghiên cứu chính trị, kinh tế và hành chính ở Nam Kỳ, Campuchia, Annam và Bắc Kỳ (1889);

Trong mục Thái độ đối xử với người bản xứ, về phương diện tôn trọng người, của cải, tôn giáo, phong tục, tập quán xã hội (tr.114), tác giả Nguyễn Văn Trung viết:

“Theo Lanessan, các vị thừa-sai Công-giáo thường nhắm quần –chúng, dân quê, bần cùng nghèo khổ, hoặc kẻ trộm cướp để giảng đạo. Nói cách khác, người công-giáo thường thuộc thành phần những giai cấp thấp hèn nhất trong xã-hội. Những người này thường được tập-hợp lại thành làng xóm riêng, tách khỏi đoàn-thể dân-tộc. Lý do cô lập các làng theo đạo ở tại các thừa sai sợ người theo đạo giao-thiệp với người Lương có thể quay lại những phong-tục lễ-nghi ngoại đạo. Cũng vì lý-do sợ đó mà họ đã tạo ra chữ quốc-ngữ, chủ-đích là để giáo dân khi biết đọc chữ quốc-ngữ, thì chỉ biết đọc sách báo đạo mà thôi, trái lại để cho họ học chữ nho, sợ họ có thể thông cảm lại với tư tưởng ngoại-giáo. Thành ra việc sáng lập chữ Quốc-ngữ phải chăng nhằm một mục đích “ngu dân” ly- khai với văn-hóa dân tộc?” (2)

3.2. CQN của linh mục Đắc Lộ là một công cụ truyền giáo “nhằm quần – chúng, dân quê, bần cùng nghèo khổ, hoặc kẻ trộm cướp để giảng đạo”, ngoài ra không có ảnh hưởng, không có tác động gì đối với dân chúng ngoại đạo Thiên Chúa, đối với tầng lớp Nho sĩ, tầng lớp quan lại của hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài (dù hai xứ nầy đối nghịch nhau).

Cả hai Đàng đều trục xuất Đắc Lộ ra khỏi nước Nam. Nghiên cứu Lịch Sử Văn học Công Giáo Việt Nam(3) của Võ Long Tê khẳng định: Từ khi có Phép Giảng Tám Ngày Tự điển Việt Bồ La (1651) cho đến ngày Việt Nam hoàn toàn bị mất vào tay thực dân Pháp (1885 – Thất Thủ Kinh Đô), trên hơn 200 năm ấy không thấy có bất cứ một tác phẩm văn học nào bằng CQN của linh mục Đắc Lộ trong đời sống người dân Việt cả. (Nếu có cũng chỉ phổ biến trong các nhà thờ mà thôi). Các tác giả Việt Nam, trong thời gian hơn 200 năm ấy, không hề biết trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn ở VN đang có Phép Giảng Tám Ngày và Tự điển Việt Bồ La bằng CQN của linh mục Đắc Lộ.

Các tác giả Việt Nam cứ tiếp tục sử dụng chữ Hán Nôm của cha ông mình đã sử dụng, sáng tác nên các tác phẩm bất hủ trong cổ Văn học sử Việt Nam như Truyện Hoa Tiên, Tụng Tây Hồ Phú, Sãi Vãi, Hoài Nam Khúc, Ai Tư Vãn, Nhị Độ Mai, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm v.v.. Đặc biệt, Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu VN không mất nước, không bị thực dân Pháp và Thiên Chúa giáo bắt buộc phải bỏ chữ Hán, bỏ chữ Nôm, thay vào đó bằng CQN thì Đắc Lộ và các sách của ông ấy cũng cùng chung số phận bị lãng quên như các Tự điển La tinh hóa chữ Nhật, chữ Tàu không còn ai nhắc đến nữa.

3.3. Vì sao các nước Nhật Bản, Trung Quốc loại bỏ chữ la-tinh hóa mà VN thì vẫn giữ chữ Việt la-tinh hóa cho đến ngày nay? Để trả lời câu hỏi nầy, Giáo sư Cao Huy Thuần – Giáo sư Đại học ở Pháp,Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Liên Hiệp Âu Châu tại Đại học Amiens. Năm 1990, với sự bảo trợ của Đại học Yale, ông đã xuất bản Luận án Tiến sĩ Quốc gia Pháp: Les missionnaires et la politique coloniale francaise au Viêt Nam (1857 1914). Tại Chương IX: Văn thư và tin tức tình báo của Giám mục Puginier (gởi cho thực dân Pháp) (tr. 276-303). Đoạn trích chụp lại nguyên văn dưới đây tại trang 300 và tr. 301:

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Có chú thích “Notes sur la question du Tong-King,” Mars 1884. Archives du ministers de la F.O.M., AOO (30) ou N.F.54.

Tác giả Cao Huy Thuần chuyển ngữ văn bản của Giám mục Puginier qua CQN như sau:

Điều thứ hai phải làm, chính là bãi bỏ chữ Nho và thay thế, lúc đầu, bằng tiếng Việt Nam viết theo kiểu người Âu, gọi là Quốc ngữ, rồi sau đó, bằng tiếng Pháp. Không có cách nào hữu hiệu hơn cách này để tiêu diệt tinh thần đạo Nho và uy thế to lớn của nhà Nho trong dân chúng (NĐX nhấn mạnh)Thật vậy, nếu không còn dạy và dùng chữ Nho nữa trong các văn kiện chính thức, thì toàn bộ kiến thức của các nhà Nho nào có ích lợi gì? Và nếu người Việt Nam không còn biết đọc các sách cổ viết bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm, họ đã chẳng dần dần bị dẫn đến chỗ không biết được chính văn hóa, văn minh dân tộc họ đó sao? Khi ấy triết học Nho giáo, nền tảng của tổ chức chính trị và xã hội trong nước, chẳng bị chết dần chết mòn sao?

“Nhưng công việc này phải tiến hành từ từ, tiệm tiến, đừng nói gì cả vì ngại va chạm đến dân chúng đã quen dùng ngôn ngữ và chữ Nho, và vì lý do chính trị, để tránh làm mích lòng Trung Quốc”.

“Từ lâu, tôi chủ trương dạy tiếng Pháp và dùng mẫu tự Âu châu để viết tiếng An Nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch mà tôi đã đề nghị sáu lần. Tuy nhiên, tôi vui sướng thấy từ hai năm nay, chúng ta làm việc tích cực cho mục tiêu này; ngoài trường dạy tiếng Pháp của Phái bộ truyền giáo, là trường đầu tiên được thành lập ngày 8 tháng 12 năm 1884, chính phủ còn lập nhiều trường khác từ ngày 5 tháng 4 năm 1885”.

“Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An Nam viết và đọc được tiếng họ bằng mẫu tự Âu châu, việc này dễ hơn tiện hơn nhiều so với việc dùng chữ Nho. Rồi vài năm sau, nên bắt buộc mọi giấy tờ chính thức, thay vì viết chữ Nho như trước, phải được viết bằng tiếng trong nước, và mọi viên chức phải được dạy ít nhất để biết đọc và viết tiếng An Nam bằng mẫu tự Âu châu. Trong thời gian đó việc dạy tiếng Pháp sẽ tiến triển hơn và chúng ta chuẩn bị một thế hệ sẽ cung cấp các viên chức có học ngôn ngữ chúng ta. Thế là, có lẽ trong vòng 20 hoặc 25 năm, chúng ta có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều phải được làm bằng tiếng Pháp và, do đó, chữ Nho sẽ dần dần bị bỏ rơi mà không cần phải cấm học”.

“Khi đạt được thành tựu to lớn đó, chúng ta lấy đi một phần lớn ảnh hưởng của Trung Quốc tại An Nam, và đảng nhà Nho An Nam, rất căn thù sự thiết lập thế lực Pháp, cũng dần dần bị tiêu diệt”.

“Vấn để này có tầm quan trọng rất lớn, và sau việc thiết lập Gia-tô giáo, tôi xem việc phế bỏ chữ Nho và việc thay thế nó dần bằng tiếng An Nam trước rồi kế đến bằng tiếng Pháp, là một phương cách rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập lên ở Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ của Viễn Đông”(4).

Như vậy CQN của linh mục Đắc Lộ không những là một công cụ xóa bỏ nền văn hóa Việt Nam mà còn thủ tiêu luôn cả tinh thần ý chí chống Pháp để bảo vệ đất nước của người Việt Nam. Người làm ra CQN và áp đặt buộc người Việt Nam phải học là kẻ thù của dân tộc VN, làm sao anh lại có thể làm ngược lại là tôn vinh Đắc Lộ và Tự điển Việt Bồ La của ông ta? Thực dân Pháp đã thực hiện đúng quy trình của Puginier đưa ra. Lúc đầu, bắt dân học CQN rồi sau đó bước qua học tiếng Pháp dứt hẵn với chữ Nho và chữ Nôm, dứt hẵn với lịch sử, văn hóa Việt Nam.

4.

Thực dân Pháp thực hiện mưu đồ của Giám mục Puginier bắt dân ta học CQN của Đắc Lộ. Học CQN để quên đi quá khứ, quên đi lịch sử, để cải đạo, phục vụ cho thực dân Pháp rồi dần dần trở thành công bộc của thực dân Pháp. Nhà Nho Trần Tế Xương đã phản ảnh tình hình lúc đó qua bài thơ ngắn sau đây:

Nào có nghĩa gì cái chữ Nho Ông nghè ông cống cũng nằm co Chi bằng đi học làm thầy phán Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò Các chí sĩ yêu nước VN, các nhà văn hóa VN thấy rõ cái nhục đó, đứng vào cái thế bị cai trị, không còn cách chọn lựa nào khác họ đã vận dụng ngay cái công cụ phục vụ Thiên Chúa Giáo và thực dân Pháp biến thành công cụ dạy bảo cho dân VN biết được tội ác của giặc, biến cái công cụ thô sơ, hẹp hòi của địch thành một vũ khí sắc bén, vừa để đánh trả địch, vừa để xây dựng ngôi nhà văn hóa của mình. Xây dựng ngôi nhà văn hóa đó không những bằng gỗ giải hạ lấy được của giặc mà  chủ yếu bằng gạch đá của cha ông để lại (chữ Nho) cộng với tri thức của thời đại không qua con đường CQN.

Thực dân Pháp nghe lời Giám mục Puginier loại bỏ chữ Hán, chữ Nôm, nhưng chính trong giai đoạn nầy xuất hiện nhiều người Việt giỏi Hán Nôm. Giỏi Hán Nôm không phải để trở thành khoa bảng như ngày xưa mà thực tế để xây dựng văn hóa Việt Nam. Người Pháp không ngờ các trí thức Hán Nôm (như cụ Đào Thái Hanh ở Sa-đéc, tác giả Ái Châu Danh Thắng,  rất giỏi Hán Nôm và cũng là người giỏi tiếng Pháp) và ngược lại những trí thức rất giỏi tiếng Pháp và cũng rất sành Hán Nôm (như cụ Phạm Quỳnh, cụ Hoàng Xuân Hãn).

Tôi không nghiên cứu ngữ học Việt Nam, chỉ với tư cách là một người cầm bút tôi nghĩ trong tiếng nói và chữ viết tiếng Việt hiện nay có ít nhất từ 70% đến 80% là chữ Hán Việt (chữ Nho), còn lại 30% hay 20% chữ thuần , trong đó có CQN do Giáo sĩ Đắc Lộ chép của các vị Thừa sai người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và chữ thuần Việt xuất phát từ các địa phương khác mà thời các vị Thừa sai người Bồ, người Tây Ban Nha chưa biết. 70% đến 80% dùng chữ Hán Việt (chữ Nho) là gì? Là các chữ do người VN sử dụng (chữ Nho) theo nghĩa của người Việt, hoặc sử dụng những từ mới do các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc mới phát minh sau nầy. 70% đến 80%  chữ Việt dùng Hán Việt trong các lãnh vực Khoa học (Toán học, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Y học, Địa chất học.v.v.), trong lĩnh vực Luật học, trong lĩnh vực Triết học, Kiến trúc, Xây dựng, Nghệ thuật, Thương mại .v.v.. Và ngay bây giờ trong lĩnh vực Công nghệ 4.0.

Ta nói “trí tuệ nhân tạo” có từ nào là thuần Việt đâu? Tôi không nghiên cứu ngữ học tôi không biết hết, nhưng qua quá trình học vấn hạn hẹp của tôi: Tôi đã học khoa học nhờ Danh Từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu  Luật học nhờ từ điển Luật của Vũ Văn Mẫu, học Triết học bằng Danh từ Triết học của Nguyễn Văn Trung. Gia tài CQN ngày nay của VN do biết bao người đóng góp xây dựng nên. Tại sao ông Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ chỉ vinh danh các Giáo sĩ Pi-na và Đắc Lộ không mà thôi?

Và, chắc anh cũng biết, sau ngày Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, cuộc diễn hành mừng Cách mạng ở Hà Nội, bộ đội Việt Minh mặc binh phục của Pháp, đeo súng Pháp. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến, vũ khí chống Pháp hầu hết cũng đều của Pháp. Vậy có khi nào ta đặt vấn đề tôn vinh cám ơn những người đã làm ra những vũ khí và binh phục cho ta chống Pháp không? Chắc chắn là không.

Anh là nhà vật lý chắc anh biết Giáo sư Tiến sĩ Trần Chung Ngọc

(1931–2014)  là một học giả người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp bằng Tiến sĩ vật lý tại Đại học Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ, ông từng giảng dạy tại trường ĐH Khoa học Sài Gòn và các cơ sở giáo dục của VNCH đồng thời có thời gian nhập ngũ làm sĩ quan trong quân đội VNCH, Trần Chung Ngọc sang định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục nghiên cứu vật lý, nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tôn giáo Việt Nam. Năm 1994, ông kết luận bài viết Alexandre de Rhodes: Công hay Tội ? như sau:

“Một tên giặc tới nhà chúng ta, tạo ra một thứ vũ khí để dễ bề quyến rũ con em nhẹ dạ theo chúng phản lại tổ tiên, chúng ta dùng vũ khí đó để mở mang đầu óc của tất cả những người trong gia đình nhờ đó mà gia đình chúng ta bảo vệ được truyền thống luân lý đạo đức của gia đình,bảo toàn gia sản của tổ tiên khỏi bị cướp đi, vậy chúng ta nên nhớ ơn những người trong gia đình có sáng kiến dùng ngay vũ khí của địch để đánh địch hay là chúng ta nên nhớ ơn kẻ đã mang vũ khí đến nhà chúng ta để cướp đi của cải và gây bất hòa trong gia đình chúng ta?

Tôi hy vọng vấn đề công và tội của Alexandre de Rhodes nay đã sáng tỏ”.(5)

Anh có thể không đồng ý với nhận định của TS Trần Chung Ngọc, nhưng ít ra anh cũng biết được rằng trong xã hội VN hiện nay, không phải ai cũng nghĩ về linh mục Đắc Lộ và CQN của ông như anh. Anh có quyền vinh danh lịnh mục Đắc Lộ, anh có quyền vinh danh Phép Giảng Tám Ngày nhưng anh không được nhân danh dân tộc VN vinh danh nhừng người anh đang phấn đấu vinh danh như anh đã khắc lên bia đá “ CHỮ QUỐC NGỮ CÒN, TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT NAM CÒN”;.

5.

Vừa rồi anh nói trên Net: “Đà Nẵng không đặt thì ở Quảng Nam sẽ đặt tên đường hai vị”. Anh là Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, trường Đại học Duy Tân chứ đâu phải HĐND tỉnh Quảng Nam mà có thể khẳng định như vậy? Mà nếu là tỉnh Quảng Nam đi nữa thì tỉnh Quảng Nam đâu có thể vượt qua được chủ trương của nhà nước Việt Nam: “Điều 10, Khoản 5 về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng như sau:

“Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”.

Alexandre de Rhodes là một người có công với Vatican mà có tội với dân tộc Việt, rắc rối như thế làm sao HĐND tỉnh Quảng Nam có thể chọn ông để đặt tên đường được chứ! Nhà thơ, ca sĩ Nguyễn Đăng Hưng mới lãng mạn như thế chứ không phải ông Giáo sư Vật lý phá vỡ ở Bỉ!

6.

Có lẽ anh đã cảm thấy bị hố nên anh lại viết lại trên FB rằng “Đặt tên đường hay không đâu quan trọng, bởi trong tâm tưởng người Việt, với nết nghĩ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn có Alexandre de Rhodes, bởi chữ quốc ngữ từ ông hiện hữu đang được dùng mỗi ngày”.

Anh lại sai nữa rồi. “Đặt tên đường hay không đâu quan trọng” thế thì anh – một trong những người cổ vũ cho TP. Đà Nẵng lấy tên hai linh mục Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên đường phố làm gì để gây nên cuộc tranh luận gây mất đoàn kết đang diễn ra như hiện nay? Anh dẫn đoàn đi Iran vinh danh Đắc Lộ, vinh danh Phép Giảng Tám Ngày, việc Quảng Nam tổ chức Hội thảo CQN, chuyện Quảng Nam thiết kế xây dựng công viên Dinh trấn Thanh Chiêm CQN có ai chính thức phản đối gì đâu. Anh viết: “Bởi trong tâm tưởng người Việt, với nết nghĩ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn có Alexandre de Rhodes bởi chữ quốc ngữ từ ông hiện hữu đang được dùng mỗi ngày”. Nhận thức của anh trên đây có hai điều sai:

6.1. Giáo sĩ Đắc Lộ có làm ra CQN đâu, ông ta chỉ là người cóp của các Thừa sai Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Francisco de Pina. Cóp xong rồi hủy hết tất cả di cảo mà ông đã sử dụng của các tác giả từng là ân nhân, là thầy của ông để dành cái quyền làm chủ CQN độc nhất là Alexandre de Rhodes? Khối di cảo đó rất lớn mới giúp cho Alexandre de Rhodes khai thác làm nên công trình Tự điển Việt Bồ La, làm sao có thể mất được? Tại sao anh không lên án Alexandre de Rhodes về hành vi hủy di cảo CQN của những người đi trước như đã đề cập mà chỉ vinh danh Alexandre de Rhodes là sao ?

Anh sống ở TP HCM lâu chắc anh biết học giả An Chi. An Chi đã giải thích công việc anh đang theo đuổi là:

“Cái  tâm lý đòi dân ta phải mang ơn A.de Rhode chẳng qua là hậu quả của sự nhồi sọ mà bọn thực dân Pháp đã thực hiện trong thời kỳ chúng còn cai trị dân ta, nước ta. Ngoài ra, còn có thể có cả những nguyên nhân khác thuộc tâm thức riêng, và cả…tín ngưỡng riêng nữa.”

“Người ta thì làm cuốn tự điển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền đạo của người ta mà mình thì cứ nằng nặc đòi người Việt Nam phải ghi công ông cố đạo Alexandre de Rhode, thậm chí có người mà lòng biết ơn cụ cố còn làm tượng nặng đến 43 tấn.” (Theo antg.cand.com.vn)

6.2.– Anh xem thử CQN trong đời sống với công nghệ 4.0 hiện nay có bao nhiêu phần trăm CQN có trong Tự điển Việt Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Đắc Lộ? Có ít nhất 70% đến 80% từ Hán Việt (chữ Nho). Ví dụ “Công trình nghiên cứu chữ quốc ngữ” (cụm từ 1)  của anh gồm 7 từ, chỉ có 1 từ (chữ) Việt và có đến 6 từ  do cha ông chúng ta đã sử dụng Hán Việt (chữ Nho), 6 từ nầy không thể có trong Tự điển Việt Bồ La của Đắc Lộ. “Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tham gia Hội thảo Khoa học về Chữ Quốc Ngữ” (cụm từ 2) có 15 từ, chỉ có 2 từ Việt (về, chữ) còn có đến 13 từ Hán Việt (chữ Nho).

Chữ viết trong đời sống của chúng ta hiện nay như thế đấy. Tại sao anh không nhớ những người làm ra 6 từ trong cụm từ 1 và 13 từ trong cụm từ 2 ấy mà chỉ nhớ người chép mấy từ “chữ”, “về chữ” trong Tự điển của Đắc Lộ mà thôi? Anh có biết sách Danh Từ Khoa Học của cụ Hoàng Xuân Hãn ra đời năm 1942, đã được Hội Khuyến Học Nam Kỳ tăngh thưởng từ năm 1943 không? “Quyển sách “Danh từ khoa học” của cụ Hoàng Xuân Hãn viết năm 1942 bàn về việc “nhập khẩu” thuật ngữ khoa học, ở đó có các chỉ dẫn hữu ích để chọn cách tạo ra từ ngữ mới khi dịch”.

Thư gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng 'Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng'

Nếu trước đây không có Danh Từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn anh có học Toán, học khoa học bằng tiếng Việt được không? Anh có biết  Cái học ban đầu đưa anh lên lấy bằng Tiến sĩ vật lý sao anh không nhớ? Cái quả CQN ngày nay chúng ta đang sử dụng là một công trình góp công góp sức của biết bao người qua hàng trăm năm, các nhà Nho không tên tuổi, các ông Trương Vĩnh Ký với Gia Định Báo, Huỳnh Tịnh Của với Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhóm Đông Dương Tạp Chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Nhóm Nam Phong Tạp Chí, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Tường Tam với Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Chí Minh, Phong trào Bình Dân Học Vụ, Phạm Văn Đồng, Nhóm Giáo sư trường Khải Định (sau năm 1956 lấy lại tên Quốc Học) và trí thức Huế (như Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn.v.v.), Nguyễn Bạt Tụy, Trương Văn Chình, Lê Ngọc Trụ, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Trung,.v.v. Anh chỉ vinh danh Đắc Lộ – người làm ra công cụ truyền giáo là vô ơn bội nghĩa với những người đã góp công xây dựng nên CQN cho dân tộc ngày nay.

7.

Có lẽ đến hôm nay anh đã được đọc nhiều bài viết về linh mục Đắc Lộ và Lịch sử CQN của ông mà trước khi nhận chức Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, trường Đại học Duy Tân anh chưa đọc. Và chắc anh cũng không ngờ chuyện linh mục Đắc Lộ trước đây nó đã dữ dội đến như vậy và đang diễn ra trên mạng xã hội rầm rộ đến như vậy.

Có người gọi tôi: “Ông X. ơi, chuyện Đắc Lộ tôi tưởng đã giấu được rồi để lo chuyện thời sự, ai ngờ ông Giáo sư Việt kiều Bỉ Nguyễn Đăng Hưng xới lại, phát hiện thêm được nhiều thông tin thú vị quá: Chuyện ông Đắc Lộ xin nước Pháp cấp cho ông nhiều binh sĩ để ông lên đường chinh phục toàn cõi phương Đông, chuyện Lời thề của các giáo sĩ Dòng Tên trước Giáo Hoàng ghê quá. Nhiều giáo dân không thể tưởng tượng được các vị Thừa sai Thiên Chúa giáo truyền bá đạo Chúa vào VN bằng cuốn Phép Giảng Tám Ngày kinh khủng đến như thế!” Chắc cũng đã có người gọi điện thoại thông tin đó đến anh phải không ?

Anh Hưng ơi! Thật tình tôi không muốn nói chuyện nầy: Đã và sẽ, không những người ta đưa ra nhiều thông tin mới (hoặc cũ nhưng ít người biết) về linh mục Đắc Lộ và CQN của ông mà còn lôi ra nhiều thứ nữa như những trường hợp Thực dân Pháp và Thiên Chúa giáo cấu kết với nhau chiếm đất, cướp chùa, phá tượng Phật Việt Nam, về Trần Lục (Cha Sáu) kéo 5.000 giáo dân triệt hạ căn cứ chống Pháp ở Ba Đình, lôi ra các tên tuổi làm gián điệp cho Pháp và đặc biệt là nhắc lại lịch sử Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914) v.v.. Và tôi tin chắc với phương tiện in ấn dễ dàng và mạng xã hội phổ cập hiện nay, trong tương lai sẽ còn nhiều tham luận, nhiều tranh luận, nhiều sách của những người ủng hộ việc vinh danh linh mục Đắc Lộ của anh và những người hạch tội linh mục Đắc Lộ.

Việc vinh danh linh mục Đắc Lộ hay lên án ông cho đến nay không có gì mới. Chỉ xuất hiện những người viết mới thôi. Điều mà những người tử tế trách anh là anh không nắm rõ vấn đề, anh vinh danh linh mục Đắc Lộ hay ho đâu chưa thấy mà lộ ra bao chuyện không hay về Đắc Lộ và những gì liên quan đến ông. Anh không để cho ông nằm yên bên Iran mà lôi ông về VN làm chi để cho thiên hạ nhắc lại những điều không hay dành cho ông đã diễn ra trước đây và đang được bổ sung hiện nay. Từ nay cho đến nhiều đời sau nữa, tên GS Nguyễn Đăng Hưng – Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, trường Đại học Duy Tân, Tp. Đà Nẵng luôn gắn với linh mục Đắc Lộ. Không biết nên buồn hay nên vui anh Hưng hè?

Chuyện linh mục Đắc Lộ và CQN của ông (chứ không phải CQN của VN ngày nay) còn có thể trao đổi tiếp nhưng dù sao cũng phải tạm dừng ở đây. Nếu anh thấy chưa thỏa đáng lại sẽ trao đổi tiếp.

Tôi gởi lại anh lá thư anh đã vội gởi cho tôi: “Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng”. Tôi gởi lại để anh thấy tôi hay anh nên thực hiện nội dung lá thư ấy. Tôi chờ quyết định của anh.

Chúc anh “Rày hằng ngày dùng đủ”.

Thân chào anh.

Huế, Mùa Noel 2019

Nguyễn Đắc Xuân (Sách hiếm)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alexandre De Rhodes, Hành trình và truyền giáo –Diverces Voyages et Missions, Bản dịch của Hồng Nhuệ, Bản Pháp ngữ của NXB GRAMOISY 1653,TỦ SÁCH ĐẠI KẾT, Ủy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo, TP Hồ Chí Minh -1994.

2. Alexandre De Rhodes, Phép Giảng Tám Ngày (Bản chụp cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ *In tại Roma, Italia, 1651)* Sách phục vụ nghiên cứu – không bán)

3. Cao Huy Thuần, LES MISSIONNAIRES ET POLITIQUE COLONIALE  FRANCAISE AU VIETNAM (1857-1914), The Lac Viet Series-No 13, Council On Southeast Asia Studies Yale Center For International And Area Studies.

4. Cao Huy Thuần, Giáo Sĩ  Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914), Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.

5. Cửu Long Lê Trọng Văn, PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ, TUYỂN TẬP,  Hoa Kỳ, 1996.

6. Hội thảo HTKH  Mừng 400 năm Dòng Tên do Học viện Dòng Tên Việt Nam tổ chức tại P. Linh Trung, Q. Thủ Đức ngày 12-7-2014.

7. Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Tome I và Tome II, SAIGON, Imprimerie Rey,Curiol &Cie, 4 Rue d’Adran, 1895.

8. Nguyễn Sinh Duy, “Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký”, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn, 1975.

9. Nguyễn Văn Kiệm (Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo), Sự Du Nhập Của Đạo Thiên Chúa Giáo Vào Việt Nam Từ Thế Kỷ XVII Đến Thế Kỷ XIX, Hội KHLSVN, Hà Nội, 2001.

10. Nguyễn Văn Trung, Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam – Thực Chất Và Huyền Thoại, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn, 1963.

11. Nguyen Xuan Tho, Histoire de la Pénétration Francaise Au Viet Nam (1858-1897), Giáo hội Phật giáo Linh Sơn Thế Giới, Trung Tâm Văn Hóa Linh Sơn 98-847, ILEE ST., AIEA, HI 96701, Tel : 808-488-3425.

12. Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858-1897), Nxb. Hồng Đức, TP HCM 2016.

13. Nhiều tác giả, A. De Rhodes – Người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và Chữ Quốc Ngữ, Giao Điểm, Hoa Kỳ, 1998.

14. Phan Phát Huồn C. SS.R, Việt Nam Giáo Sử,  Quyển I (1533-1933), In lần thứ hai, Copyright, 1965 By CỨU THẾ TÙNG THƯ – SAIGÒN.

15. Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Sudestasie, Paris 1978.

16. Trên 35 tác giả, Từ Chùa Báo Thiên Đến Tòa Khâm Sứ, Giaodiemonline.com và Sachhiem.net, 4-2006.

17. Võ Long Tê, Lịch Sử Văn học Công Giáo Việt Nam, Nxb. Tư Duy, Sài Gòn, 1965.

18. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp Và Trung Hoa, Ban KHXH Thành ủy TP HCM, 1990./.

(1) Hội thảo HTKH Mừng 400 Dòng Tên do Học viện Dòng tên Việt Nam tổ chức tại P. Linh Trung Q. Thủ Đức ngày 12-7-2014.

(2) Nguyễn Văn Trung , Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam – Thực Chất Và Huyền Thoại (Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1963, tr.116

(3) Võ Long Tê, Lịch Sử Văn học Công Giáo Việt Nam), Nxb. Tư Duy, Sài Gòn, 1965),

(4) Cao Huy Thuần, Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914), Nxb. Tôn Giáo, HN, 2003, tr. 442-443).

(5) Cửu Long Lê Trọng Văn, PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ, TUYỂN TẬP,  Hoa Kỳ, 1996, tr.161-162.

________________

Hình ảnh cập nhật của Nhà Huế Học Nguyễn Xuân đăng ở
https://vedepphatphap.vn/

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây