Cuối tháng 9 đầu tháng 10-2019, báo chí trong nước đã đưa tin về vụ nổ xảy ra tại khu vệ sinh nơi làm việc của Cục Thuế tỉnh Bình Dương ở TP Thủ Dầu Một.
Phía trước nhà nghi can. Ảnh: Nguyệt Triều
Sau đó, cơ quan công an đã điều tra và bắt giữ người đặt bom là Trương Dương, ông này xác nhận thực hiện vụ nổ theo chỉ đạo của Lisa Phạm, theo chỉ thị của Đào Minh Quân – cầm đầu “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” mà Bộ Công an Việt Nam xác định là tổ chức khủng bố. Trương Dương cũng cho biết ông được hứa hẹn trả 300 triệu đồng cho việc làm này. Theo dõi diễn tiến sự kiện tôi thấy, thường trước đây, mỗi khi xảy ra một sự kiện mà báo chí trong nước chỉ rõ có liên quan đến Lisa Phạm, thì chỉ sau khoảng 48 giờ là người này đã lên tiếng cho biết mình dính dáng hay không, nhưng lần này bà ta lại im lặng trong một thời gian. Trước đây, Lisa Phạm vẫn khẳng định không liên quan với Đào Minh Quân và cái gọi “chính phủ” của ông ta, song từ lời khai của ông Trương Dương và bằng chứng mà cơ quan công an của Việt Nam thu được, Lisa Phạm cần có câu trả lời rõ ràng trước công chúng và theo tôi, “tội quy vô trưởng”, trong sự kiện này, Đào Minh Quân mới là kẻ chịu trách nhiệm chính. Tôi đã công khai đặt một số câu hỏi, lên án hành vi khủng bố đó, vì làm như vậy rất bất nhân, có thể gây thiệt mạng hoặc làm bị thương bất kỳ người nào có mặt đúng lúc vụ nổ xảy ra. Hai ngày sau, Lisa Phạm đã lên Facebook trả lời, và bà ta làm tôi thất vọng. Vì, nếu bà ta không dính líu đến Đào Minh Quân thì cứ trả lời không dính líu, nếu bà ta không lập kế hoạch cho Trương Dương đặt bom thì cứ trả lời là không,… nhưng bà ta không làm như vậy, mà sử dụng loại từ ngữ hàng tôm hàng cá, văng tục, nói những lời nhớp nhúa mà không xấu hổ. Đến ngày 4-11-2019, Lisa Phạm lại làm một clip xác nhận không liên quan, không chỉ đạo Trương Dương đặt bom; chưa bao giờ gặp hay tiếp xúc Đào Minh Quân, không ở trong cái gọi là “chính phủ” của Đào Minh Quân; cho rằng công an Việt Nam bịa chuyện để ngăn chặn không cho người dân tiếp xúc với thông tin từ bà ta và phải tung hỏa mù; rồi cho rằng Trương Dương là “người hùng”, không phải là “khủng bố”, đánh bom ở sở thuế là hành động phản kháng lại Nhà nước vì thu thuế mà không lo cho dân; kêu gọi bạo động hoặc lập kế hoạch bạo động lật đổ nhà nước là quyền tự do ngôn luận của bà được Hiến pháp Mỹ bảo vệ; quả quyết từ năm 1995, khi hai nước bắt đầu bang giao, Mỹ đã có thỏa ước dẫn độ với Việt Nam…! Tóm lại, bằng thứ ngôn ngữ đầy hận thù và rất trơ tráo, Lisa Phạm cố biện hộ cho Trương Dương, vu cáo Nhà nước Việt Nam.
Bài viết này không nhằm trả lời Lisa Phạm hay hoạt động của cái gọi là “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân, mà nhằm phân tích các sự kiện, nêu lên những khía cạnh pháp lý khách quan, cụ thể, nghiêm túc, hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ không bị “mây mù che mắt”, không tin theo lời giả dối nhưng ngon ngọt và không đưa chân bước lạc lối mà làm hại bản thân mình, làm hại gia đình, đất nước. Hành nghề luật sư tại Mỹ hơn 20 năm, tôi thấy khi đứng trước tòa, bị cáo ai cũng kêu oan, ai cũng chối rằng họ không làm chuyện đó. Vì vậy mới có bồi thẩm đoàn, tức là những người dân xem xét và kết luận người đó nói thật hay nói dối. Trong clip đầu tiên liên quan sự kiện khủng bố ở Bình Dương, Lisa Phạm không trả lời dứt khoát có dính líu hay không, còn cho rằng việc kêu gọi hay đặt bom khủng bố là quyền tự do ngôn luận của bà ta; sau đó vài ngày mới chối không dính líu, cũng nói không dính dáng với Đào Minh Quân. Điều này cũng không có gì mới, vì nhiều năm nay, sau khi ra chỉ thị cho thành viên ở trong nước hoạt động phá hoại và bị phát hiện, các tổ chức ở hải ngoại liền chối bay chối biến, không nhận là thành viên. Và ở đây, tôi thấy cách nói chuyện như “phường chèo” của Lisa Phạm rất tương ứng với “chính phủ phường chèo” của Đào Minh Quân, không biết đó là vô tình hay hữu ý? Lisa Phạm cho rằng “công an ép cung” để Trương Dương phải nhận tội, gán ghép cho bà ta chủ mưu, song không đưa ra được một chứng cớ nào, chỉ là suy luận chủ quan, mà trước pháp luật, đó là điều không giá trị. Lố bịch nhất là Lisa Phạm hoang tưởng cho rằng bà ta có ảnh hưởng sâu rộng, cho nên công an quá sợ, vì vậy mới dùng tới hạ sách! Lối lập luận này giống hệt Đào Minh Quân hoang tưởng tự phong mình là “tổng thống” rồi “hiệu triệu toàn dân” nghe mệnh lệnh của ông ta! Đúng là một màn tấu hài thời đại của những đầu óc bệnh hoạn đến cực cùng.
Tu chính án (văn bản sửa đổi, bổ sung hiến pháp) thứ nhất của Mỹ minh định con người có tự do, nhưng sau đó các án lệ của Tối cao pháp viện cắt nghĩa tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm, tự do của mình phải tôn trọng tự do của người khác. Như khi trong rạp hát, không được nhân danh quyền tự do ngôn luận mà đứng lên hô “cháy nhà, cháy nhà” để mọi người chạy tán loạn, vì đó là lạm dụng tự do, quấy rối an ninh trật tự chung, có thể bị truy tố hình sự; một người lái xe không được nhân danh tự do mà lái bừa bãi, đâm vào xe khác và gây tai nạn, đó là hỗn loạn vô trật tự. Khi đất nước không có chiến tranh, nhân danh tự do ngôn luận để kích động bạo lực hay chủ mưu đặt bom thì đó là khủng bố và quốc gia nào cũng lên án, xử phạt rất nghiêm khắc. Đạo Luật Espionage Act 1917 (Đạo luật về gián điệp) của Mỹ xác định công dân Mỹ có quyền tự do ngôn luận nhưng không có nghĩa là sử dụng tự do ngôn luận để kích động gây bạo loạn lật đổ Chính phủ Mỹ. Nếu ai làm chuyện đó sẽ bị bắt, truy tố về tội phản quốc. Do vậy, khi xem người đặt bom khủng bố là “anh hùng”, Lisa Phạm không những vi phạm điều các quốc gia lên án, mà còn tỏ ra bất nhân, vì khuyến khích đặt bom gây thương vong cho người vô tội. Đó không phải là yêu nước, đó là hành vi từ hận thù và ảo tưởng. “Anh hùng” thật sự là người có tâm, có tầm, có dũng khí, đất nước cần thì sẵn sàng hy sinh vì đất nước, chứ không “hữu dũng vô mưu”, làm theo cảm tính chỉ để thỏa mãn sự hận thù.
Nhân đây, xin kể chuyện quá khứ. Năm 1992, tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ và trở về Việt Nam theo đường du lịch để móc nối với một số người trong nước hoạt động lật đổ Nhà nước, và bị bắt giam 16 tháng tại nhà giam Chí Hòa. Năm 1993, tôi được Nhà nước Việt Nam trả tự do. Trở về Mỹ, tôi đi học và lấy bằng tiến sĩ luật, rồi mở văn phòng luật sư. Năm 1998, tôi thành lập “phong trào quốc dân Việt Nam hành động”, đưa người về nước hoạt động theo chủ trương bạo động để lật đổ Nhà nước Việt Nam. Đầu năm 2001, tôi vào Việt Nam qua Cam-pu-chia với kế hoạch đặt bom nổ tượng Cụ Hồ tại bến Nhà Rồng ở TP Hồ Chí Minh và tại bến Ninh Kiều ở Cần Thơ. Trước khi hành động, tôi âm thầm lên Đền Hùng khấn xin tổ tiên, Vua Hùng phù hộ để tôi biết làm việc đúng cho đất nước. Nhưng có lẽ tổ tiên, Vua Hùng không phù hộ để tôi làm việc sai trái, mà đã tác động ngược lại. Vì trước khi hành động, tôi nảy ra suy nghĩ rằng nếu tôi cho nổ hai bức tượng Cụ Hồ rồi sẽ ra sao, sẽ có người chết, bị thương, anh em bị bắt, bản thân tôi cũng có thể bị bắt? Tôi có thể “nổi tiếng” là người chống cộng sản, nhưng không giải quyết được việc gì, chỉ gây thêm phức tạp. Tôi nhận ra sự thật là bạo lực không giải quyết được gì, cho nên quyết định bỏ kế hoạch, theo đường bộ sang Cam-pu-chia, bay qua Thái-lan và trở về Mỹ. Tại sân bay Los Angeles (Lốt An-giơ-lét), đại diện cơ quan tình báo Mỹ gọi tôi vào nhắc nhở đừng hoạt động bạo lực nữa, vì Việt Nam đã có bang giao với Mỹ. Tôi trả lời họ an tâm, vì khi ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã nhận thức được vấn đề, và không thực hiện kế hoạch nổ bom. Tôi kể cho họ biết lúc còn ở Việt Nam, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi thấy nếu quan tâm đến quê hương thì con đường tốt đẹp nhất với tôi là hợp tác, đối thoại ôn hòa, cùng giải quyết từng phần mâu thuẫn để góp phần ổn định và xây dựng đất nước. Họ vui mừng và tin ở tôi, vì họ cho rằng tôi có con tim nhưng còn biết dùng cái đầu để suy nghĩ. Về đến Mỹ, tôi đã gặp gỡ với anh em trong “phong trào quốc dân Việt Nam hành động”, phân tích cùng họ tại sao phải từ bỏ bạo lực, tại sao phải hợp tác trong đồng thuận, tại sao phải hành động khôn ngoan, không tạo cơ hội cho nước ngoài xâm phạm chủ quyền đất nước. Khi cố gắng thuyết phục thành viên khác, tôi phải trải qua nhiều thăng trầm, có cả vui buồn, đắng cay. Lúc đầu, có cụ hơn 80 tuổi biết tôi đổi sang đối thoại đã rất căm phẫn, tôi đến nhà của cụ, nói chuyện cả ngày đêm, cụ đã hiểu được, đồng ý duy nhất chỉ con đường đó là con đường tốt đẹp nhất cho đất nước.
Nhiều năm qua ở hải ngoại, tôi đã từng nói rằng nếu ai thấy có con đường nào khác tốt đẹp hơn cho Việt Nam, xin chỉ dạy tôi, tôi sẵn sàng đi xách dép cho người đó. Nhưng đến hôm nay, vẫn không có ai chỉ vẽ cho tôi con đường nào tốt đẹp hơn, mà chỉ rủa sả, rồi vu chụp cho tôi là phản bội, là “Việt gian”. Từ trải nghiệm cuộc đời, từ sâu thẳm tâm hồn mình tôi biết, không ai yêu nước Việt bằng chính người Việt. Nước Việt đã thanh bình. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn chưa được hoàn hảo, nhưng điều cơ bản nhất là Nhà nước đang ra sức cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước, nỗ lực chống tiêu cực, làm nên một nước Việt Nam với những thành tựu mà các năm qua luôn được thế giới ca ngợi. Nói như vậy không có nghĩa là không cần tiếp tục, mà phải phấn đấu hơn nữa. Nên hãy chung tay xây dựng, bảo vệ để đất nước ngày càng phát triển; nếu có bất đồng, hãy góp ý trong tinh thần xây dựng chứ không phải làm những việc ngông cuồng như đặt bom khủng bố, vì như vậy không giải quyết được gì mà chỉ làm hại đồng bào, gây phiền hà cho bản thân và gia đình, làm tổn hại sự nghiệp lớn của dân tộc.
Luật sư Hoàng Duy Hùng (Nhân dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ