Trang chủ Cánh cò Bỏ hình thức biên chế “viên chức suốt đời” là hết sức...

Bỏ hình thức biên chế “viên chức suốt đời” là hết sức cần thiết

343
0
Để chấn chỉnh tránh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều ngày 25/11/2019 có nhiều điểm thay đổi mới.
Sẽ không còn suy nghĩ đã vào viên chức là yên tâm
Vừa qua, với 88,2% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức (VC) chính thức được thông qua. Luật có nhiều điểm mới. đáng chú ý, để chấn chỉnh tránh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ VC, Luật sửa đổi, bổ sung Luật CBCC và Luật VC đã chính thức “bỏ biên chế suốt đời”.
Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ công chức (CBCC) chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm VC làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Bỏ hình thức biên chế “viên chức suốt đời” là hết sức cần thiết
Bỏ hình thức biên chế “viên chức suốt đời” là hết sức cần thiết

Đồng thời, đối với những VC mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với VC.
Đúng là “biên chế” bức xúc quá rồi. Đông nhưng kém hiệu quả. Tình trạng “sáng vác ô đi, tối xách ô về” đã trở thành “thành ngữ” mới của bộ máy công quyền. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số CC không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít cán bộ, viên chức trong quá trình thực thi công vụ đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, thậm chí cố tình gây khó dễ với người dân, tổ chức, khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tình trạng “chi phí gầm bàn” hay “lót tay” mà người dân, doanh nghiệp phản ánh chính là biểu hiện tiêu cực của viên chức, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân, kéo giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy là có những cán bộ, viên chức làm việc “cầm chừng” theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, coi cơ quan chỉ là nơi “ghé chân” để hưởng lương, không cần biết hiệu quả công việc mình làm có đáp ứng yêu cầu hay không.
Bỏ hình thức biên chế suốt đời đối với viên chức là cần thiết
Việc tồn tại viên chức cố tình lợi dụng vị trí công tác của mình để gây nhũng nhiễu, tiêu cực, hay những viên chức hưởng lương nhưng không làm việc, cho thấy công tác tuyển dụng, sử dụng viên chức của chúng ta thời gian qua “có vấn đề”. Điều đáng nói là, biết là không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng để đưa những người này ra khỏi bộ máy không dễ. Bởi, họ – những viên chức làm việc có tính chất điểm danh nhưng lại luôn có một tấm vé bảo vệ đặc biệt, đó là “có vào mà không có ra”.
Đáng tiếc, đánh giá cán bộ viên chức hàng năm ở cơ sở, gần như ai cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; thậm chí bình bầu “chiến sỹ thi đua cơ sở”, phân chia bằng khen, danh hiệu được “chia đều” theo kiểu “năm nay anh, năm sau tôi” để lên lương trước niên hạn.
Câu chuyện đáng suy nghĩ thứ hai là, việc tách bạch giữa số CC (thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước) và VC (trong các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế) không rõ ràng. Trong một đơn vị sự nghiệp, lãnh đạo thì CC, nhân viên thì VC… cũng có đủ xe biển xanh, biển trắng.
Hiện tại, tổng số lao động khu vực công là 5,2 triệu người, trong đó, số VC chiếm tới một nửa (2,5 triệu người), chưa tính đến số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Số lượng CC là khoảng hơn 1 triệu người.  Việt Nam ở trong Top đầu của nhóm nước ASEAN, với 4,8% CC trên dân số (tương đương mức 20 người dân sẽ có 1 CCVC hưởng lương).

Bỏ hình thức biên chế “viên chức suốt đời” là hết sức cần thiết
Kết quả biểu quyết chính thức bỏ chế độ “viên chức suốt đời” từ 1/7/2020

Số lượng biên chế CCVC nhiều còn là minh chứng cho chính sách xã hội hoá dịch vụ công chưa hiệu quả. Nhà nước vẫn ôm đồm làm thay rất, rất nhiều việc. Đấy là chưa nói đến tiêu cực, thích “đông quân”, “chạy biên chế” để “suất” để “bán” khi tuyển dụng. Điều này không phải là không có.
Theo đánh giá của TƯ, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết nhận định, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khoá 8 về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.
“Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế;
“Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu”, Thủ tướng nêu.
Hy vọng với “hai trọng tâm” và “năm đột phá” mà Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ đã nêu sẽ tiếp tục được thể chế hóa, đi vào cuộc sống.
Để khắc phục tình trạng này, thanh lọc được những đối tượng là viên chức làm việc cầm chừng ra khỏi bộ máy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đã có quy định chặt chẽ về hợp đồng làm việc của viên chức. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 2 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.
Luật cũng quy định rõ, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức áp dụng đối với 3 trường hợp cụ thể: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và người được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1.7.2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây