Lời dẫn- Sau khi thấy không còn né tránh được việc de Rhodes tuyên truyền đả phá tam giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong Phép Giảng…, có người đã xem việc này cũng không mấy khác với việc cụ Nguyễn Đình Chiểu bài xích Phật giáo. Đó là bài “Nhắc lại chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu bài xích Phật Giáo” của tác giả Nguyễn Văn Nghệ đăng trên trang có cái tên mỹ miều “Nghiên cứu Lịch sử” tại link
https://nghiencuulichsu.com/2019/12/02/nhac-lai-chuyen-cu-nguyen-dinh-chieu-bai-xich-phat-giao/. Trong bài, tác giả đã dùng những từ ngữ chua cay, xếch mé để tấn công nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Đó là “Không biết “Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa” Nguyễn Đắc Xuân và những người “cùng hội, cùng thuyền” với ông có khi nào đọc qua tác phẩm này chưa?”. Thưa ông Nguyễn Văn Nghệ, vậy Google.tienlang chúng tôi cũng xin hỏi lại ông, ông đã biết hết hàng chục, hàng trăm những người “cùng hội cùng thuyền” với bác Nguyễn Đắc Xuân là những học giả nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, kể cả những học giả phía Nam từ trước năm 1975, kể cả những học giả đang sống ở nước ngoài?
Đọc bài trên của trang Nghiên cứu Lịch sử, một bạn đọc nghiêm túc là bác Dương Hội Mỹ đã có ý kiến phản biện như dưới đây gửi đến Google.tienlang. Xin cảm ơn bác Dương Hội Mỹ và xin trân trong giới thiệu.
Lê Hương Lan
*****
Bài xích của cụ Nguyễn Đình Chiểu, như được tác giả bài viết trích dẫn ở trên, cho thấy là cụ không biết rằng đạo Phật chẳng những “ưa luân thường” mà thật ra còn có, giữa những điều khác, giáo lí ”Tứ Ân”, theo đó sự báo đền Ơn Đất nước là bổn phận hàng đầu của người phật tử.
[Nói ”cụ NĐC không biết” thật ra chỉ dựa trên _giả định hiểu biết của cụ thể hiện qua lời nhân vật trong ”Dương Từ Hà Mậu”_ vốn được viết ra để cho người bình dân ít học thấy/nhớ lại cái hay đẹp của các ý niệm truyền thống như Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa vv., để họ thấy tôn giáo ngoại nhập mà người Pháp, nói chung là người ngoài, đưa đến không có gì hay để dân ta phải chạy theo học hỏi. (Tác phẩm này công kích Kitô rất dữ nhưng người đưa nó lên mạng đã cắt bỏ mất những công kích đó!)
Giáo lí Tứ Ân là một phần của giáo lí dành cho người tại gia, nhập thế, rất gần gũi với các ý niệm Nho giáo kể trên, nhưng cũng có vài khác biệt, chẳng hạn Trung không phải là trung thành, vâng phục với vua chúa, mà với Đất nước. Phải thừa nhận, trong thời đạo Phật suy trầm (như thời Pháp đô hộ) thì các ý niệm nhập thế của Phật giáo có vẻ như bị quên lãng. Nhưng với người thông hiểu chữ Nho và có lúc tá túc trong chùa, thì cụ NĐC có thể thừa biết là đạo Phật không yếm thế, tiêu cực, nhưng cụ cứ vờ như không biết, chỉ nhìn hiện trạng mà nói để đề cao các ý niệm Nho giáo, vốn quen thuộc hơn đối với người dân. Tuy nhiên, để nói là cụ ”vờ như không biết” thì ta cần tìm hiểu nhiều hơn. Tạm thời cứ cho là cụ không biết, như hai nhân vật trong tác phẩm trên của cụ.]
Do yêu nước nồng nàn mà không hiểu là đạo phật cũng đòi hỏi phải báo đáp ơn đất nước, cụ không có sự phân biệt giữa đạo phật và sự mê tín vv. có trong đạo này [cũng như bên ngoài đạo này nhưng đã bám vào nó mà sống, giống như hiện nay có các thầy cúng, nhà ngoại cảm, sư giả vv. và vv.]. Thiếu sự phân biệt đó, dễ hiểu là có ý tưởng, ví dụ, rằng người đi chùa ai cũng như ai, chỉ toàn một đám đi “hối lộ thần thánh”, cầu cúng lễ lạy để được buôn may bán đắt vv. và vv.
Tác giả bài viết không thấy như vậy nên cũng không hiểu được cái khác biệt giữa hai bên. Cụ NĐC phê phán trong mục đích bảo vệ, xiển dương đạo lí của dân tộc, [để kêu gọi cứu nước], trong khi những lời dạy của de Rhodes trong Phép Giảng Tám Ngày là sự tuyên chiến với chính đạo lí đó (không trung quân ái quốc mà chỉ vâng phục [Chúa trời], giáo hội, giáo sĩ TCG, dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên, tượng Phật để thờ Chúa, vv. và vv.)
Phải thấy thì mới hiểu, người phật giáo chỉ mỉm cười trước bài xích của cụ NĐC, trong khi họ tuyệt đối không thể cảm thông des Rhodes. [Kết luận là: Tác giả bài viết muốn đưa việc cụ NĐC bài xích đạo Phật ra để nói, không thể dùng não trạng thế kỉ 21 để kết án người xưa. Nhưng để thuyết phục được người đọc, rõ ràng ông phải tìm kiếm một trường hợp thích đáng hơn là trường hợp cụ NĐC.]
Dương Hội Mỹ
=====
Dưới đây, Google.tienlang cũng xin chép toàn bộ bài “Nhắc lại chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu bài xích Phật Giáo” của tác giả Nguyễn Văn Nghệ từ trang Nghiên cứu Lịch sử để bạn đọc tiện theo dõi.
*****
Nhắc lại chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu bài xích Phật Giáo
Nguyễn Văn Nghệ
Trong nhóm 12 người có tên trong bản kiến nghị (sau đó có PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lên tiếng là bị PGS-TS Lê Cung “lập khống” danh sách) gởi lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường cho 2 giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes. Trong bản kiến nghị có nêu lý do chống đối: “Rhodes viết cuốn Phép giảng tám ngày bằng tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo). Nhưng bên cạnh đó, ông đã sử dụng nhiều câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam ( Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo)”
Trong lịch sử nước ta từ thời nhà Trần trở về sau có nhiều nhà Nho “cự Thích” (bài xích Phật giáo).
Vào thế kỷ 19 cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã viết tác phẩm “Dương Từ- Hà Mậu” với 3460 câu thơ, qua đó bài xích kịch liệt đạo Da tô (Công giáo) và đạo Phật. Tác phẩm này ít người biết đến bởi nó đụng chạm đến vấn đề tôn giáo.
Không biết “Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa” Nguyễn Đắc Xuân và những người “cùng hội, cùng thuyền” với ông có khi nào đọc qua tác phẩm này chưa?
Bản thân tôi không thích chuyện bài xích tôn giáo, nhưng tôi xin dẫn chứng những câu thơ mà cụ Nguyễn Đình Chiểu bài xích Phật giáo để “Nhà nghiên cứu lịch sử -văn hóa Nguyễn Đắc Xuân và những người “cùng hội, cùng thuyền” với ông, nếu chưa bao giờ đọc tới, thì nay có dịp đọc để có cái nhìn bao dung hơn với giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Phần thứ 11 trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu cụ Nguyễn Đình Chiểu viết: “Ta nghe Phật ở Tây phương/ Vốn người mọi rợ luân thường chẳng ưa” và “ Trên vua dưới đến dân thôn/ Đua nhau kỉnh trọng một môn phù đồ/ Quỳ hương chẩn tế nam mô/ Tới lui tăng đạo ra vô Phật đường/ Bao nhiêu theo đạo Tây phương/ Phước lành chưa thấy tai ương tới mình/ Trên thời nghiêng nước nghiêng thành/ Dưới thời nhà cửa tan tành xiết bao/Phật linh mấy cứu ai nào/ Người nay sao hãy lòn vào Thích gia?”(1).
Phần thứ 17 trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu đã phê phán các nhà sư: “ Kể từ sống ở dương gian/ Sợ xâu trốn thuế tìm đàng đi tu/ Vô chùa làm chước cạo đầu/ Trốn vua theo Phật trông cầu rảnh tay” và “ Miệng thời niệm chữ nam mô/ Mắt xem gắm ghé mấy cô đi chùa/ Áo cơm khỏi tốn tiền mua/ No lòng ấm cật lại đua thói xằng/ Tham câu sắc dục ai bằng/ Lòng lang dạ cáo lăng nhăng trọn đời/ Khi buồn cô vãi đỡ chơi/ Khi vui vợ khách cũng nơi thanh lầu/ Chẳng trừ thịt chó, thịt trâu/ Trối thây giới cấm mặc dầu no say/ Ngoài am giả chước ăn chay/ Trong liêu rượu thịt ngày ngày liền xơi”(2)
Nếu “nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa” Nguyễn Đắc Xuân và những người “cùng hội cùng thuyền” với ông mà chưa đọc những câu thơ này thì thật là những nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa “phiến diện”, còn nếu đọc rồi mà lơ đi thì là những nhà nghiên cứu – văn hóa “thiên vị”
Thật là không công bằng khi “Nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa Nguyễn Đắc Xuân và những người “cùng hội, cùng thuyền” với ông đã công kích giáo sĩ Alexandre là bài xích Phật giáo. Các vua quan Việt Nam đã xem giáo sĩ Alexandre de Rhodes và những người Tây dương là “ở ngoài vòng giáo hóa” kia mà!
Chú thích:
1- namkyluctinh.info/nguyen-dinh-chieu-duong-tu-ha-mau-phan-11/
Câu thơ: “ Ta nghe Phật ở Tây phương/ Vốn người mọi rợ luân thường chẳng ưa” có vài dị bản: “ Ta nghe Phật ở Tây phương/ Vốn người kẻ chợ, luân thường chẳng ưa” hoặc “ Vả xưa Phật ở Tây phương/ Sống không biết lẽ cang thường là chi”
2- namkyluctinh.info/nguyen-dinh-chieu-duong-tu-ha-mau-phan-17/
Nguồn: Google.Tiên lãng