Mới đây tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân mới đây thừa nhận việc tuyển, nâng ngạch cán bộ viên chức cần quá nhiều chứng chỉ là không phù hợp.
Bộ Nội vụ sẽ sửa những quy định lỗi thời
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề cập đến việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn nhiều bất cập.
Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian thực học rất ngắn, chất lượng chứng chỉ không thực chất.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này, gây tốn kém, lãng phí.
“Xin hỏi Bộ trưởng tình trạng này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khi thi xét nâng ngạch công chức, viên chức?”, bà Phúc chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời: “Qua dư luận báo chí và phản ánh của cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng, chứng chỉ, không chỉ riêng việc thi nâng ngạch hay xét nâng ngạch công chức, viên chức”.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh: “Quy định bổ nhiệm của mình cần tới 7 bằng cấp. Tôi thấy nhiều quá. Cái này không phải Bộ Nội vụ tự đặt, mà do Ban Tổ chức TƯ từ 1993 quy định tới giờ, hai mấy năm rồi phải sửa chứ”.
Ông Tân tiếp lời: “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này, một quyết định để hơn 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với QH năm 2020, sau khi luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay. Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, xét nâng ngạch cán bộ, công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ, thủ tục nào”.
Khi xã hội làm gì cũng cần bằng cấp
Tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo, là tiêu chí quan trọng hàng đầu để tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đang là tình trạng cố hữu lâu nay trong nền công vụ.
Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm. Câu chuyện “trọng” bằng cấp đã phát sinh hàng loạt vấn đề nhức nhối cho xã hội.
Đó là tình trạng mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi… Mặt khác tình trạng loạn bằng cấp, chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển còn hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, vì đa phần họ phải vừa học vừa làm.
Chuyện cán bộ, công chức chỉ còn 1-2 năm nữa là về hưu nhưng thời gian đi học nhiều hơn thời gian ở cơ quan; có người khi đi học để chuẩn hóa bằng cấp lại học với “thầy” là học sinh cũ của mình; có người hành nghề phóng viên được tận 20-30 năm, giành hàng chục giải thưởng báo chí từ cấp Quốc gia đến địa phương, sắp về hưu vẫn phải đi học chuẩn hóa lớp phóng viên hạng 3 (hạng cơ bản nhất để được công nhận là phóng viên)… không còn là chuyện hiếm trong các lớp học về chính trị, quản lý hành chính, phóng viên hạng 2, phóng viên hạng 3 và cả chục lớp học khác để chuẩn hóa hồ sơ cán bộ.
Nhưng không ít người lại có quan niệm một bằng đại học chưa đủ, mà phải có vài ba bằng đại học, phải học trên đại học mới có cơ hội tiến thân. Ngoài ra phải nói đến thói háo danh, kiêu ngạo về bằng cấp như người xưa tổng kết “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”! Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều người là thợ giỏi, là chuyên gia trên một lĩnh vực nào đó, nhưng chưa có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng, đóng góp cho xã hội.
Có học có hơn là điều ai cũng biết nhưng ngày nay, để “có học có hơn” thì phải trả lời câu hỏi học như thế nào, học để làm gì, tri thức tiếp thu được có tương ứng với bằng cấp hay không. Còn học nghề này lại làm nghề khác, học không biết hành, học chỉ cốt làm “đẹp” hồ sơ xin việc,… lại là lãng phí rất lớn với xã hội cũng như với mỗi gia đình. Cách thức đi học, mục đích đi học của người làm việc trong các cơ quan, đoàn thể, xét đến cùng là xuất phát từ việc sử dụng cán bộ, công chức của cơ quan, công sở.
Những tấm bằng đẹp đẽ là “giấy thông hành” để họ được đặc cách, hưởng các chế độ ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, trong các kỳ thi nâng ngạch, các kỳ thi đòi hỏi tiêu chí về bằng cấp hay được ưu tiên trong bổ nhiệm, luân chuyển từ vị trí thấp hơn đến vị trí cao hơn.
Cũng vì thế, nhiều người đã không ngại dối trá trong việc dùng bằng, chứng chỉ giả để đầy đủ hồ sơ, để được bổ nhiệm, nâng ngạch. Thực tế trong thời gian qua, hàng loạt các địa phương như Hà Tĩnh, Đắk Nông, Đắk Lắk… đã phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến, gây bức xúc dư luận. Mới đây là việc một nữ Trưởng phòng ở Đắc Lắk, chưa tốt nghiệp cấp 3, nhưng sử dụng bằng giả để thăng tiến lên đến cấp Trưởng phòng. Sự việc sẽ vẫn êm đềm như 20 năm qua, nếu không có người phát hiện, tố cáo.
Ðiều người dân mong mỏi ở cán bộ, công chức trước hết không phải là bằng cấp mà là sự sáng suốt, quyết đoán, tận tâm với công việc, thông thạo nghiệp vụ, “dĩ công vi thượng”, thật sự vì dân. Với các nhà chuyên môn, như nghề y chẳng hạn, uy tín của thầy thuốc trước hết phụ thuộc vào khả năng chẩn đoán và điều trị, không nhất thiết là thạc sĩ hay tiến sĩ.
Nhiều cơ quan tạo điều kiện cho cán bộ đi học mà không đặt ra yêu cầu sử dụng chuyên môn thế nào sau khi tốt nghiệp, cách làm này gây lãng phí rất nhiều nguồn lực. Nhấn mạnh bằng cấp tại các cơ quan và đơn vị hoạt động có tính chuyên sâu, tại các nhà trường và cơ sở nghiên cứu khoa học, tại cơ quan quản lý ở T.Ư,… thì còn có lý, song cơ quan hành chính thuần túy, thậm chí đoàn thể chính trị – xã hội cũng ưu tiên đề bạt người có bằng cấp cao hơn (khi trong thực tế công việc, họ chưa thể hiện được năng lực chuyên môn của bằng cấp họ đã có) thì cũng là một nguyên nhân đẩy tới nhu cầu “đi học”.
Dân chủ hóa, công khai hóa việc tuyển dụng, sử dụng và đề bạt cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, các doanh nghiệp Nhà nước, cần lấy chất lượng công việc, kết quả làm việc, uy tín trước tập thể,… làm các tiêu chí cơ bản đầu tiên; từ đó vừa khuyến khích cá nhân có năng lực phù hợp với bằng cấp, vừa tạo cơ hội để các thành viên có tay nghề cao phát huy khả năng của họ và được đãi ngộ tương xứng.
Dù thế nào thì sản phẩm của giáo dục – đào tạo phải là con người có kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của từng ngành nghề, từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI) cần nhấn mạnh đổi mới tư duy quản lý, nhận thức về giáo dục cần đặt trong bối cảnh mới của đất nước, từ đó đổi mới cách thức đào tạo, tuyển dụng và sử dụng, để hình thành nên các thế hệ người Việt Nam có năng lực chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn: Cánh cò