Lợi dụng quyền tự do dân chủ cũng như việc Nhà nước ta tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội theo phương châm “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, những kẻ chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị đã “núp bóng” dưới mác “đại diện nhân dân” để tiến hành các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật.
Trong buổi công bố Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây, người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội phát biểu mong muốn ổn định và phát triển
Tôn trọng trên thực tế các quyền công dân
Những quyền tự do dân chủ của người dân đã được cụ thể và thể chế hóa bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật, nghị định, như: Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… Những quy định pháp luật này đều đã đi vào cuộc sống, được thực thi nghiêm túc, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, tạo không khí dân chủ trong xã hội. Điều đó khẳng định và thể chế hóa quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí…
Nguyên lý xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc XII xác định: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”. Thể chế hóa đường lối của Đảng, trong mọi chính sách phát triển, Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Về mặt pháp lý, Hiến pháp 2013 ghi nhận công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý.
Công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của mình một cách trực tiếp bằng cách tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp. Khi trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có thể trực tiếp tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội thông qua việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, công dân thực hiện quyền tham gia quản lý xã hội một cách gián tiếp bằng việc thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Công dân tham gia cũng có thể tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thông qua các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp. Khi công dân có yêu cầu và ý kiến, các tổ chức sẽ tập hợp lại để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Lợi dụng quyền tự do dân chủ để cố tình vi phạm pháp luật
Có thể thấy, quyền tự do dân chủ của người dân được đảm bảo và tôn trọng trên thực tế. Tuy nhiên, các phần tử chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị trong nước với sự kích động, hậu thuẫn của các thế lực phản động, thù địch bên ngoài đã lợi dụng việc Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội để ra sức chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, những đối tượng này thường xuyên sử dụng cái gọi là “đại diện nhân dân”, trong khi thực tế họ không có quyền đó, để xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, thúc đẩy tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đáng chú ý là những đối tượng cầm đầu các nhóm, tổ chức trái phép như: “Hội Anh em dân chủ”, “Green Trees”… gần đây luôn tự nhân danh quyền đại diện cho nhân dân để vi phạm pháp luật có tính hệ thống.
Mới đây, một điển hình cho việc lợi dụng cái gọi là “quyền đại diện cho nhân dân” để có hành vi phạm pháp phải kể đến nhóm tự xưng là “Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cầm đầu. Ai cũng thấy rất rõ là những vấn đề liên quan đến công tác sử dụng đất tại xã Đồng Tâm cơ bản đã được chính quyền giải quyết. 14 cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình công tác đã bị xử lý hình sự. Ngoài ra, Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội “Thông báo kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức” đã khẳng định không có cái gọi là “59 ha đất đồng Sênh” như nhóm “Đồng thuận” rêu rao, mà khu vực này hoàn toàn nằm trong phạm vi sân bay Miếu Môn từ hàng chục năm nay. Ngày 25-4-2019, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP về “Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội” xác nhận kết quả Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố là chính xác và đúng thẩm quyền, và Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 tổ chức ngày 27-8-2019 của Thanh tra Chính phủ.
Thế nhưng, nhóm “Đồng thuận” vẫn cố núp dưới cái gọi là “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi” để cố tình có các hành vi chống đối, gây bất bình trong dư luận. Qua mạng xã hội, những thông tin sai trái, thất thiệt từ nhóm này đã bị các thế lực xấu triệt để lợi dụng, kích động để biến Đồng Tâm trở thành “điểm nóng”, gây ra những hệ lụy xấu, trước hết là vụ việc mất an ninh trật tự ở đây đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội, tác động tới đời sống người dân địa phương.
Tỉnh táo để tránh bị lợi dụng, kích động
Những vụ việc lợi dụng quyền tự do dân chủ cũng như việc được Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước để có các hành vi vi phạm pháp luật kiểu như nhóm “Đồng thuận” ở Đồng Tâm còn có thể thấy ở những địa phương khác. Cũng tương tự như ở Đồng Tâm, ban đầu hoạt động mang tính tự phát của một nhóm người có quyền và lợi mà theo họ bị xâm phạm, cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết dứt điểm để bị lợi dụng, kích động có những hành vi chống phá, vi phạm pháp luật.
Tại Bình Thuận, sau khi có sự phản đối của người dân về sự ô nhiễm của Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, chính quyền địa phương đã có một số phương án giải quyết. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách lợi dụng, hướng lái trở thành các cuộc biểu tình, tập trung đông người mang màu sắc chính trị, với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp… Hậu quả của vụ việc này, ngoài việc gây ra tình hình bất ổn định, là sự trả giá của chính những người bị kích động, lôi kéo về những hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Mọi công dân đều có các quyền tự do dân chủ cũng như được tạo điều kiện để tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Song quyền luôn đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Hệ thống pháp luật hiện hành bảo đảm cho công dân được thực hiện các quyền của mình trong phạm vi pháp luật cho phép. Như sự khẳng định của Điều 15, Hiến pháp năm 2013: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Vì thế, mọi công dân cần nhận thức rõ rằng các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Hãy tỉnh táo trước mọi sự lừa gạt, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị để nhận thức rõ đâu là quyền tự do dân chủ, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của công dân, đâu là hành vi vi phạm pháp luật.
Hoàng Hà
Nguồn: Tre làng