Trong những ngày cuối năm này, có lẽ người dân cả nước vô cùng bất ngờ khi biết tin “Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTW) kết luận ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO 2. Vi phạm của ông Hoàng Trung Hải đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật”.
Còn nhớ tiêu cực trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khiến xã hội nhức nhối một năm qua thì cuối cùng đã có người phải chịu trách nhiệm cao nhất. “UNKTTW đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ”.
Chưa kể thời gian gần đây, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh và Phó chủ tịch tỉnh Đào Công Thiên; Thủ tướng cũng ký quyết định cách chức về mặt chính quyền đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh này do vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì công cuộc chống tham nhũng đã làm được. Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến này, đã có hơn 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương khóa 12, 14 nguyên Ủy viên Trung ương, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh. Nhìn qua con số cũng như chức vụ của các cán bộ, lãnh đạo bị xử lý kỷ luật cũng đủ thấy công cuộc chống tham nhũng đã thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ đúng như khẩu hiệu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” chứ không chỉ là những lời nói sáo rỗng trên báo đài.
Một số kẻ cơ hội chính trị vốn sẵn não trạng đen tối đặt điều công cuộc chống tham nhũng là “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực” nhưng chẳng hề có phe phái nào đây cả. Nếu có “thanh trừng” thì việc”thanh trừng” những con sâu, con mọt đang đục khoét ngân sách quốc gia, bào mòn túi tiền được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân thì có gì sai? Tin rằng gần 100 triệu dân trên cả nước đều ủng hộ việc họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân, phải trả giá cho hành động của mình và Nhà nước thu lại được tài sản quốc gia.
Trên hết, điều nhân dân mong muốn nhất vẫn là Việt Nam làm sao có nhiều lãnh đạo, cán bộ mẫu mực, liêm khiết, hết lòng vì dân vì nước chứ không phải “dính chàm” rồi bị xử lý, kỷ luật nhiều như trên. Bởi các lãnh đạo, cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Dây chuyền không tốt thì làm sao các thiết bị khác vận hành trơn tru? Cũng như việc lãnh đạo, cán bộ không tốt thì làm sao đưa đất nước phát triển, làm sao áp dụng chính sách hiệu quả với đời sống người dân được?
Tham ô, tham nhũng, tiêu cực cứ như “giặc nội xâm” bào mòn dần đi nguồn lực và sức mạnh của dân tộc từ bên trong vậy. Thậm chí đôi khi nó còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Với giặc ngoài, ta còn biết địch biết mình, thẳng tay chống trả, tiêu diệt nhưng với những người là đồng chí, đồng đội, đồng bào mình thì phải làm sao đây? Bởi vậy, cuộc chống tham nhũng còn gian khổ, phức tạp gấp trăm ngàn lần vì không phải đấu tranh với người khác, với bên ngoài mà với chính chúng ta, với từng con người. Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11 vào chiều 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại con số cán bộ, lãnh đạo, tổ chức đảng bị kỷ luật và nhấn mạnh: “Thật đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá cho tất cả chúng ta”.
Những gì mà công cuộc chống tham nhũng đã và đang thực hiện gần như là điều bắt buộc, là tất yếu phải làm để Việt Nam thực sự lớn mạnh. Chắc chắn nó sẽ không dừng lại, một ngày còn “củi” thì “lò” bắt buộc vẫn phải cháy. Dù không mong muốn nhưng nếu có thêm “những người chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút” thì chỉ đạo “tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vẫn sẽ được triển khai đến tận các địa phương để đảm bảo chắc chắn một điều “Đại hội 13 kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất”. Đó không chỉ là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước mà còn là ý chí, tâm niệm hành động của cả Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, những người cộng sự và của toàn dân.
Bóng đá Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên cả đội tuyển nam và nữ giành HCV SEA Games 30, những con người ấy đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng tự hào và cảm hứng cống hiến hết mình vì đất nước. Vậy thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng nếu như các lãnh đạo, cán bộ từ Trung ương đến địa phương, trên dưới đồng lòng cùng nhân dân thì có thể quét sạch “giặc nội xâm” và làm được nhiều điều tuyệt vời hơn thế nữa.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò