Trang chủ Luận bàn - Phản biện Không con đường nào quan trọng bằng đường về với nhân dân!

Không con đường nào quan trọng bằng đường về với nhân dân!

199
0

Mấy ngày qua rộ lên chuyện thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên hai giáo sĩ phương Tây là Francesco de Pina và Alexandre de Rhodes để đặt cho hai con đường, với nhiều dư luận trái chiều nhau đang râm ran trên khắp ngõ ngách truyền thông.

Không con đường nào quan trọng bằng đường về với nhân dân!

Phe ủng hộ thì bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, đồng thời cho rằng 2 vị linh mục xứng đáng được vinh danh vì dùng ngôn ngữ này để phát triển văn hóa Việt Nam. Còn phe phản đối thì cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ, ông làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Thậm chí có một nhóm nghiên cứu mở ra cuộc Hội thảo “100 năm tôn vinh chữ quốc ngữ” để tranh luận về vấn đề này.

Điều trớ trêu là trong khi Đà Nẵng ngập ngừng, họp bàn có nên đặt tên 2 vị giáo sĩ này không thì tại TP.HCM đã đặt tên Alexandre Rhodes cho một con đường của mình lâu rồi. Nghĩ thật khổ cho ông Alexandre de Rhodes, đã mất gần 300 năm rồi vẫn còn bị người ta mang ra tranh luận xem ông có xứng đáng đặt tên phố ở Đà Nẵng hay không. Hai vị linh mục cũng về với Chúa từ lâu đời rồi. Họ có cần gì chúng ta đem họ ra phán xét công tội để đặt tên đường cho chúng ta đi.

Tất nhiên tranh luận khoa học là cần thiết, ý kiến trái chiều là lẽ thường, chúng ta có quyền lựa chọn nội dung, câu chuyện để bàn luận và đưa ra chính kiến. Thế nhưng, có thể thấy vì muốn gán cho tên đường một ý nghĩa mỹ miều nên chúng ta đang sa đà, mất công ra quy định về việc đặt tên phố, tên đường. Nào là danh nhân phải nổi tiếng, phải có đóng góp cho đất nước, phải có ý nghĩa giáo dục, hay phải qua đời tối thiểu bao nhiêu năm… mới xứng đáng được đặt tên. Và rồi chúng ta thành lập bao nhiêu hội đồng xét duyệt, họp lui họp tới, bàn lên bàn xuống, cãi vã, tranh luận vô bổ xem cái tên ấy có xứng đáng hay không, danh nhân này phải đặt tên đường phố chính, người có công kia sao lại đặt ở khu phố nhỏ… Thế là bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức bỏ ra chỉ bàn về chuyện đặt tên đường có đúng hay không.

Người Việt Nam mình có cái hay vậy đó! Chúng ta đang biến những vấn đề đơn giản trở nên phức tạp rồi tranh luận, cãi vã, tốn thời gian và trí tuệ. Ở TP.HCM nhiều con đường chỉ đặt theo tên chữ cái, đơn giản và dễ nhớ như D20, D5… theo số thứ tự như đường số 12, đường số 18… hoặc đặt theo loài hoa như hoa sữa, hoa phượng, hoa mai… Hay vô vàn cái tên quá buồn cười, vô nghĩa như là đường Bờ Bao Tân Thắng, Vĩnh Viễn, Tên Lửa, Vào Chùa Pháp Thạnh, đường Kênh Nước Đen, Điện Cao Thế … Không nhất thiết phải lấy tên danh nhân để đặt tên đường mà có nhiều cách lựa chọn khác. Tên đường phố, vốn dĩ nó chỉ là cái tên để gọi, để tìm kiếm, để tra cứu, không cần thiết phải gắn cho nó những chức năng, những ý nghĩa quá cao siêu, quá mỹ miều như vậy.

Trong khi ngoài xã hội, bao nhiêu việc phải lo, vấn đề bức xúc, nóng bỏng, liên quan đến cuộc sống, cơm áo gạo tiền của người dân mà không thấy cuộc hội thảo nào mở ra tranh luận, bàn cãi cả. Tự hỏi nếu các nhà nghiên cứu, khoa học hăng hái, nghĩ về người dân như vậy thì người dân mình đỡ vất vả đi nhiều.

Suy cho cùng không có con đường nào tốt, ý nghĩa bằng con đường về với nhân dân!

Thế Khoa

Nguồn: Ngọn cờ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây