Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đôi điều suy ngẫm về báo chí

Đôi điều suy ngẫm về báo chí

212
0

Sau hơn 30 năm đổi mới, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên và cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí ngày càng phát triển cả về chất lượng, trình độ, cũng như số lượng; phản ánh những vấn đề nóng bỏng trên các lĩnh vực của đất nước.

Đôi điều suy ngẫm về báo chí

Cả nước hiện có 868 cơ quan báo chí in, 66 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia; hơn 20 nghìn nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo. Báo chí khẳng định vai trò là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng, là phương tiện quan trọng tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời là diễn đàn của nhân dân đóng góp ý kiến, là kênh thông tin để Đảng, Nhà nước nắm rõ hơn đời sống của nhân dân và việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, từ đó hoàn thiện chủ trương, chính sách, sát với yêu cầu của thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”.

Thực hiện chức năng giám sát và phản biện, báo chí đã kịp thời phê phán thiếu sót, khuyết điểm, đặc biệt là các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ “đại án” về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh, có khởi đầu từ những phản ánh của các cơ quan báo chí.

Báo chí phản ánh, tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Báo chí cũng là lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, ngăn chặn các thông tin xấu độc hại, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp đổi mới. Báo chí còn góp phần trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến gần với bạn bè thế giới, cũng như góp phần quan trọng trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

Bên cạnh những thành tựu, đóng góp quan trọng của báo chí, thời gian qua, đã và đang xuất hiện một bộ phận người làm báo và một số cơ quan báo chí có những dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc, nhiều nhà báo bị thu thẻ, xử lý hình sự (các phóng viên báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ trong vụ PMU18, phóng viên báo Thương hiệu và Công luận…). Không ít tờ báo đưa tin một cách hời hợt, chạy đua đưa tin, rút tít giật gân, câu khách, chạy theo các vấn đề tiêu cực, những vấn đề giải trí rẻ tiền để thu hút độc giả và dư luận.

Đôi điều suy ngẫm về báo chí

Việc chỉ thiên về vấn đề đưa tin tiêu cực, khoét sâu cái xấu tạo ra cho công chúng, độc giả một cái nhìn thiên lệch về sự phát triển của đất nước và gây tâm lý hoang mang, tiêu cực, thậm chí là bất mãn trong một bộ phận độc giả. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng một số nhà báo có xu hướng phát ngôn trên mạng xã hội (Trương Châu Hữu Danh), vi phạm quy định đạo đức nghề, trái với quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước… Có một số nhà báo câu kết với nhau để phục vụ lợi ích nhóm như “đánh đấm”, dọa dẫm doanh nghiệp.

Một số cơ quan báo chí đưa thông tin theo lối “giật gân, câu khách”, phiến diện, thiếu chân thực, khách quan, làm dư luận hiểu chưa đúng, thậm chí có cái nhìn phiến diện, sai lệch vấn đề. Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước. Có cơ quan báo chí chỉ quan tâm khai thác các vụ việc tiêu cực, chưa quan tâm đến tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”.

Cá biệt còn có cơ quan báo chí, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, chỉ coi trọng chức năng giải trí, thị hiếu tầm thường mà xem nhẹ chức năng chính trị – tư tưởng, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân.

Việc tu dưỡng, rèn luyện cả về đạo đức nghề nghiệp cũng như năng lực chuyên môn không được chú trọng. Bên cạnh đó, việc giáo dục chính trị, đạo đức cũng như quản lý đội ngũ làm nghề và hoạt động của các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức.

Thiết nghĩ, cần có biện pháp xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đối với những sai phạm của các phóng viên, những biểu hiện tiêu cực. Cố gắng làm sao gắn trách nhiệm sai phạm đó với cơ quan chủ quản và với người đứng đầu của cơ quan báo chí, tránh trường hợp xử bao nhiêu phóng viên hết chuyện này đến chuyện khác nhưng lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản vẫn “bình chân như vại”, coi chuyện đó là chuyện của người khác chứ không phải là chuyện của mình./.

Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây