Hôm 19/11/2019 vừa qua, Nhã Thuyên – người tai tiếng với kỳ án luận văn “gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường” (dẫn theo lời PGS. TS. Phan Trọng Thưởng) – đã viết lên facebook cá nhân những quan điểm vô cùng sai lệch về giáo dục:
Theo như lập luận của status kể trên, Nhã Thuyên cho rằng: Giáo dục là phải nói về Hong Kong, các hiệu trưởng của các trường đại học phải lên tiếng về “những người trẻ luôn ở tuyến-đầu của mọi trào lưu xã hội”, phải bênh vực và phải đồng hành cùng, bất chấp việc “họ chưa đủ trải nghiệm để hiểu về giá trị của tự do và độc lập”.
Đây là một quan điểm vô cùng nguy hiểm khi Nhã Thuyên đánh đồng vai trò của giáo dục với vai trò của biến sinh viên thành “nhà thử nghiệm các mô hình chính trị” và “sẵn sàng trả giá”. Khi yêu cầu các thầy cô giáo Việt Nam phải lên tiếng về Hong Kong, Nhã Thuyên đã có ham muốn áp đặt một mô hình giáo-dục-chính-trị của Hồng Kong lên các trường học tại Việt Nam, để có cái ngày giới trẻ VN làm được những việc như giới trẻ Hồng Kong. Tức là, Nhã Thuyên muốn mỗi người thầy lại tự chia phe và coi mình là nhà đấu tranh, và mỗi nhà đấu tranh ấy sẽ tuyên truyền cho các học sinh, nhồi vào đầu học sinh các tư tưởng chính trị khác nhau và biến học sinh thành quân cờ để đưa lên đầu chiến tuyến.
Là một người từng bị tước bằng thạc sĩ vì viết luận văn ca ngợi nhóm Mở Miệng – một nhóm những người viết nghiệp dư dùng ngòi bút để kích động phản loạn và tuyên truyền chống đối xã hội, Nhã Thuyên cho đến nay chắc vẫn rất quan tâm đến vấn đề nổi loạn này. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở Hong Kong không nên là cái cớ để Nhã Thuyên minh họa cho những uất ức của mình trước đây.
Hơn nữa, bằng việc khen ngợi các bạn trẻ Hong Kong, Nhã Thuyên dường như muốn kích động giới trẻ Việt Nam, những bạn học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đang hưởng thụ một nền giáo dục an toàn và tự do, đứng lên chống đối chính quyền. Lập luận của Nhã Thuyên hoàn toàn lờ đi sự khác nhau trong bối cảnh lịch sử – xã hội của Việt Nam và Hong Kong, cũng lờ tịt môi trường giáo dục mà các học sinh ở Việt Nam và ở Hong Kong được hưởng.
Không muốn học sinh, sinh viên được an toàn, yên ổn sống và học tập, Nhã Thuyên và những người mang danh trí thức phản biện khác lại luôn luôn nghĩ ra các chiêu trò để kích động sinh viên nổi dậy, tham gia đấu tranh vì những mỹ từ như “dân chủ, nhân quyền”. Hãy nhớ rằng, người dân Hong Kong đang khổ sở và đổ máu. Đó là điều không một người bố, người mẹ thương con nào, không một người thầy chân chính, có tâm nào lại muốn xảy ra với con cái, học trò của mình. Chỉ những người dẫn đường tồi tệ mới muốn thế hệ sau mình phải chịu đớn đau, khổ sở, đổ máu. Và chỉ những người dẫn đường vô cảm, vụ lợi mới nhẫn tâm kêu gọi và đẩy lớp trẻ lên chiến tuyến.
Ngay trước ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, Nhã Thuyên đăng status tưởng là nói chuyện Hong Kong, nhưng thật ra lại là để kể xấu chính những con người đang ngày đêm truyền bá tri thức cho lớp trẻ. Có lẽ, cô vẫn chưa hết tức giận vì luận văn của mình bị phê phán, và bản thân cô bị thu hồi bằng thạc sĩ. Những phát ngôn về giáo dục của Nhã Thuyên dường như thể hiện những uất ức của cô, và cả những ẩn ức ẩn sâu trong tâm trí của cô nữa. Thế nhưng, đối với người làm khoa học nói chung, đáng lẽ không nên có những tư thù cá nhân. Nhã Thuyên không nên vì việc luận văn của mình bị phê phán là “ngụy khoa học” mà nuôi lòng uất ức và giữ quan điểm sai lệch về giáo dục cho đến tận ngày nay.
Nguồn: Loa phường