Trang chủ Loa Phường Loạn Đồng Tâm – Kỳ 1: Thấy gì qua việc “tổ...

Loạn Đồng Tâm – Kỳ 1: Thấy gì qua việc “tổ Đồng Thuận” vây xe kiểm soát quân sự hôm 25/11?

236
0

Từ năm 2017, ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã diễn ra một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, trong đó nhóm dân địa phương tự xưng là “tổ Đồng Thuận” không đồng tình việc chính quyền huyện Mỹ Đức giao đất đanh canh tác của họ cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Ngày 25/11/2019, vụ việc này lại nóng lên, khi “tổ Đồng Thuận” chặn, giữ xe tải chở một tiểu đội kiểm soát quân sự đang đi qua địa bàn xã. Trong clip tự quay, nhóm này chửi bới những người trên xe, tuyên truyền rằng quân đội đang cử người đến “cướp đất” của dân, và rằng họ sẽ làm bạo động như Hong Kong nếu không được đáp ứng yêu sách.

Vậy đâu là bản chất của vụ vây xe kiểm soát quân sự hôm 25/11, của vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở xã Đồng Tâm, và của các đề nghị “đối thoại” trong vụ việc Đồng Tâm? Trong loạt bài 2 kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện để trả lời những câu hỏi đó.

Kỳ 1: Thấy gì qua việc “tổ Đồng Thuận” vây xe kiểm soát quân sự hôm 25/11?

Cuối tháng 08/2019, khi Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội mở cuộc họp báo phổ biến kết quả thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất ở khu sân bay Miếu Môn, “tổ Đồng Thuận” đã phản đối sự kiện này, với lý do thanh tra chưa về địa phương để “đối thoại” với họ. Đáp ứng đề nghị đó, ngày 25/11/2019, tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức buổi tiếp xúc công dân về kết luận thanh tra.

Dự sự kiện có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương; đại diện Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Quân chủng Phòng không – Không quân; đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội và chính quyền địa phương liên quan, cùng một số đại diện của cư dân các xã bị ảnh hưởng.

Buổi trao đổi này xoay quanh 3 nội dung chính.

Thứ nhất, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định rằng kết luận của Thanh tra Tp. Hà Nội và Thanh tra Chính phủ là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính chính xác.

Thứ hai, ông Thanh cho biết gần 30 cán bộ đã bị xử lý, trong đó có một số cán bộ bị xử lý hình sự, do làm sai quy định và pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, dẫn đến việc làm nảy sinh các tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Thứ ba, ông Thanh cho biết cư dân địa phương đang có 2 luồng ý kiến về kết luận thanh tra. Luồng thứ nhất – bao gồm các cán bộ lão thành ở xã Đồng Tâm và 14 hộ dân đã nhận tiền đền bù – là những người ủng hộ kết luận thanh tra, mong kết luận thanh tra sớm được thực hiện và những người sai phạm sớm bị xử phạt, để đời sống tại địa phương trở lại ổn định. Luồng thứ hai – bao gồm một số hộ dân đang đề nghị đối thoại – không đồng ý với kết luận thanh tra. Về việc này, ông Thanh cho biết Thanh tra Chính phủ và Tp. Hà Nội luôn sẵn sàng đối thoại, làm rõ các vấn đề mà người dân còn khúc mắc.

Nhóm người đang đề nghị đối thoại ở đây chính là “tổ Đồng Thuận”. Tuy nhiên, trong các clip tự quay và phần trả lời phỏng vấn RFA, “tổ Đồng Thuận” cho biết họ đã không đến “đối thoại” vì 2 lý do. Thứ nhất, giấy mời mà cha con Lê Đình Kình, Lê Đình Công nhận được chỉ là giấy mời đến “nghe đọc kết luận thanh tra”, chứ không phải là giấy mời “nguyên đơn” đến “đối thoại”. Thứ hai, Thanh tra Chính phủ chỉ tổ chức cuộc gặp ở huyện Mỹ Đức, chứ không đến xã Đồng Tâm như họ đòi hỏi.

Hai lý do mà “tổ Đồng Thuận” viện dẫn có sức nặng rất thấp. Về lý do thứ nhất, vì ông Kình không có quyền và lợi ích liên quan đến khu đất, ông không có quyền khiếu nại Kết luận Thanh tra, mà chỉ có quyền phản ánh (theo Luật Tiếp Công dân) và quyền tố cáo (theo Luật Tố cáo). Trước đây, Thanh tra Hà Nội đã làm việc, có văn bản về đơn tố cáo của ông Kình, vì vậy ông Kình chỉ có thể dự buổi trao đổi, chứ không thể đòi đến “đối thoại” với tư cách “nguyên đơn”. Về lý do thứ hai, tổ chức cuộc gặp ở huyện Mỹ Đức là một lựa chọn phù hợp, do cư dân của nhiều xã khác, ngoài Đồng Tâm, cũng được mời đến dự do chịu ảnh hưởng từ dự án.

Chiều cùng ngày 25/11, một tiểu đội không vũ trang đã di chuyển bằng ô tô qua khu vực Miếu Môn, để đến làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự phục vụ hội thao tại Trường bắn Miếu Môn (nằm ngay cạnh xã Đồng Tâm). “Tổ Đồng Thuận” thấy vậy, liền vây và giữ người trong xe, do tưởng quân đội cho xe quân sự đến “uy hiếp” họ. Các clip tự quay của nhóm này cho thấy Lê Đình Công đưa người vây xe quân sự, Lê Viết Hiểu cầm loa đọc diễn văn đưa yêu sách, trong lúc một nhóm phụ nữ áp sát để chửi bới, xúc phạm thậm tệ các chiến sĩ trong xe. Nhóm này nói rằng sự hiện diện của xe quân sự cho thấy quân đội đang định biến Đồng Tâm thành Thiên An Môn để cướp đất; rằng họ sẵn sàng bạo động như Hong Kong để đáp trả; rằng họ sẽ không đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, phải đợi Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đến “nhận quân” mới thả con tin… Vài giờ sau, khi chính quyền giải thích và gây áp lực, họ thả cho xe tiếp tục di chuyển.

Loạn Đồng Tâm – Kỳ 1:  Thấy gì qua việc “tổ Đồng Thuận” vây xe kiểm soát quân sự hôm 25/11?

Nếu “tổ Đồng Thuận” không chấm dứt hành vi phạm pháp trong ngày, thì với những hành vi có tổ chức nêu trên, họ hoàn toàn có thể bị truy tố về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015), hoặc tội “Gây rối trật tự công cộng” (Điều 318).

Nhìn toàn cảnh sự kiện, có thể thấy “tổ Đồng Thuận” không thật sự muốn “đối thoại” với Thanh tra Chính phủ trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Nếu làm vậy, họ sẽ ở vào thế yếu, do họ dùng nhiều văn bản không có giá trị pháp lý làm căn cứ để lập luận, như phần sau của loạt bài sẽ chỉ rõ. Từ năm 2017 đến nay, họ chỉ có lợi thế vào những lần “chơi trên sân nhà” – như vụ họ bắt giữ 38 quan chức, phóng viên và cảnh sát đến Đồng Tâm làm nhiệm vụ; hay những lần họ huy động đám đông thô bỉ đến “đấu tố” một nhóm vài cán bộ xã, huyện trước ống kính Livestream. Như vậy, cả việc họ từ chối tham dự những buổi “đối thoại” nằm ngoài địa bàn xã Đồng Tâm, lẫn việc họ bắt giữ, nhục mạ một nhóm bộ đội không vũ trang đi ngang qua địa bàn, thực ra chỉ là chiêu “chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng”, chứ không thể hiện nhận thức về dân chủ hay pháp luật. Những gương mặt chống đối ủng hộ họ – như Tuấn Tự Thú, Nguyễn Đức Thành hay Diễn đàn Xã hội Dân sự – đương nhiên cũng thích phương án “đối thoại” này, vì nó giúp kéo dài sóng truyền thông và phục vụ việc tuyên truyền về quyền tư hữu đất, nuôi dưỡng một “điểm nóng” cổ vũ người dân bạo động, bạo loạn với danh nghĩa “giữ đất” nhằm khiến Việt Nam bất ổn, họ mới thừa nước đục thả câu cho mưu đồ chính trị đen tối.

(xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây