Theo dõi báo chí và truyền thông sẽ thấy một trong những trọng tâm trong chương trình làm việc của Thủ tướng tại “xứ sở kim chi” đó là ông dành rất nhiều thời gian cho ngoại giao kinh tế. Có lẽ, người đứng đầu Chính phủ xác định được tầm quan trọng của việc tranh thủ nguồn lực thông qua việc tiếp xúc với các doanh nghiệp nước này.
Minh chứng là tại buổi gặp mặt Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, Thủ tướng không chỉ giới thiệu về những chính sách mở cửa, chủ trương thông thoáng, sẵn sàng là một nhà tiếp thị cấp cao, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của đất nước, bày tỏ tự hào Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Mà người đứng đầu Chính phủ còn thể hiện mình là một sứ giả của Việt Nam khi đề nghị “Samsung xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn ở Việt Nam, ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ mới”; đồng thời kêu gọi “hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của Samsung, nghiên cứu khả năng hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu có khả năng cung ứng cho Samsung”; “đưa Việt Nam trở thành điểm sản xuất chiến lược lớn nhất toàn cầu về mọi mặt đối với Samsung”…
Những lời mời gọi, tiếp thị của Thủ tướng đã cho thấy một hình ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển. Chính sự năng động của người đứng đầu Chính phủ đã tạo được niềm tin rất lớn với người đại diện của Tập đoàn Samsung, ôngLee Jae-yong khẳng định sắp tới “Samsung cần rất nhiều kỹ sư công nghệ cao. Về trung tâm R&D dự kiến năm 2022 sẽ đi vào hoạt động ở Hà Nội, Samsung sẽ tuyển dụng 3.000 kỹ sư Việt Nam làm việc”.
Có thể nói, cuộc gặp lần này của Thủ tướng và Tập đoàn Samsung là minh chứng rõ ràng nhất, cho thấy thành công trong nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Việc Samsung cam kết tuyển hàng nghìn kỹ sư công nghệ cao sẽ tạo điều kiện để đội ngũ này trau dồi kiến thức, áp dụng được những công nghệ cao về thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới, phục vụ cho tương lai và sự phát triển bền vững của đất nước.
Không những thế, việc tạo điều kiện cho các tập đoàn công nghệ cao đầu tư, phát triển trong nước như vậy sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc những công nghệ tiên tiến; kéo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cùng phát triển theo. Sự có mặt của Samsung đã kéo theo hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà sản xuất vệ tinh khác, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, khơi nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp trong nước tư duy tốt lên, làm ăn bài bản, hiệu quả, tiếp cận với kinh doanh quốc tế tốt hơn. Minh chứng như Bkav, rồi mới đây là Vinsmart bắt tay vào sản xuất smartphone “made in Vietnam”.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò