Đặt tên đường “ông Tổ” chữ Quốc ngữ: Công lao chỉ là một yếu tố

Đặt tên đường “ông Tổ” chữ Quốc ngữ: Công lao chỉ là một yếu tố

Nhà giáo Chu Mộng Long của Đại học Quy Nhơn, Bình Định trong 1 bài luận khá dài đã chỉ ra những chuyện như chưa có bằng cớ nào xác đáng, khoa học, đầy đủ khẳng định hai vị Giáo sỹ truyền giáo hay gián điệp cho thực dân cướp nước ta, cho rằng đó chỉ là “định kiến chính trị đã sinh ra một thứ nhãn quan phản văn hóa không nên có ở nhà khoa học”: “Nếu cho việc truyền bá chữ quốc ngữ với mục tiêu xâm lược hay nô dịch mà phủ nhận sạch trơn thì có lẽ cả ngàn năm trước cha ông ta đã từ chối chữ Hán chứ không để cho đến nay nó đã Hán hóa ngôn ngữ Việt đến hơn 70%. Và cho rằng chữ Latin đã làm ta nô dịch Tây (thực chất chỉ mượn ký tự để ghi tiếng nói của dân tộc chứ không phải như chữ Hán trước đó) thì cha ông ta đầu thế kỷ 20 đã tẩy chay hay vứt cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes vào sọt rác chứ không thể có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ rầm rộ và ca khúc khải hoàn bởi chiến thắng của nền văn hóa mới!

Nếu vẫn giữ cái đầu định kiến chính trị như ta, có lẽ phương Tây, và cho đến nay gần như toàn cầu, cũng không dùng bảng chữ cái Latin. Bởi vì sự ứng dụng rộng rãi chữ Latin gắn liền với sự bành trướng của đế chế La Mã và việc truyền giáo của Giáo hội Rome. Nếu muốn luận tội thì đế chế La Mã và Giáo hội Rome thời trung cổ tội ác chất chồng, luận ba ngàn trang sách cũng không hết. Nhưng việc nào ra việc nấy, người Âu – Mỹ vẫn tôn trọng và biết ơn cả một nền văn hóa mà đế chế La Mã và Giáo hội Rome đã hình thành như một nền tảng thứ hai sau thời cổ đại Hy Lạp.

Sẽ thật thú vị khi nghiên cứu sâu về nguồn gốc chữ viết của nhân loại. Một điều dễ hiểu là gần như chữ viết ra đời gắn liền với hoạt động tôn giáo. Tôn giáo là hoạt động văn hóa đầu tiên của nhân loại. Nhu cầu truyền bá tôn giáo đòi hỏi phải có chữ viết để ghi chép chính xác những bộ kinh được cho là thánh truyền. Tất cả các loại chữ, kể cả chữ Hán, đều ra đời từ chép kinh. Mục tiêu này được phát triển rộng ra thành hoạt động giáo dục và diễn giải triết học, khoa học.

Nói Alexandre de Rhodes chỉ thực hiện mục tiêu xâm lăng hay truyền giáo nên phủ nhận công lao truyền bá chữ viết mới cho người Việt thì chỉ có thể là cách nói của trẻ trâu vô văn hóa, trong khi 12 người ký tên kia lại là những “sử gia” hay người giảng dạy chính trị.

Nên nhớ, chính cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã kéo theo một kết quả nằm ngoài mục tiêu thực dân. Cùng với những nhà tư sản, nhà buôn đi tìm kiếm thị trường ở thế giới mới là các nhà truyền giáo, các nhà khoa học đã khai hóa thật sự cho dân tộc các nước thuộc địa. Trong khi nhà tư sản, nhà buôn dựa vào chính quyền để khai thác thuộc địa bằng vơ vét tài nguyên vật chất, kể cả kỳ thị chủng tộc, thì chính các nhà truyền giáo, nhà khoa học tiến bộ đã mang đến cho người bản xứ những giá trị tinh thần mới: tín ngưỡng mới, khoa học tự nhiên, y học, kể cả tư tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng. Hàng ngàn công trình khoa học, nhân chủng học, cấu trúc luận… với tư tưởng chống thực dân, chống kỳ thị chủng tộc ra đời ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân. Nhiều nhà truyền giáo, nhà khoa học đã lăn lộn, đối mặt với gian khổ và hiểm nguy ở các nước thuộc địa, ở vùng thổ dân hoang dã mới có những công trình vĩ đại đó. Cái di sản khổng lồ ấy đã góp phần san phẳng hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc. Trong khi các dân tộc trên thế giới dù đấu tranh giành độc lập nhưng đều biết ơn những di sản đó, lẽ nào trừ người Việt?”.

Rồi lấy chuyện cha ông ta xưa công nhận công lao của Triệu Đà, Sỹ Nhiếp ra để so sánh: “Chính trị gieo rắc định kiến và hố sâu thù địch vì tính lợi ích của nhóm cầm quyền. Nhưng văn hóa thì khác. Với những giá trị tinh thần, văn hóa đi tìm tiếng nói chung và hóa giải quan hệ thù địch. Một nền chính trị tốt phải dựa vào nền tảng văn hóa chung, nếu chỉ nhìn kẻ khác bằng con mắt thù địch thì muôn đời chẳng sống được với ai. Độc lập theo cách tự cô lập thì chỉ có thể là một dân tộc bệnh hoạn trước khi tự sát.

Không ngẫu nhiên mà các bộ sử cổ đều ghi công Triệu Đà về việc tạo ra thuần phong mỹ tục Việt, ghi công Sĩ Nhiếp về chữ viết và nền văn hóa Hán học. Không hiểu sao, đến thời cộng sản, các sử gia lại gạt phăng tất cả ra ngoài. Nay lại nuôi máu thù địch luôn với mấy ông Tây truyền bá chữ quốc ngữ để chứng tỏ mình có lập trường độc lập”.

Đặt tên đường

Chưa hết cũng có kẻ sử dụng chuyện này để đá xéo cả chế độ, lẫn nhà nước tới những chuyện hệ trọng khác được quan tâm lâu nay: “Có 2 nhóm trí thức 01 nhóm đến từ đại học dân lập Duy Tân , 01 nhóm đến từ đại học Huế – Trí thức XHCN. Đại diện cho 2 trường phái khác nhau, Phản đối – Ủng hộ. Nhưng trên thiên đường điều ông ấy mong muốn chắc có lẽ không phải việc đặt tên này ! Cha ông ta có câu: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”. Đạo lý ngàn đời của người Việt chúng ta, cớ sao các vị vong ơn bội nghĩa vậy. Chắc có lẽ các vi muốn đất nước này quay trở lại dùng chữ Hán sao ?”.

Xung quanh chuyện này, xét trên bình diện chung, Mõ xin có đôi điều như sau:

Không ai phủ nhận hai Giáo sỹ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes là những người đầu tiên, có công hệ thống, ký tự La Tinh phiên âm, tạo ra chữ viết cho người Việt ta (chữ Quốc ngữ). Họ có công đầu và đó chính là nền tảng để người Việt chúng ta đến gần hơn với thế giới văn minh, bước ra và hòa nhập cùng thế giới tiên tiến.

Đó cũng là thứ phù hợp cho chúng ta và làm nên bản sắc riêng cho chúng ta: Tiếng Việt

Và đúng là lịch sử luôn có những góc khuất, những điểm chưa thực sự sáng rõ. Nhưng cái chúng ta có thể định hình được, bản thân những Giáo sỹ Dòng tên này không làm cái điều họ đã làm nói trên vì dân tộc VN một cách trong sáng, nhân văn và nhân bản. Họ là những nhà truyền giáo, những người mang sứ mệnh mở mang nước chúa cho Thiên chúa toàn năng và họ làm cái việc đó chẳng qua để cho sứ vụ trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn mà thôi.

Đó là về vấn đề động cơ.

Còn về bình diện làm nên sự phổ biến, nghĩa là để chữ Quốc ngữ đến gần hơn với người Việt và trở nên phổ thông, thực dụng thì họ thực sự chưa làm được.

Nhiều người đã rất đúng khi nói đến vai trò của chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào “Bình dân học vụ” được tổ chức sau năm 1946, khi đã giành chính quyền. Đấy mới thực sự là động lực và làm cho chữ Quốc ngữ có được cái vị trí như hôm nay.

Chúng ta không nặng nề tính động cơ, mục đích được chỉ ra, cũng không lấy đó làm định kiến để từ chối họ nhưng với cái bản lề và những điều được chỉ ra thì xét ở khía cạnh nào đó thì với công lao đã có, họ (hai giáo sỹ Dòng Tên trên) chưa xứng đáng được đặt tên cho một tuyến đường bất cứ tại địa phương nào chứ không riêng gì Đà Nẵng.

Đó là chưa nói, nếu để vinh danh những người sáng tạo, phát huy chữ Quốc ngữ thì nhiều sỹ phu yêu nước, nhà cách mạng xứng đáng hơn mấy vị Giáo sỹ dòng tên này bởi ở VN ta có một quy luật bất thành văn là “công nuôi, dường dục hơn công đẻ ra.

Cho nên, nếu có sự phản đối cũng là chẳng qua vì họ nghĩ công lao của những giáo sỹ Dòng tên chưa thực sự xứng đáng, còn nhiều người khác xứng đáng được vinh danh, đặt tên đường hơn.

Cũng nói thêm, vấn đề đặt tên đường là chuyện hệ trọng. Sự hiện diện của nó không chỉ cần tuyệt đại đa số những người dân đồng thuận mà cần những chỉ số suýt soát 100%. Trong khi 12 vị phản đối ở trên đại diện cho tầng lớp trí thức, những người hiểu lí lẽ, có những luận chứng khoa học và hiểu hơn cả quy định về việc đặt tên đường. Vì lẽ đó không phải ngẫu nhiên giới chức, giới chuyên môn tại Đà Nẵng lại lắng nghe và có văn bản trả lời từ chối lời đề nghị 1 nhóm nhà khoa học, giảng viên trường đại học Duy Tân Đà Nẵng.

Tới khi nào, không còn những sự lên tiếng “cần quan tâm” như thế này thì lúc đó, Giới chức nhà nước với tư cách là nhà quản lý, đồng thời cũng là trọng tài trong việc này sẽ lưu tâm, đưa ra xem xét chính thức, công khai việc đặt tên đường cho 2 Giáo sỹ Dòng tên này.

Nguồn: Mõ làng

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *