Ngày 25/11/2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung ‘Luật Nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam’, với 2 thay đổi quan trọng.
Thứ nhất, lần đầu tiên người nước ngoài đến Việt Nam có thể đổi hạng thị thực (visa status) và gia hạn thời gian ở Việt Nam mà không phải bay ra ngoài. Việc này được áp dụng cho 3 trường hợp – là (1) nhà đầu tư hoặc đại diện đầu tư; (2) công dân nước ngoài có quan hệ thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) với người Việt Nam; và (3) người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc.”
Thứ hai, mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài “vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định, khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12, dư luận phi chính thống đã đồng loạt nhận định rằng động thái trên là một nỗ lực “hồi sinh Dự luật Đặc khu Kinh tế”, sau khi Dự luật này bị hoãn vô thời hạn vì bị phản đối trong mùa hè năm 2018.
Để chứng minh nhận định này, Nguyễn Trang Nhung chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiến hành một loạt các hoạt động liên quan đến Dự luật Đặc khu Kinh tế sau khi Quốc hội hoãn luật. Chúng bao gồm Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” (tháng 11/2018); việc Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉnh lý Dự luật theo hướng xây dựng một luật chung, và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (tháng 04/2019); và việc Chính phủ thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn (ngày 20/11/2019).
Trên cơ sở đó, trong 2 tuần qua, giới chống đối đã tiếp tục tung tin đồn rằng Chính phủ Việt Nam đang dùng các khu kinh tế ven biển để “dâng nước cho Trung Quốc”. Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Chu viết rằng chỉ khách Trung Quốc mới đến Vân Đồn mà không đến lục địa Việt Nam, các quy định mới sẽ biến Vân Đồn và Phú Quốc “thành đặc khu cho người Trung Quốc”. Đỗ Ngà viết rằng các khu kinh tế ven biển sẽ trở thành cánh cổng đưa người Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Như đã đề cập, các tin đồn về chủ đề này còn được trộn lẫn với tin đồn về Sách trắng Quốc phòng 2019 và dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, không thể nói rằng các khu kinh tế ven biển sẽ trở thành cánh cổng đưa người Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Bởi những quy định mới ghi rõ: người nước ngoài chỉ được miễn thị thực tại các khu kinh tế ven biển “có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền”; và “không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Thứ hai, chính sách ở các khu kinh tế ven biển được áp dụng với người nước ngoài thuộc mọi quốc tịch. Nếu giới dân chửi và lưu vong sợ các khu kinh tế ven biển bị biến thành “đặc khu của người Trung Quốc”, việc đơn giản nhất mà họ có thể làm là về đầu tư, hoặc góp sức đưa các nhà đầu tư phương Tây đến các khu kinh tế ven biển.
Thứ ba, trong trường hợp giới dân chửi muốn phê phán Dự luật Đặc khu Kinh tế, họ cần dùng các lập luận có tính khoa học, thay vì dựa vào tâm lý thù ghét người Trung Quốc.
Nguồn: Loa phường