Trang chủ Luận bàn - Phản biện Luật hoá về hộ kinh doanh – đến lúc không nên mặc...

Luật hoá về hộ kinh doanh – đến lúc không nên mặc kệ

155
0

Đóng góp tới hơn 30% GDP, sử dụng hàng chục triệu lao động nhưng chẳng có thống kê chính xác hiện đang có bao nhiêu hộ, ngành nghề như thế nào, tình hình hoạt động ra sao?

Lời tòa soạn: Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn, các ý kiến góp ý với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển.

Đậu Anh Tuấn

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ra kinh doanh, thông lệ các nước trên thế giới thường chỉ có 2 mô hình: pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Mô hình đầu có tổ chức bộ máy, được gọi là công ty, còn loại sau thì hoạt động đơn giản, thường quy mô nhỏ. Các nước cũng thường ban hành 2 luật riêng về hai mô hình kinh doanh này.

Việt Nam trước đây cũng từng có riêng hai luật là Luật công ty 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1991. Từ năm 1999 trở đi hai luật này được gộp lại thành Luật Doanh nghiệp. Như vậy trong luật doanh nghiệp của Việt Nam, đạo luật tổng thể về các loại hình kinh doanh, không chỉ quy định về mô hình công ty (như cổ phần, TNHH…) mà còn có doanh nghiệp tư nhân là hình thức cá nhân kinh doanh.

Luật hoá về hộ kinh doanh - đến lúc không nên mặc kệĐưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì?

Hộ kinh doanh – sản phẩm pháp lý đặc thù 

Hộ kinh doanh của Việt Nam hiện nay lại là mô hình lưỡng cư, vừa là cá nhân kinh doanh vừa là nhóm kinh doanh hay hộ gia đình (dù ở mức rất sơ khai, chưa có tổ chức bộ máy). Nhiều luật sư và chuyên gia đề nghị đã đến lúc nên bỏ hình thức hộ kinh doanh đi, chỉ duy trì pháp nhân và cá nhân như Bộ luật Dân sự. Dù tư duy pháp lý này là đúng, là rạch ròi nhưng tôi cho rằng không khả thi vì hộ kinh doanh đã quá quen, quá phổ biến và đóng góp quá lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Có thể nói hộ kinh doanh là một sản phẩm pháp lý đặc thù của Việt Nam. Vì không rành mạch về pháp lý nên việc tìm ra điểm yếu, chỉ trích nó dễ nhưng làm thế nào phát triển lành mạnh mới khó. Đáng chú ý là khu vực này hiện nay có đóng góp rất lớn nhưng dường như không nhận được quan tâm đúng mức củaNhà nước.

Đóng góp tới hơn 30% GDP, sử dụng hàng chục triệu lao động nhưng chẳng có thống kê chính xác hiện đang có bao nhiêu hộ, ngành nghề như thế nào, tình hình hoạt động ra sao? Hầu như cũng chẳng có báo cáo nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tổng thể về thực trạng, “sức khoẻ” của hộ kinh doanh. Một cộng đồng lớn như vậy nhưng cũng chưa hề có hiệp hội hay thiết chế nào đại diện. Từ góc nhìn khác có thể chính sự “mặc kệ”, bỏ qua của bộ máy Nhà nước lại tạo ra không gian rất tốt để khu vực này phát triển mạnh mẽ và thuận lợi thời gian qua.

Dù Hiến pháp đã tuyên bố về quyền tự do kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân, nhưng hộ kinh doanh hiện đang bị ràng buộc và hạn chế khá lớn về quyền kinh doanh.

Theo Nghị định 78 năm 2015 thì các hộ kinh doanh không được sử dụng quá 10 lao động, phải đăng ký tại một địa điểm và chỉ được phép kinh doanh tại địa điểm đó. Nếu kinh doanh ngoài địa điểm đăng ký đã công bố thì phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường cả nơi đăng ký trụ sở lẫn nơi tiến hành hoạt động kinh doanh (!). Hiện nay chưa có đánh giá nhưng tôi tin chắc đang có rất nhiều hộ kinh doanh vi phạm pháp luật về kinh doanh ngoài phạm vi quận huyện hay sử dụng trên 10 lao động.

Nhưng quan trọng hơn, về mặt pháp lý, thì cách quy định về hộ kinh doanh hiện nay đang có vấn đề. Theo Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì các quy định vềquyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc hạn chế quyền (quyền tự do kinh doanh là quyền được hiến định) thì phải được quy định bởi đạo luật do Quốc hội ban hành.

Trong khi thực tế hiện nay Nghị định 78 năm 2015 là khung khổ pháp lý duy nhất quy định về khu vực kinh tế chiếm hơn 30% GDP này. Thậm chí toàn bộ chế định về hộ kinh doanh thực ra được nhân tiện quy định “ghé” vài điều vào cuối Nghị định 78, một nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Luật hoá hộ kinh doanh là nhu cầu tất yếu 

Hiện nay đề xuất của Chính phủ đưa các chế định về hộ kinh doanh vào trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này theo tôi là phù hợp. Đây hoàn toàn không phải là việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, chỉ qua một đêm sẽ có hơn 5 triệu doanh nghiệp mới như nhiều người lầm tưởng mà là luật hoá về hộ kinh doanh cho phù hợp với tầm quan trọng của nó trên thực tiễn và thực hiện đúng Hiến pháp và Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Theo tôi, việc luật hoá này có những cái lợi. Trước hết vị trí pháp lý của hộ được định rõ. Hộ kinh doanh được khẳng định và ghi nhận có vị trí pháp lý phù hợp, các hộ có thể đứng tên được trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy tờ trong hoạt động.

Thứ hai, họ sẽ được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ hiện nay. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các văn bản pháp luật liên quan, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xưa nay chỉ dành cho nhóm hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Thứ ba, bằng việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong luật, sẽ gỡ bỏ được các hạn chế về quyền kinh doanh. Và thứ tư, về mặt pháp lý thì quy định về vị trí pháp lý, về các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong luật (có thể không cần toàn diện) là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết về hộ kinh doanh sau này.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hiệu ứng tiêu cực mà sự thay đổi này mang đến. Nhưng theo tôi, chế định về hộ kinh doanh ở cấp nghị định đã được thực hiện nhiều năm, việc chuyển đối nó lên luật không ra nhiều tác động. Thử phân tích dưới một số khía cạnh.

Về đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh, có phức tạp hơn hay không? Theo tôi không thay đổi vì vẫn giữ nguyên hệ thống đăng ký các hộ kinh doanh ở cấp huyện như hiện nay. Các hộ kinh doanh có đăng ký thì vẫn giữ nguyên và sử dụng đăng ký đã cấp bình thường. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp vẫn không phải đăng ký.

Nhưng việc luật hoá lại mang lại cơ hội để thống nhất hệ thống đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên cả nước. Hiện nay đăng ký hộ kinh doanh đang bị tách độc lập ở cấp huyện. Nếu thống nhất hệ thống đăng ký thì không chỉ quản lý nhà nước tốt hơn, bản thân các hộ kinh doanh sẽ được bảo hộ tên của mình trên toàn quốc, không chỉ ở trong phạm vi cấp huyện như hiện nay.

Về nghĩa vụ thuế có thêm gánh nặng hay không? Theo tôi sẽ không thay đổi, vẫn giữ nguyên hệ thống nộp thuế đối với hộ kinh doanh như hiện nay. Những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì vẫn hoàn toàn không phải nộp thuế, vẫn được miễn lệ phí môn bài.

Chính vì vậy hoàn toàn không có câu chuyện bà bán chè chén, hàng rong, quà vặt lo ngại phải nộp thêm thuế. Thậm chí tôi đánh giá đây là cơ hội để Chính phủ, Bộ Tài chính hài hoà hoá các quy định quy định về nộp thuế về sổ sách giấy tờ cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH quy siêu nhỏ xuống đơn giản giống hộ kinh doanh.

Về thanh tra kiểm tra và gánh nặng thủ tục hành chính, có tạo thêm gánh nặng hay không? Theo tôi thì về căn bản không thay đổi vì vẫn thực hiện bình thường theo quy định tại pháp luật chuyên ngành. Với cách quy định này không hề phát sinh thủ tục mới. Tất nhiên có thể e ngại rủi ro khi ghi nhận bài bản hơn thì một số cơ quan quản lý nhà nước có thể “để ý” hơn.

Dù lo ngại này chưa chắc chắn nhưng theo tôi bản thân các hộ kinh doanh vẫn phải có trách nhiệm tuân thủ đúng pháp luật, hộ kinh doanh thực phẩm vẫn cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Và nếu hộ kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật thì chẳng sợ cơ quan nào cả!

Về phía nhà nước, luật hoá hộ kinh doanh liệu có phát sinh thêm bộ máy quản lý? Theo chúng tôi sẽ không phát sinh vì vẫn phân cấp đăng ký và quản lý xuống cấp huyện. Hệ thống đăng ký như hiện nay, thậm chí nếu liên thông hệ thống, nếu ứng dụng công nghệ thông tin tốt thì thì có thể giảm thiểu nhân lực trong bộ máy nhà nước liên quan đến công việc này.

Về ngân sách nhà nước, liệu có giảm hay không? Theo tôi nókhông giảm vì vẫn thực hiện như cũ. Nhưng nếu theo xu hướng hoạt động bài bản hơn thì thậm chí các khoản nhà nước thu có thể tăng thêm vì có thể thúc đẩy các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, thuế minh bạch hơn, giảm sự thoả thuận thuế giữa hộ và cán bộ thuế.

Về chất lượng quản trị? Cái này thì theo tôi có thể tăng vì khi luật hoá, đăng ký trong một hệ thống chính thức, các hộ được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ, đào tạo, tập huấn… có thể tạo động lực để các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn. Nhưng lưu ý, mô hình hộ kinh doanh về thực chất là mô hình cá nhân kinh doanh, sẽ không có chuyện có hàng triệu giám đốc như nhiều báo giật tít.

Về kỹ thuật lập pháp, tôi cho rằng luật hoá hộ kinh doanh trong sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này là lộ trình quy định phù hợp. Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ luật hoá những gì đã được quy định ở Nghị định 78, đã được thực thi ổn định một thời gian dài. Nếu có chế định nào mới bổ sung thêm ngoài nội dung đã quy định tại Nghị định 78 thì cần rà soát, cân nhắc, đánh giá tác động kỹ.

Vì đây là một đạo luật kinh doanh tổng thể ở Việt Nam như trên phân tích, Luật Doanh nghiệp sẽ ghi nhận một hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh, quy định một khung khổ pháp lý phù hợp và sau đó giao cho Chính phủ hướng dẫn tại một Nghị định về hộ kinh doanh riêng, không phải một phần trong Nghị định về đăng ký doanh nghiệp như hiện nay. Sau này, khi điều kiện và thực tiễn chín muồi, Quốc hội hoàn toàn có thể sẽ ban hành một đạo luật riêng về hộ kinh doanh.

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây