Tại lễ công bố biểu tượng kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ chiều 18.12, sự kiện mở màn cho các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trong năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng gửi thông điệp chúc mừng.
Theo ông Pompeo, năm 2020 đánh dấu một phần tư thế kỷ kể từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. “Đó là một bước tiến mang tính lịch sử, bước đi trước hết đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với di sản đen tối của chiến tranh giữa hai nước. Cũng như nhiều người dân hai bên, tôi vẫn nhớ đã trải qua thời kỳ xung đột đó khi còn là một cậu bé”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong video được công bố tại buổi lễ.
Nhắc lại từng bước cải thiện quan hệ, bắt đầu bằng khắc phục hậu quả của chiến tranh vào những năm 1980, khi hai nước làm việc cùng nhau để hồi hương hài cốt của quân nhân Mỹ tại Việt Nam, rồi chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ông Pompeo cho rằng, hai nước “đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai”.
Là một phần trong nỗ lực này, Mỹ tự hào đã và đang đóng góp cho sự phục hồi kinh tế phi thường của Việt Nam. Trong 2 thập kỷ qua, thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000%. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, giúp hàng triệu người thoát nghèo. Đầu những năm 1990, khoảng 60% người Việt Nam vẫn sống trong đói nghèo. Ngày nay, con số này chưa đến 10%.
Các công ty Mỹ đang tích cực hỗ trợ bằng cách đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam, ông Pompeo nói và minh họa bằng việc ông đã chứng kiến tận mắt điều này khi đến thăm Việt Nam và nghe các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam chia sẻ về các dự án hợp tác.
Mỹ và Việt Nam cũng đã mở rộng giao lưu nhân dân, bao gồm lĩnh vực giáo dục. Gần 30.000 công dân trẻ Việt Nam đang học tại các trường đại học ở Mỹ, “đóng góp cho chất lượng học thuật xuất sắc của các trường đại học của chúng tôi, và sẽ trở về Việt Nam với nền tảng giáo dục mang đẳng cấp thế giới”, theo ông Pompeo.
“Các bạn biết đấy, trong quá khứ, chúng ta từng là đối thủ trên chiến trường. Nhưng ngày nay, hợp tác là nền tảng trong mối quan hệ an ninh giữa hai nước”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thêm.
Dưới thời Tổng thống Trump, tàu USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng, trở thành tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Theo sau việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ cách đây 3 năm, quân đội hai nước đang cân nhắc việc tăng cường hợp tác an ninh hơn nữa. Ông Pompeo cũng cho rằng, mặc dù vẫn còn tồn tại, thách thức, song việc hai nước có thể thảo luận một cách trung thực khi xảy ra bất đồng chính là sự xác nhận về tiềm năng hợp tác của hai nước.
“Trong những năm tới, Mỹ và Việt Nam phải tập trung vào tương lai và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh mạng đến giáo dục, năng lượng và quốc phòng. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác của chúng ta vào năm 2020, chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 – 21.11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper cũng đã nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.
Trao đổi với nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, ông Esper đều khẳng định Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đóng góp cho an ninh quốc tế và việc thượng tôn pháp luật trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Bộ trưởng Esper nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược này bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ. Điều này bao gồm việc trang bị cho Việt Nam năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục lớn mạnh”.
“Mỹ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định”, ông Esper nói trong chuyến thăm, đồng thời nhấn mạnh: “Các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột”.
Vũ Hân/TTO
Nguồn: Cánh cò