Văn học – nghệ thuật là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Những biểu hiện của âm mưu này ra sao, cần có lý giải như thế nào là những câu hỏi bức thiết cần được giải đáp.
Văn học – nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học – nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học – nghệ thuật theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, văn học – nghệ thuật của nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả chân thật, sinh động sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; đồng thời, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển con người, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có một thực tế là tác động của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật đã thể hiện ngày càng rõ hơn, tinh vi hơn, cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong quá trình sáng tạo, quản lý, truyền bá lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật. Chúng xác định đây là “mũi đột phá”, “thọc sâu”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số hoạt động văn học – nghệ thuật, một số tác phẩm xa rời những vấn đề lớn của đời sống đất nước, lảng tránh những vấn đề đang đặt ra trong sự phát triển; đi vào những cái tầm thường, coi đó là mục tiêu của sáng tạo văn học – nghệ thuật. Nghiêm trọng hơn là trong giới văn nghệ sĩ đã có người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm có dụng ý chính trị rõ rệt phủ định con đường và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội, cổ súy quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Họ sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn học – nghệ thuật lệch lạc, bóp méo, bôi đen lịch sử hoặc dùng những hình tượng mang tính ẩn dụ đen tối nhằm giễu nhại con đường cách mạng của dân tộc mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Mặc dù một số văn nghệ sĩ kể cả ở trong nước và hải ngoại luôn rêu rao quan điểm “Văn học – nghệ thuật chân chính phải độc lập với chính trị”, nhưng họ lại luôn sử dụng văn học – nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Thực chất, họ đã dùng những thủ pháp nghệ thuật để vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn các giá trị văn hóa dân tộc, các thành tựu cách mạng cả trong quá khứ và hiện tại.
Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm văn học – nghệ thuật theo đó cũng đồng hành cùng công cuộc trường chinh của dân tộc, khích lệ, cổ vũ tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Thế nhưng, các thế lực thù địch – những kẻ cơ hội chính trị vẫn lừa phỉnh độc giả, cố tình bóp méo sự thật. Với luận điệu Nổi loạn là bản chất của sự sáng tạo,… những tác giả có ý đồ cố tình công bố những tác phẩm xếp vào hàng “đổi mới”, nhưng kỳ thực không có tư tưởng gì mới, mà chỉ bộc lộ những bất mãn, chống đối, xuyên tạc và vô hình làm cho các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tung hô, cổ súy. Họ đang mưu toan dấy lên một cuộc gọi là “chấn hưng văn hóa dân tộc” bằng việc phủ nhận, cố tình lãng quên thành tựu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Những tác phẩm họ đã công bố là thứ văn chương mưu đồ chính trị rõ rệt. Trong khi luôn kêu gào phải “cởi trói” cho văn nghệ sĩ và văn học phải độc lập với chính trị, một số nhà văn, nhà thơ còn có tư tưởng (và ôm mộng) nguyền rủa, chửi bới văn học cách mạng. Hùa theo khuynh hướng này là một số nhà phê bình văn học đã dùng mọi thủ pháp học thuật để tìm cách lăng xê tác giả – tác phẩm, coi đó là những tác phẩm văn học đích thực, là sáng tạo, là đổi mới, v.v. Một điều dễ nhận thấy là, nội dung chính của những tác phẩm dạng này có tư tưởng khôi phục, giải oan, đề cao các nhân vật lịch sử đã từng có tội với dân tộc. Tiêu biểu, như: xét lại hoàn cảnh trốn chạy, đầu hàng giặc Nguyên Mông của gia quyến Trần Ích Tắc; tư tưởng thương dân, tránh đổ máu của Phan Thanh Giản; lòng yêu nước của Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, v.v. Thiết nghĩ, những trang viết về các nhân vật kể trên nhằm giải thích cho sự phản bội đầu hàng, sự hèn nhát với giặc để đánh tráo công – tội là luận điệu rất xảo trá và nhuốm màu đen tối, đi ngược hoàn toàn với thực tiễn lịch sử văn học cách mạng.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường kích động xu thế “giải thiêng” trong văn học. Về bản chất, xét mặt tích cực, đây là một trong những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận và phương thức tự sự lịch sử đương đại. Tuy nhiên, một số cây bút có tư tưởng phản động đã cố tình “cài cắm” luận điệu tự do trong sáng tác và coi đó là “bản lĩnh” của các nhà văn. Thậm chí họ còn cả gan phát tán những tài liệu, công trình nghiên cứu, trích dẫn và bình luận với dụng ý xấu các cuốn sách, tư liệu khiến cho hình tượng mất đi tính huyền thoại, sự tôn nghiêm, làm giảm đi giá trị lịch sử của thần tượng. Đáng chú ý là, xuất hiện một số tác giả cổ súy cho xu hướng này và khẳng định như là một sự “cách tân” trong văn học. Đó thực sự là một mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch trên mặt trận mềm, đáng tiếc là một số cây bút chủ quan, mất cảnh giác vội vã ủng hộ sự hạ bệ, giải thiêng đầy ắp động cơ chính trị. Họ không nhận ra rằng, điều đó đã góp phần làm xói mòn giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp, đánh mất lòng tự tôn, tự hào dân tộc, coi nhẹ giá trị nhân văn cốt lõi của sáng tạo văn học nghệ thuật. Biểu hiện thường thấy là một số tác giả hải ngoại đã phát tán nhiều tài liệu, bình luận với dụng ý hạ thấp, bôi nhọ danh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố tình trích dẫn và bình luận dụng ý xấu các cuốn sách, tư liệu đã hội thảo về Bác Hồ, các chí sĩ yêu nước, anh hùng dân tộc. Một số tác giả công bố những bài phân tích ca ngợi một chiều các nhân vật cơ hội chính trị, tư tưởng dao động bằng nhiều chi tiết không có thật, ca ngợi một chiều, lẩn tránh cái nhìn toàn diện, biện chứng và dẫn đến sự cố tình không trung thực trong học thuật. Do vậy, hơn lúc nào hết, người đọc hiện nay cần có cái nhìn khách quan, trung thực, biết gạn đục, khơi trong để không mất thì giờ với những câu chuyện bịa đặt.
Một biểu hiện nguy hiểm khác đó là, để đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu của các thế lực thù địch là nhất thiết phải thực hiện “dân chủ” trong đời sống xã hội; tăng cường kích động văn nghệ sĩ phát tán những công trình nghiên cứu, lôi kéo một bộ phận văn nghệ sĩ ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ giá trị văn hóa tư sản. Bằng sự ảnh hưởng của tên tuổi các nhà văn, nhà thơ lớn, họ có thể dễ dàng đưa ra những lập luận, quan điểm và hướng dư luận đi theo mình. Trước những vấn đề nhạy cảm chính trị, những văn nghệ sĩ có tư tưởng ngả nghiêng thực sự là mối nguy hại khó lường. Biểu hiện thường thấy đó là các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề bức xúc của xã hội, làm nóng lên những vấn đề là hiện tượng như khiếu kiện đất đai, công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta, tình hình Biển Đông,… nhằm thổi phồng những nguy cơ, mặt trái của đời sống xã hội để tăng cường chống phá. Có tác phẩm đòi lật án, xét lại như vấn đề cải cách ruộng đất trước đây. Còn có những quan điểm nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc chống kẻ thù xâm lược với những cuộc nội chiến phi nghĩa, hao xương tổn máu mà các thế lực phản động quy kết, xuyên tạc chân lý, giễu nhại con đường cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Một số văn nghệ sĩ chỉ chú trọng “phanh phui” mặt tiêu cực, góc tối, cái xấu của xã hội và con người với một giọng điệu đầy ác ý và vô cảm. Số lượng “tác phẩm” loại này không nhiều nhưng tác hại lại rất lớn, vì nó đánh phá vào niềm tin của con người; dẫn dụ một bộ phận cán bộ, quần chúng tự tách mình ra khỏi cuộc sống, tự coi mình là vô can để có quyền phủ định, giễu nhại, phán xét.
Trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam (tháng 7-2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: văn học – nghệ thuật trực tiếp tham gia công cuộc đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thực, cho sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống. Dũng cảm phê phán, lên án những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần thiết thực vào sự thắng lợi của sự nghiệp phát triển con người, phát triển đất nước. Đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học – nghệ thuật Việt Nam hôm nay và mai sau. Đồng thời, cũng thể hiện quan điểm và tư duy biện chứng, xuất phát từ thực tiễn của Đảng ta trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của văn học – nghệ thuật. Trong các chức năng lớn của văn học – nghệ thuật, như: chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, thì giáo dục là chức năng chủ chốt, góp phần điều chỉnh xã hội. Trong đời sống hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự băng hoại văn hóa truyền thống, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất cách mạng của một số cán bộ, đảng viên đã trở thành lực cản với sự phát triển của đất nước. Sự xuống cấp đó, một phần do chúng ta chưa coi trọng phát huy vai trò của văn học – nghệ thuật trong việc phát triển văn hóa, con người. Hơn nữa, tác động tinh vi của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật trong thời kỳ mới vừa là vấn đề của chính trị, vừa là vấn đề của khoa học. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, tinh tế và nhạy cảm. Vì thế, bảo vệ vững chắc, chủ động, kiên định và linh hoạt lĩnh vực này là góp phần trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo, cũng cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, giá trị của những tác phẩm văn học – nghệ thuật chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai các văn nghệ sĩ, đưa nền văn học – nghệ thuật ngày càng tiến bộ, luôn là một phần tinh túy của văn hóa, là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển đất nước.
PHẠM VĂN ĐẢNG (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ