Bậc sĩ phu xuất thế
Sĩ phu là bậc có học vấn và có khí tiết anh hùng. Khi hành động, trái tim của họ cùng nhịp đập với tư duy thì bản lĩnh, tuệ tâm của họ cũng cao sâu hơn người. Không phải sính cổ nhưng đích thực cụm từ “bậc sĩ phu xuất thế” phù hợp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông ấy đã chọn con đường xuất thế, là một trong tứ trụ, cống hiến cả cuộc đời vì sự phát triển của đất nước và cuộc sống bình yên của nhân dân. Lẽ ra ở tuổi thất thập niên, Ông có quyền nghỉ ngơi, viết hồi ký nhưng vận nước cần, Ông lại xuất thế với phẩm chất của bậc sĩ phu hào kiệt.
Hành đạo là trừ bạo để yên dân
Khi gánh vác nhiệm kỳ Tổng Bí thư đầu tiên của mình (2011-2016), ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của mình phải đối diện với một tệ nạn nguy hiểm. Đó là tham nhũng khổng lồ, vươn vòi bạch tuộc sâu, rộng khắp nơi. Trừ bạo để yên dân là mệnh lệnh của thời đại lúc bấy giờ!
Tổng Bí thư đã dùng kế “lạt mềm buộc chặt” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (16/1/2012), là cái khởi đầu để những kẻ suy thoái phải phơi bày tội trạng. Tuy nhiên trăm cái “vòi bạch tuộc” cứ níu giữ nên kết quả chưa trọn vẹn, giọt nước mắt đã đi vào lịch sử. Tuy vậy, đã có không ít người phải cúi đầu thừa nhận tội lỗi của mình.
Tại Đại hội Đảng khóa XII (1/2016), bằng những kế sách có thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với các cộng sự của mình, những bậc chính nhân quân tử, chặn đứng mưu đồ tiếm quyền lãnh đạo đất nước. Đây là một cuộc chặn đứng toát mồ hôi, nếu người đời quên, lịch sử vẫn khắc ghi. Chúng ta thử hình dung, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng không tuệ trí hơn người thì số lượng người không đủ phẩm chất ngồi vào bộ máy Nhà nước thì hậu quả sẽ ra sao? Chiến công này là một cuộc cứu nguy dân tộc !
Sang nhiệm kỳ 2 (2016 – 2021) lại tiếp tục là cuộc đại dọn rác lịch sử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã xây dựng được bộ máy trừ bạo hiệu quả. Trước đó (Hội nghị Trung ương 5 – khóa XI), Ông đã gánh trọng trách đứng đầu tổ chức Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, trước đó trực thuộc Chính phủ (đây là bước ngoặt quan trong của cuộc chiến chống tham nhũng mà lịch sử sẽ ghi nhớ). Từ đó, Ông có cơ hội củng cố hệ thống tổ chức bằng việc thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, các đoàn Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an (chủ lực là C46) để tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.
Thấm sâu bài học từ Lê-nin: “Hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ xoay chuyển nước Nga”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xây dựng được tổ chức mạnh, do ông vận hành, để xoay chuyển cuộc đốt, diệt tham nhũng. Chỉ 20 tháng, sau Đại hội XII, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đánh sập ổ nhóm tham nhũng trong Tập đoàn Dầu khí và Ngân hàng. Thuận đà bung phá, mở rộng ở các bộ, ngành, địa phương, hàng trăm quan chức cộm cán từ Ủy viên Bộ Chính trị đến Ủy viên Trung ương, kể cả những người đã lui về “biệt phủ” cũng phải chịu trách nhiệm với sai phạm của mình trước pháp luật. Cùng với họ là hàng vạn kẻ đục khoét khác sa lưới, thu hồi tài sản khổng lồ về cho nhân dân. Đặc biệt, cuộc vỗ mặt các quan đại thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội), đã làm cho quan chức bộ, ngành, tỉnh, thành, bắt đầu run sợ. Quan huyện, xã cũng ngó quan trên mà rệu rã,…
Hai mươi tháng, như thế vận tốc nhanh, hiệu quả! Bước đầu, đã hồi sinh niềm tin cho nhân dân. Chiến công cứu nguy dân tộc và quét rác lịch sử ấy là việc chỉ có ở bậc anh hùng, hào kiệt. Đã vậy lối sống của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng vô cùng giản dị, ở nhà công vụ, mặc áo ấm đã sờn chỉ, đi xe Toyota Crown sản xuất những năm 90. Ở thời khắc nóng lửa này, Ông là nguồn đáp ứng niềm tin và là biểu tượng niềm tin của nhân dân!
Văn Nguyễn
Nguồn: Cánh cò