Trước khi muốn dựa vào “cái bóng” của Mỹ, “lợi dụng” Mỹ để bảo vệ cho chủ quyền của Việt Nam, thì xin điểm lại một vài sự kiện sau, để thấy rằng, Mỹ ngây ngô đến mức đi đánh đồng, coi quốc gia đang ức hiếp quốc gia Việt Nam cũng là “kẻ thù” của họ và ra sức “dạy dỗ” Trung Quốc giùm cho Việt Nam.
Nếu ai tự uyển, vui mừng mà nghĩ rằng, Trung Quốc là “kẻ thù” của Mỹ và Mỹ đang trừng trị Trung Quốc, đánh sát ván Trung Quốc thì đã nhầm. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã trải qua giai đoạn 16 tháng, với nhiều cuộc so găng “nảy lửa”, những phát ngôn cứng rắn từ phía Tổng thống Mỹ là vậy, nhưng cuối cùng thì họ dần “bắt tay” với nhau. Điều đó cho thấy, lợi ích là thứ quan trọng, còn lại “chính nghĩa” gì đó, chỉ là phụ họa.
Bằng chứng là, nếu như trước đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng áp thuế bổ sung từ 25% lên 30% với khoảng 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, nhưng đến tháng 10-2019, Mỹ đã tạm dừng áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau hai ngày đàm phán thương mại tại Washington. Tổng thống Donald Trump còn cho biết, các nhà đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được “thỏa thuận giai đoạn 1”, gồm việc Trung Quốc tăng mua nông sản của Mỹ, cùng một số phương diện của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như dịch vụ tài chính, tiền tệ.
Báo chí tại Trung Quốc ngày 12/10/2019, bản tin của Tân Hoa Xã nhấn mạnh: “Đôi bên đã đối thoại đạt được những tiến bộ quan trọng, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và những xung khắc gây tranh cãi”. Từ việc nới trừng phạt và bắt tay với nhau trong hợp tác kinh tế sẽ đưa Trung Quốc và Mỹ xích lại gần nhau vì lợi ích. Liệu Mỹ có hào sảng “dạy cho Trung Quốc bài học” vì ăn hiếp Việt Nam trên biển Đông? Chúng ta hãy suy ngẫm, nhưng đừng quên, buôn bán vũ khí cũng nằm trong hạng mục kinh tế!
Tháng 11-2019, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan như là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào được ký kết. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh hai nước được kỳ vọng sẽ ký một hiệp ước tuyên bố chấm dứt một cuộc chiến thương mại đã phá vỡ nền kinh tế toàn cầu. Vậy nên, ai đang nghĩ rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính nghĩa, sẽ “ngự trị” trên biển Đông để “dạy cho Trung Quốc bài học”, thì hãy dừng lại.
Còn nhớ, đầu năm 2019, trong bài phát biểu đề cập đến quyết định theo đuổi hiệp ước hạt nhân với Nga và Trung Quốc, Tổng thống Trump đã gợi mở công khai đưa Nga và Trung Quốc vào thỏa thuận hạt nhân mới. Với một người có xu hướng theo đuổi những giao dịch lớn như Tổng thống Donald Trump, bắt tay với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực kinh tế – quân sự, thì liệu Mỹ có “hào phóng” đến biển Đông chỉ để “giúp Việt Nam” không?
Cái bánh miễn phí chỉ có trên bẫy chuột và không ai muốn cho không thứ gì, nhất là với Mỹ. Khi có thời gian, hãy suy nghĩ về câu nói: “Không gì có thể chắc chắn bằng đồng tiền, không gì không thể đem ra bán – vấn đề là “được giá” hay không mà thôi?”. Thấm lắm đấy các bạn ạ!
Ốc Biển Trường Sa
Nguồn: Cánh cò