Dòng tin trên, mau chóng được like, chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội, khiến nhiều người đang có nhu cầu tới EU đứng ngồi lo lắng, đi cùng với đó là không ít những lời lẽ cay độc, những trách cứ 39 người Việt đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách, lạnh lẽo và cô quạnh. Trước búa rìu dư luận, miệng lưỡi thế gian, họ đã không còn cơ hội để mở lời…
Nhưng sự dối trá nào dẫu cho có được che đậy đẹp đẽ cỡ nào cũng bị phơi trần. Ngay trong chiều qua (26/11), Đại sứ quán Pháp tại VN và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM ra thông báo khẳng định không có thay đổi gì về thủ tục cấp thị thực Schengen cho công dân Việt Nam như tin đồn trên mạng. Trên website của các cơ quan lãnh sự của các nước EU tại Việt Nam như Đức, Pháp, v.v, không ghi nhận được bất kỳ thông báo nào về sự thay đổi chính sách cấp visa. Như vậy, có thể khẳng định hai điều: (i) Không có sự thay đổi nào về chính sách cấp visa Chengen nào cho người Việt Nam; và (ii) Thông tin vụ 39 người chết ở Anh khiến các quốc gia thay đổi chính sách cấp visa Shengen với người Việt Nam là không chính xác.
Lúc này đây, những kẻ đã tung tin ‘gắp lửa bỏ tay 39 nạn nhân’ bất luận vì lý do gì, có lẽ cũng nên sám hối. Phải chăng, tâm hồn của họ quá nghèo nàn, nghèo nàn tới mức mà họ không thể hiểu được một tình cảm rất gần gũi và dễ hiểu khi thấy những đồng bào của mình quằn quại đau đớn chết trong tuyệt vọng khi trên con đường đi tìm một giải pháp cho cuộc sống khó khăn, mà còn đang tâm gây hàm oan chọ họ; xát muối thêm nỗi đau cho chính những người thân của họ.
Đồng ý, hành vi vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Lưu trú và làm việc tại một quốc gia mà không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là vi phạm pháp luật. Nhưng niềm tin của tôi là “không luật pháp nào đứng cao hơn sự trang nhã, lẽ công bằng và lòng từ ái”. Ai đó cho rằng, không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang cố gắng phạm pháp, những kẻ “tham lam”, “làm mất thể diện” đất nước mình. Tôi không chắc những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại “tham lam”, hay “làm ô danh tổ quốc” hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là nhiều người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ và không có chút tôn trọng nào với đồng loại.
Giờ thì sau hơn một tháng lạnh lẽo, cô quạnh nằm lại giữa trời Âu với giấc mộng dang dở, sáng nay 27-11, 16 thi thể người Việt đầu tiên đã được đưa về Việt Nam để bàn giao cho các gia đình. Còn 23 nạn nhân khác vẫn đang còn ở Anh hoàn tất các khâu thủ tục khác trước khi về nước. Người chết cũng đã chết rồi, đừng nên tập trung vào khuyết điểm của họ, mà thay vào đó, hãy suy nghĩ xem chúng ta – trên tư cách một xã hội, một quốc gia – có thể làm gì để giúp đỡ gia đình các nạn nhân và ngăn chặn tối đa những thảm kịch tương tự về sau. Điều đó đòi hỏi sự cân bằng giữa lý trí và sự đồng cảm, chứ không phải là sự nhẫn tâm và vô cảm.
Sau cùng, xin cầu siêu cho những người xấu số trong chuyến xe định mệnh ấy. Cầu mong các em sớm siêu thoát, và ở kiếp sau, các em sẽ không phải vất vả, cay đắng và đớn đau như thế này nữa.
Thủ tướng chia buồn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân; đồng thời yêu cầu Bộ Công an và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách phía Anh khẩn trương điều tra xử lý nghiêm những kẻ tội phạm gây ra vụ việc đau thương này.
< p align="justify>Nguồn: Cánh cò