Ngày 5/11/2019, tổ chức Freedom House công bố “Báo cáo về tự do internet năm 2019” với chủ đề “Khủng hoảng mạng xã hội”, trong đó có những đánh giá chỉ số thấp một cách bất ngờ về Việt Nam.
Thông tin về báo cáo này của Freedom House được nhiều báo, đài và cá nhân chia sẻ, gây ra một làn sóng than vãn (đôi khi, kèm theo cả phản đối) trong cộng đồng. Tuy nhiên, liệu “Báo cáo về tự do internet năm 2019” của Freedom House có trung thực với sự thật?
Trả lời VOA, Allie Funk – thành viên của Freedom House cho rằng: “Chúng tôi có 21 chỉ số cho tự do internet và Việt Nam nhận điểm kém nhất trong nhiều những chỉ số này”. Tuy nhiên, 21 tiêu chí để xác định 21 chỉ số là gì lại không được công khai rõ ràng. Thậm chí, Freedom House chỉ quan tâm đến một khía cạnh của “tự do internet”, đó là: “Chúng tôi cũng theo dõi sát sao sự gia tăng đột biến những nội dung bị xóa khỏi các nền tảng truyền thông xã hội, bạo lực tiếp tục nhắm vào những người dùng để trả đũa các hoạt động trực tuyến của họ” (Allie Funk)
Như vậy, ngay từ đầu Freedom House đã xác định “tự do internet” là việc có nội dung nào bị xóa khỏi internet không. Đây là một tiêu chí khó xác định và không thể được dùng để tính toán về sự tự do trên internet của một quốc gia. Vì có nhiều lý do để một bài viết bị xóa trên internet: có thể do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm nội quy của diễn đàn hoặc mạng xã hội. Thậm chí, Mạng xã hội Facebook còn có chính sách khóa tài khoản với những tài khoản giả mạo.
Tất cả những điều trên cho thấy, có nhiều lý do để một bài viết hoặc một tài khoản bị xóa khỏi internet, mà phần lớn là do chính sách đối với người dùng của từng doanh nghiệp nước ngoài khác nhau.
Rõ ràng, “Báo cáo về tự do internet năm 2019” của tổ chức Freedom House chỉ cung cấp được một nửa sự thật ở Việt Nam. Thậm chí, một nửa “sự thật” này cũng không có nhiều căn cứ xác đáng và đáng tin cậy.
Trên thực tế, không phải chỉ có tổ chức Freedom House quan tâm và làm khảo sát về tự do Internet tại Việt Nam.
Theo Tổ chức quản lý tên và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN) và Công ty DAMMIO–We Are Social (Anh), tính đến 7-2019, có 64 triệu người Việt Nam đang dùng Internet chiếm 66% dân số (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017); có 62 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…), mỗi người sử dụng Internet ở Việt Nam dành trung bình hơn 6 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet; 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày.
Còn theo kết quả nghiên cứu của Báo Nikkei (Nhật Bản) về tốc độ internet của các nước châu Á – Thái Bình Dương thì khẳng định: “Ấn Độ và Việt Nam vượt xa các nước phát triển”, tốc độ sẽ tiếp tục tăng khi Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất châu Á, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới…
Nhận xét về vấn đề tự do Internet ở Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam P.Hogberg đã khẳng định, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Internet, là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển Internet. Điều đó thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tận dụng thế mạnh của Internet trong xây dựng và phát triển đất nước.
Như vậy, các báo cáo kể trên có số liệu và tiêu chí rõ ràng hơn, chứ không mập mờ như Freedom House. Vậy, tại sao chỉ số mà Freedom House cung cấp lại thấp một cách đáng ngờ đến vậy?
Để trả lời, chúng ta cần tìm hiểu về tổ chức Freedom House. Freedom House là một tổ chức được Wendell Willkie, Eleanor Roosevelt, George Field, Dorothy Thompson, Rex Stout, Herbert Bayard Swope thành lập vào năm 1941. Trong những năm 1940, Freedom House công khai ủng hộ kế hoạch Marshall, với nội dung ủng hộ chiến phí để thực dân Pháp chiếm Việt Nam. Bên cạnh những hoạt động nặng tính quân sự, chính trị, Freedom House cũng nổi tiếng với tinh thần chủ nghĩa chống Cộng. Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ dùng Freedom House để tuyên truyền và tạo diễn biến hòa bình tại Việt Nam.
Điều này lý giải nguyên nhân vì sao Freedom House thường đưa ra những báo cáo mà trong đó, Việt Nam luôn xết gần chót bảng về quyền tự do, nhân quyền. Bằng việc lập lờ về tiêu chí, Freedom House cung cấp nhưng bản báo cáo thiếu chính xác, độ tin cậy thấp, nhưng rất giật gân và khiến nhiều người Việt Nam quan tâm. Chính vì vậy, cần phải thật cẩn thận khi đọc những thông tin từ Freedom House, và độc giả nên tạo thói quen kiểm tra vấn đề từ nhiều nguồn khác nhau, tránh tình trạng để một tổ chức chống Cộng như Freedom House có cơ hội cung cấp một nửa sự thật, vì một nửa sự thật là dối trá.
Nguồn: Loa phường