Mới đây, tờ Hoàn cầu Thời báo có đăng tải một bài viết có tựa đề “Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để thúc đẩy các lợi ích ở khu vực”. Trong đó có đoạn viết “mục đích chiến lược cốt lõi của Mỹ là sử dụng việc phát triển năng lượng chung với Việt Nam làm vỏ bọc để kích động Hà Nội có các bước đi mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc”.
Tức là, ý đồ bài báo muốn nói là Mỹ dùng việc phát triển năng lượng với Việt Nam làm “vỏ bọc” nhằm “kích động” Hà Nội “đối đầu” với Bắc Kinh trên biển, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “tốt thí”.
“Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc
Trong tiến trình phát triển, Trung Quốc luôn đưa ra các luận thuyết làm bệ đỡ và phương châm hành động. Thế giới đã từng biết đến phong trào “đại nhảy vọt”, “bốn hiện đại hóa”, thuyết “ba đại diện”, “trỗi dậy hòa bình”, “thế giới hài hòa”… Những chủ thuyết phát triển ấy không chỉ tác động trực tiếp nội tình Trung Quốc mà còn có ảnh hưởng tới các nước lân bang, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Tập Cận Bình thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm của nước Trung Hoa mới. Nội hàm “giấc mơ Trung Hoa” được ông Tập từng giải thích trong một phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) như sau: “Vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến, hòa hợp và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa sẽ thành hiện thực”.
Ở thời điểm hiện tại, cụm từ “giấc mộng Trung Hoa” đang dần trở nên quen thuộc với người Trung Quốc và thế giới. Giấc mộng ấy khơi lên niềm hứng khởi của người Trung Quốc gắn với sự trào dâng của làn sóng dân tộc chủ nghĩa, khiến các nước láng giềng và đối thủ của Trung Quốc không khỏi quan ngại.
Để truyền cảm hứng về “giấc mộng Trung Hoa”, Tập Cận Bình cũng đồng thời kêu gọi xây dựng một quân đội hùng mạnh khiến người ta không thể không nghĩ đến “sự trỗi dậy không hòa bình” như Trung Quốc vẫn trấn an thế giới. Rất có thể, một đợt sóng của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán sẽ trở thành nguy cơ cho nhiều nước, nhất là các nước láng giềng.
Nói về Biển Đông, vùng biển này được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Về an ninh quốc phòng, đây là một bức tường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài. Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài.
Trong khi, Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm.
Báo chí Trung Quốc rêu rao tuyên truyền rằng, những nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia… là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cuớp tài nguyên của Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).
Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó là việc triển khai thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Nước này thậm chí còn đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Ắt hẳn, dư luận chưa quên một câu nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.
Việt Nam hiểu rõ “đâu là bạn, đâu là thù”
Có quan hệ địa – chính trị lâu đời nhất trên thế giới với Trung Quốc, trong suốt chiều dài tồn tại, Việt Nam luôn bị Trung Quốc luôn đối xử theo tinh thần nước lớn và tham vọng đối với lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam chưa bao giờ nguội lạnh. Để thỏa mãn “cơn khát đất” vắt ngang nhiều thế kỷ, chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam là nhất quán với hai điểm mấu chốt: Lấn chiếm, đánh chiếm đất đai, sông biển; Lan tỏa ảnh hưởng, quyền lực mềm/biên giới mềm.
Bằng chứng là những xung đột, lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam từ năm 1974 cho tới thời điểm hiện tại luôn ở tần suất tăng dần và ngày một tinh vi hơn, trong đó việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn thò tay vào công việc các nước láng giềng của Việt Nam, vào quan hệ Việt Nam với láng giềng, nhất là Lào, Campuchia – hai nước đồng minh truyền thống, nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt Nam.
Thế mới nói, chuyện Mỹ dùng việc phát triển năng lượng với Việt Nam làm “vỏ bọc” nhằm “kích động” Hà Nội “đối đầu” với Bắc Kinh trên biển, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “tốt thí” như Hoàn cầu thời báo nêu trên chỉ là những luận điệu “đánh lận con đen”. Nói đúng hơn, đây là chiêu “giương đông kích tây” của người Trung để phần nào che mắt dư luận quốc tế về âm mưu chiến lược ở Biển Đông và cái gọi là “giấc mộng Trung Hoa của mình mà thôi.
Hơn bất kỳ ai, hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, dân tộc Việt Nam ý thức được tầm quan trọng và giá trị của hai chữ ‘hòa bình’ như thế nào. Việt Nam biết rõ ai là bạn, ai là thù. Việt Nam không phải là con “tốt thí” của bất kỳ một siêu cường nào cả. Vì Việt Nam vốn dĩ là một nước có độc lập, có đủ năng lực để gìn giữ chủ quyền. Hơn thế nữa, trong mỗi con dân đất Việt ai có lòng tự tôn – tự hào dân tộc.
Và Việt Nam đang làm mọi cách để giữ gìn được nền hòa bình, độc lập, chủ quyền ấy. Dù chưa bao giờ, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam lại đứng trước nhiều thách thức, khó khăn như hiện tại.
Ngay lúc này cần khẳng định lần nữa rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. 74 năm qua, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh hùng hồn với thế giới rằng: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy…”.
Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chứ không phải chơi trò “đu dây” như một số luận điệu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Có thể nói, Việt Nam chúng ta đang đứng trước những thời cơ đan xen thách thức. “Bánh xe lịch sử” vẫn đang xoay tiếp những vòng đi tới. Hơn bao giờ hết, chân lý “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mãi mãi thôi thúc tinh thần dân tộc, tinh thần vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc cho mỗi người dân Việt Nam khi những “cơn sóng dữ” đang hình thành trên vùng chủ quyền Biển Đông của Việt Nam.
Đối phó với một Trung Quốc đầy tham vọng là hết sức khó khăn. Trung Quốc sẽ luôn lấn tới, sẽ không bao giờ lùi bước nếu Việt Nam không có những chiến lược, sách lược, biện pháp đối phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được được ảo tưởng trước những khẩu hiệu “bốn tốt”, “16 chữ vàng” mà Trung Quốc đưa ra.
Sông Trà
Nguồn: Cánh cò