Trong những ngày tháng 12 này, Phạm Đoan Trang và Nhà Xuất Bản Tự Do ráo riết truyền thông cho cuốn hồi ký có tên “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên. Thậm chí, trùm phản động Phạm Đoan Trang còn không tiếc lời PR cho cuốn sách trên trang facebook cá nhân của mình, rằng:
“Nếu ai đó hỏi tôi cuốn sách nào có ảnh hưởng đến tôi nhất, tôi sẽ trả lời: “Không nhiều, nhưng chắc chắn một trong số đó, và là cuốn sách đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến mức thay đổi hoàn toàn tư duy, hiểu biết của tôi về chính trị, là ‘Đêm giữa ban ngày’”.”
Đoan Trang cũng là người viết phần giới thiệu cho trang bìa sau của cuốn “Đêm giữa ban ngày” sắp được xuất bản lậu.
Vậy, cuốn sách “Đêm giữa ban ngày” có gì mà đặc biệt thế?
Theo quảng cáo của Đoan Trang, đây là cuốn hồi ký “bóc trần một sự thật đen tối, bẩn thỉu về nhà nước cộng sản: Thực chất thì nhà nước ấy chưa bao giờ, chưa một ngày nào “dân chủ, văn minh”. Ngay từ đầu, nó đã chỉ là một bộ máy để hợp thức hóa, thể chế hóa đặc quyền đặc lợi của những kẻ cai trị ít học, thấp kém cả về tâm đức lẫn tài trí, nhưng thừa tham vọng quyền bính”. Nhận định này, trên thực tế, đầy mùi thiên kiến cá nhân của trùm phản động Đoan Trang. Trong mắt Đoan Trang, những con người có công với việc xây dựng và bảo vệ dân tộc Việt Nam đều là những người “lưu manh, thất học, bạc bẽo”… Đoan Trang chỉ viết cho sướng bàn phím và dùng những câu từ thậm tệ này để lòe bịp người đọc. Nhưng ai có mắt thấy, tai nghe, óc nghĩ thì đều biết rằng, ngay từ đầu, Đảng là do dân lập nên, với mục đích vì dân. Vậy chẳng nhẽ, chính người dân Việt Nam lại đồng ý cho những kẻ “lưu manh, thất học, bạc bẽo” dẫn đường?
Cũng trong bài quảng cáo sách, Đoan Trang giới thiệu Vũ Thư Hiên là nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, dịch giả Vũ Thư Hiên, năm nay 88 tuổi và đang sống ở Pháp, và là người “đấu tranh bằng ngòi bút chống độc tài cộng sản.”. Hàng loạt mỹ danh được gán lên tên tuổi Vũ Thư Hiên, và với sứ mệnh “đấu tranh bằng ngòi bút chống độc tài cộng sản”, Vũ Thư Hiên được dựng lên như một người anh hùng.
Tuy nhiên, cuốn “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên nên được xem là tiểu thuyết chứ không phải hồi ký. Đặc điểm của thể loại hồi ký là kể lại những sự kiện có thật trong cuộc đời của một con người, mà con người ấy chính là người viết sách. Yêu cầu duy nhất của hồi ký là phải chính xác. Thế nhưng, chỉ cần làm một thao tác đơn giản là lên Google tìm thông tin về cuốn “Đêm giữa ban ngày”, bạn đọc sẽ thấy ngay ở link đầu tiên “bóc phốt” Vũ Thư Hiên bịa đặt, hư cấu quá đà trong “Đêm giữa ban ngày”, nhằm đánh bóng tên tuổi cho bạn bè mình hoặc vu oan giá họa, bôi xấu cho một số cá nhân khác mâu thuẫn với gia đình ông.
Ví dụ, Lê Liêm, Bùi công Trừng v.v… chỉ là dự khuyết trung ương thì Vũ Thư Hiên lại viết trong “Đêm giữa ban ngày” họ là ủy viên trung ương chính thức. Nguyễn Minh Cần chỉ là thường vụ thành ủy phụ trách trưởng ban tuyên huấn của thành ủy Hà nội, giữ chức Chủ nhiệm báo Hà Nội Mới và giữ chức phó chủ tịch của Hà Nội; nhưng Vũ Thư Hiên lại viết Nguyễn Minh Cần là phó bí thư thành ủy Hà Nội.
Cũng trong “Đêm giữa ban ngày”, Vũ Thư Hiên viết: “Vào những năm này, những cựu tù nhân Sơn La kể lại, Lê Đức Thọ một hồi được Cousso lấy ra làm tạp dịch tại nhà y… Nhưng cả hai (Vũ Đình Huỳnh và Tướng Ðặng Kim Giang) im lặng. Với một Lê Đức Thọ quyền sinh sát như thế, giữ im lặng là phải.” Thế nhưng, ở thời điểm năm 1960 (thời điểm mà Vũ Thư Hiên nói rằng câu chuyện này diễn ra), thì Lê Đức Thọ mới chỉ là ủy viên trung ương, là phó của Lê Văn Lương (ủy viên dự khuyết bộ chính trị) về công tác tổ chức. Với chức vụ đó thì không thể có chuyện Lê Đức Thọ có “quyền sinh sát” như Vũ Thư Hiên viết được.
Như vậy, thực tế là cuốn “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên không đủ tư cách để trở thành một cuốn hồi ký. Nếu cần xếp loại, thì có thể tạm thời, châm chước coi đó là hư cấu lịch sử. Điều đáng ngờ là trùm phản động Phạm Đoan Trang lại khăng khăng khẳng định về tính chính xác của cuốn sách này, trong khi những bằng chứng về việc Vũ Thư Hiên bịa đặt có đầy rẫy trên mạng. Thực tế thì, Đoan Trang và NXB Tự Do ủng hộ cho “Đêm giữa ban ngày” đơn giản là vì trong cuốn sách, Vũ Thư Hiên đã nói xấu những cá nhân, tổ chức mà chính bè lũ Đoan Trang và NXB Tự Do cũng đang muốn bôi xấu. Nói cách khác, việc xuất bản chui cuốn “Đêm giữa ban ngày” chẳng qua chỉ là biểu hiện “đồng thanh tương ứng” của những kẻ chuyên ăn gian nói dối, bịa chữ ăn tiền như NXB Tự Do, Đoan Trang, Vũ Thư Hiên,…
Điều nguy hiểm nhất là Đoan Trang lại muốn dùng cuốn sách chứa đầy thông tin sai sự thật này để tuyên truyền cho việc người dân phải thấu hiểu chính trị. Đây là một động thái cần sự cảnh giác cao độ từ phía người đọc. Nếu muốn hiểu chính trị, cần đọc về các lý thuyết chính trị nền tảng trên thế giới, đọc về luật pháp quốc tế và luật Việt Nam, đồng thời theo dõi sát sao các diễn biến xảy ra trong nước. Chính trị phức tạp và cần con mắt tỉnh táo, đa chiều, chứ không hề “bình dân” như Đoan Trang rao giảng. Nếu chính trị “bình dân” thì chắc hẳn ai cũng chỉ biết đọc những gì Đoan Trang bảo, nghe những gì Đoan Trang nói, và sự nghe, nói, đọc ấy bị áp đặt đầy những định kiến cá nhân và đầy sự bịa đặt.
Kinh nghiệm đọc thông tin trên mạng đã dạy cho chúng ta một điều: Không nên tin tưởng vào những gì được quảng cáo, và đã đọc, thì phải tìm đọc từ nhiều nguồn. Đọc từ nhiều nguồn là cách thức hợp lý nhất để xác thực thông tin. Với tư cách người đọc sách, chúng ta lại càng phải cảnh giác hơn trước những lời quảng cáo từ phía làm sách (mà cụ thể ở đây là Phạm Đoan Trang và NXB Tự Do), vì bên làm sách lúc nào cũng mong muốn quảng bá rộng rãi sách của mình, nên họ luôn sẵn sàng “đổi trắng thay đen” nhằm có thêm độc giả đọc sách. Với trường hợp cuốn “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, người đọc cần nhận thức rõ đây là một tác phẩm hư cấu được viết với mưu đồ chính trị cá nhân, và được ủng hộ bởi các tổ chức hoạt động trái pháp luật có cùng chung mục đích bôi xấu chính quyền, bôi xấu cá nhân và những người Việt khác. Đoan Trang dùng nửa phần sự thật để quảng cáo cho “Đêm giữa ban ngày”, nhưng độc giả xin hãy nhớ, nửa phần sự thật không phải sự thật. Nửa phần sự thật luôn luôn là dối trá.
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ