Trang chủ Luận bàn - Phản biện GDP và trách nhiệm giải trình

GDP và trách nhiệm giải trình

151
0

Các cơ quan thống kê trên toàn thế giới nhận thức được rằng thông tin mà họ cung cấp chỉ có giá trị nếu công chúng tin tưởng các thông tin đó.

Lời tòa soạn:GDP sau khi được tính toán lại đã tăng trung bình 25,4% giai đoạn 2010-2017, làm cho nhiều giới ngạc nhiên. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam như là một góc nhìn cho sự kiện này.

GDP là thước đo phổ biến nhất

Mặc dù không hoàn hảo nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn là thước đo được sử dụng phổ biến nhất để đo sự phát triển của nền kinh tế. Sức mạnh chính của nó chính là sự đơn giản: GDP được định nghĩa là giá trị sản lượng kinh tế của đất nước, trừ chi phí sản xuất.

Các nhà phê bình cho rằng, các thay đổi nhanh chóng đã làm giảm sự phù hợp của GDP như một thước đo phát triển kinh tế trong thế giới hiện đại. Ước tính GDP đầu tiên được đưa ra vào đầu thế kỷ 20 – khi đó sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chiếm khoảng một nửa sản lượng quốc gia ở các nước công nghiệp. Đo lường sản lượng trang trại và nhà máy là một việc đơn giản vì hàng hóa được bán theo các đơn vị riêng biệt và theo giá có thể xác định được.

Nhưng hiện nay, khi các dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế, quá trình tính toán GDP trở nên phức tạp hơn. Nhiều dịch vụ không có giá thị trường vì những dịch vụ này được cung cấp miễn phí hoặc đi kèm với các hàng hóa và dịch vụ khác, ví dụ như bản đồ hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử miễn phí trên điện thoại thông minh. Một số công ty lớn nhất thế giới hiện nay là những công ty khai thác dữ liệu thay vì những công ty khai thác dầu khí; nhưng không giống như dầu, giá thông tin phụ thuộc vào bối cảnh sử dụng thông tin.

Việc tính toán chi phí sản xuất cũng trở nên phức tạp hơn. Các nhà máy nhiệt điện than phát thải carbon gây ra biến đổi khí hậu. Tại sao chúng ta tính chi phí của than mà không phải là thiệt hại cho môi trường do đốt than? Sự phân chia giữa vốn và lao động cũng trở nên mờ nhạt. Tài xế Grab có phải là người làm công được trả lương theo dặm hay là chủ sở hữu xe hơi kiếm lãi từ khoản vốn đầu tư?

GDP và trách nhiệm giải trìnhKhi các dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế, quá trình tính toán GDP trở nên phức tạp hơn.

Mặc dù gặp phải những vấn đề đó và nhiều vấn đề khác, chúng ta vẫn cần một thước đo hoạt động kinh tế để làm căn cứ cho quá trình hoạch định chính sách và kinh doanh. Và không chắc là chúng ta có thể làm được điều đó mà không cần đến GDP.

Thách thức đặt ra là làm thế nào để việc đo lường GDP trở nên phù hợp hơn với thời đại của chúng ta. Các nhà thống kê tại Liên Hợp Quốc và các nước thành viên đã và đang phát triển các phương pháp và tiêu chuẩn mới để đạt được mục tiêu này.

Chỉ số pháp lệnh

Là một phần của quá trình này, Tổng cục Thống kê đang nỗ lực cải thiện chất lượng thống kê tài khoản quốc gia của Việt Nam, hài hòa hóa các phương pháp của Tổng cục Thống kê với Hệ thống Tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc (SNA 2008), mở rộng phạm vi và kết hợp thông tin từ các khảo sát và điều tra quy mô lớn.

Trong tương lai, Tổng cục Thống kê sẽ cần tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề như các giao dịch quốc tế phức tạp, định giá các dịch vụ kỹ thuật số, bổ sung thông tin về suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu vào các tài khoản quốc gia.

Việc bổ sung, điều chỉnh số liệu tài khoản quốc gia là một quy trình tiêu chuẩn trong tất cả các cơ quan thống kê quốc gia và quốc tế. Khi giá cả thay đổi và nền kinh tế phát triển, các giá trị kinh tế phải được tính toán lại, và các sản phẩm và dịch vụ mới phải được tính đến.

Cần thận trọng để đảm bảo rằng những thay đổi này không làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tính khách quan của những số liệu thống kê chính thức. Các cơ quan thống kê trên toàn thế giới nhận thức được rằng thông tin mà họ cung cấp chỉ có giá trị nếu công chúng tin tưởng các thông tin đó.

Việc bổ sung, điều chỉnh các số liệu tài khoản quốc gia là cần thiết nhưng phải được thực hiện theo một lịch trình thường xuyên, và với một cơ sở khoa học rõ ràng. Điều tối quan trọng là các cơ quan thống kê phải đảm bảo không bị chi phối bởi những lợi ích chính trị và thương mại.

Sự hoài nghi nữa của công chúng về việc bổ sung, điều chỉnh số liệu thống kê là do các nhà hoạch định chính sách đặt ra các mục tiêu dựa trên các số liệu thống kê và để đánh giá kết quả (của họ) đạt được các mục tiêu đó.

Ví dụ: Chính phủ Việt Nam sử dụng các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, nợ công và nợ nước ngoài theo tỷ lệ phần trăm GDP, tỷ lệ thâm hụt ngân sách và một loạt các chỉ tiêu khác. Các chỉ tiêu này được quy định trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ và do vậy có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Các chỉ tiêu này được chính phủ sử dụng để tự áp đặt kỷ luật cho hoạt động của mình.

Các chỉ tiêu sẽ hữu ích khi chúng rõ ràng và khách quan. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi các chỉ tiêu cũng có một nhược điểm là nó dễ dẫn đến xu hướng chính trị hóa các số liệu thống kê chính thức. Các bổ sung, điều chỉnh lớn đối với GDP, ngay cả khi được tiến hành thường xuyên và dựa trên các tiêu chí khách quan, vẫn có thể bị công chúng xem là một nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia để né tránh trách nhiệm giải trình của họ.

Kinh nghiệm quốc tế: độc lập và khách quan

Ví dụ, khu vực đồng Euro áp đặt các quy tắc tài khóa đối với các quốc gia thành viên như giới hạn 3% đối với thâm hụt tài khóa và 60% đối với tỷ lệ nợ công trên GDP. Đối mặt với yêu cầu chi tiêu cao hơn, chính phủ các nước đã can thiệp vào các tài khoản quốc gia để tỏ ra rằng họ vẫn đang đạt được các chỉ tiêu đề ra. Họ ghi trong sổ sách các khoản nợ phải trả như doanh thu và ghi chi tiêu như trả nợ, thu từ bán các doanh nghiệp nhà nước được thể hiện dưới dạng doanh thu và trợ cấp công nghiệp được ghi dưới dạng vốn chủ sở hữu. Các công cụ này phục vụ mục tiêu ngắn hạn để đạt được các chỉ tiêu, nhưng tạo ra cái giá phải trả trong dài hạn là suy yếu niềm tin của công chúng vào các số liệu thống kê chính thức.

Charles Goodhart – nhà kinh tế học người Anh – thường được nhớ đến nhất với câu nói “khi một thước đo trở thành mục tiêu thì thước đo đó không còn là một thước đo tốt nữa”. Ông đưa ra nhận định này trong bối cảnh diễn ra các cuộc tranh luận về chính sách tiền tệ vào những năm 1980 – khi các ngân hàng trung ương nhắm tới nguồn cung tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Vấn đề là: khi ngân hàng trung ương công bố mục tiêu, các thương gia tài chính mại đã thay đổi hành vi của họ, dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ dự kiến giữa bên cung tiền tệ, giá cả, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Quan điểm chính của ông là các chỉ số sẽ trở nên ít hữu ích hơn cho mục đích phân tích khi chúng được chuyển thành các mục tiêu chính sách.

Điều này không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ tất cả các quy tắc tài khóa. Các mục tiêu hay quy tắc tài khóa cung cấp “hàng rào bảo vệ” vững chắc cho các chính sách tài khóa và có thể giúp thực thi kỷ luật đối với quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các mục tiêu hoạt động tốt nhất khi chúng được kết hợp với các tổ chức tài khóa mạnh, bao gồm công tác phân tích và dự báo độc lập, khung ngân sách trung hạn, hoạt động phân tích nghiêm ngặt về đầu tư công và quan trọng nhất là phải có các tổ chức thống kê độc lập. Một ví dụ về một tổ chức tài chính mạnh là Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Vương quốc Anh – đây là một cơ quan chính phủ độc lập với đội ngũ nhân sự là các chuyên gia phi chính trị, có nhiệm vụ đánh giá chính sách thuế và chi tiêu của chính phủ căn cứ trên các mục tiêu mà Chính phủ đã đưa ra.

Các quốc gia khác đã đưa ra những đổi mới tương tự để đảm bảo tính độc lập và khách quan của các số liệu tài khoản quốc gia. Các cơ quan thống kê cũng đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách hiệu quả hơn để xây dựng, củng cố niềm tin của công chúng đối với các số liệu thống kê chính thức cũng như đảm bảo công khai, cập nhật các số liệu đó cho công chúng.

Những bài học kinh nghiệm này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho Tổng cục Thống kê trong việc hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin toàn diện, cập nhật và đáng tin cậy cho chính phủ và người dân về các xu hướng kinh tế và xã hội của Việt Nam – một quốc gia năng động và phát triển nhanh chóng từng ngày.

Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây