Trang chủ Luận bàn - Phản biện Hà Nội đang thờ ơ trước ô nhiễm không khí tại Thủ...

Hà Nội đang thờ ơ trước ô nhiễm không khí tại Thủ đô?

184
0

Sau nhiều ngày chất lượng không khí được cải thiện nhưng do ảnh hưởng bởi không khí lạnh trong các ngày 12-15/12, thành phố lại bị bủa vây trong bầu không khí đặc quánh và mịt mù, không thể phân biệt được lớp màng đó là sương hay bụi. Chỉ số tại các trạm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt chuyển đỏ, cảnh báo chất lượng không khí ở ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hà Nội đang thờ ơ trước ô nhiễm không khí tại Thủ đô?

Liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô, tại buổi họp Chính phủ Thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí. Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức họp báo và có nhiều thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Tuy nhiên, có một số thông tin, ý kiến cá nhân cho rằng Hà Nội đang bước vào đợt ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nhưng không có một đơn vị nào của thành phố đứng ra cảnh báo, nhìn thẳng vào thực trạng này. Trong đó, có ý kiến của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường: “Các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đều làm rất tốt vai trò nhận định về tình trạng này nhưng chưa một đơn vị nào lên tiếng về nguyên nhân và tiến hành các biện pháp để giảm thiểu nó. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”.

Như quý độc giả biết, ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm không khí tại Thủ đô không phải vấn đề mới nhưng để giải quyết được, cần có sự quyết tâm đầu tư cả về công sức, trí tuệ và thời gian vì có thể kéo dài nhiều năm.

Về đánh giá ô nhiễm môi trường, có thể thấy đây là thời điểm đang có biến đổi khí hậu, nhiều năm nay vào thời điểm giao mùa đều có những hiện tượng này. Mấy ngày vừa qua thời tiết không gió, không mưa, tạo lớp sương mù nên việc khuếch tán bụi mịn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng không khí.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp Chính phủ Thường kỳ thì hiện nay, Thành phố có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí. Việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên, hằng ngày, cứ 5 phút/lần các trạm đo sẽ chuyển thông số về để tổng hợp, kết quả, các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng.

Ông Hùng cũng cho biết, bên cạnh việc đo chất lượng không khí TP Hà Nội xác định các nguyên nhân làm ô nhiễm gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: Việc đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

TP Hà Nội đã tiến hành lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí, phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp xong 25 trạm; thành phố sẽ phát động chương trình Cánh đồng không đốt rơm rạ để giảm việc đốt rơm rạ của các địa bàn lân cận làm ô nhiễm không khí. Đồng thời, sẽ tập trung tuyên truyền, cảnh báo người dân khi không khí ô nhiễm ở ngưỡng gây hại cho sức khỏe người dân, hướng dẫn các phương pháp phòng tránh, bảo vệ sức khoẻ khi không khí bị ô nhiễm, đặc biệt với người già và trẻ em.

Bên cạnh đó, ông Tạ Ngọc Sơn – Phó trưởng phòng tổng hợp, Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết thành phố đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí, như: đề án về chống bụi; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm; thu gom, xử lý chất thải nguy hại, bao gồm chất thải y tế; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Mỗi đề án đều có các giải pháp cụ thể. Đơn cử trước mắt, chúng tôi vận động người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến trong năm 2020, cấm xe máy trong năm 2030. Các đoàn kiểm tra cũng về từng huyện ngoại thành để kêu gọi người dân hạn chế đốt rơm rạ”, ông Sơn nói.

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin thêm, chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh của thành phố đã hoàn thành, cơ quan chức năng đang lên kế hoạch trồng thêm 600.000 cây giai đoạn 2019-2020. Tăng cường xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước tại hồ nước, cải tạo nước hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây, làm sạch sông Tô Lịch. Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại hạn chế ô nhiễm bụi. Đẩy mạnh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp.

Hà Nội cũng nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Ngành giao thông thủ đô cũng tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc (đến nay đã xây dựng 12 cầu vượt trị giá hơn 3.000 tỷ đồng); tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ…

Về hoạt động xây dựng, các công trình được bắt buộc che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường…

Về dài hạn, Thành phố tiếp tục thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo trung tâm khí tượng thủy văn thành phố ngày 18/12, Hà Nội có thể có mưa, do đó, trong vài ngày tới, chất lượng không khí có thể được cải thiện.

Những động thái tích cực của Hà Nội trên chả nhẽ vẫn bị coi là đang thờ ơ? Đang im lặng trước sự ô nhiễm không khí ở Thủ đô? Có chăng các ý kiến, các thông tin cần đính chính lại.

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam nói riêng và ở các quốc gia trên thế giới nói chung tác động, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, chúng ta nên phải nhìn vào thực tế để tìm giải pháp khắc phục, giảm thiểu và xây dựng môi trường ngày càng tốt hơn. Điều quan trọng là để những giải pháp nói trên thực sự đem lại hiệu quả thì các nhà quản lý và chính người dân cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và quyết liệt vào cuộc. Nếu không, vấn đề này sẽ còn tiếp diễn từ năm này sang năm khác, ngày một nghiêm trọng và kéo theo những hệ lụy khôn lường đến cuộc sống của chính chúng ta.

Thêm thông tin, đó là vấn đề ô nhiễm không khí, người dân có thể tham khảo các thông số chính thức về chất lượng không khí trên trang www.moitruongthudo.vn hoặc của trang thông tin chính thức của Bộ TN&MT.

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây