Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đốt dầu cứu điện

Đốt dầu cứu điện

0
0

Ít nhất sẽ phải “đốt” 15.500 tỷ đồng trong năm sau để cứu điện cho phát triển kinh tế. Thủ tướng đã nhiều lần dọa ai làm mất điện sẽ phải bị “cách chức”.

Trong lần trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, một lần nữa, lại thừa nhận nguy cơ thiếu điện.

Ông nói: “Đúng là chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019 và 2020, thậm chí tới những năm 2022 nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam Bộ là rất lớn”.

Lý do quan trọng, theo ông, là hầu như tất cả các thủy điện không thể tích nước để đảm bảo phát hiện theo công suất. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn than; dự kiến 20 triệu tấn than năm 2020 và tới 35 triệu tấn than năm 2025. Đến thời điểm này, khí không còn đủ để phục vụ cho phát điện ở cả miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ông cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành phải quyết liệt có phương án để đảm bảo cân đối điện cho yêu cầu của kinh tế – xã hội cũng như đời sống của người dân năm 2019 và 2020.

Đốt dầu cứu điện

Trước mắt, cả đống tiền vẫn phải đốt để cứu điện cho phát triển. Thủ tướng đã nhiều lần dọa ai làm mất điện sẽ phải bị “cách chức”.

Đó là bức tranh chung, bao quát. Trên thực tế, tình hình thiếu điện đang diễn ra ở mức độ nào?

Theo ghi nhận từ các nguồn, mực nước tại nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ và Trung bộ thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 nên ước tính cả năm 2019 tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, giảm 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các nguồn chính khác như than, khí, năng lượng tái tạo cũng đang gặp nhiều vấn đề, thêm khó khăn cho yêu cầu cung ứng điện.

Theo quy luật, tháng 4 và 5 là bắt đầu bước vào cao điểm của hệ thống cung cấp điện. Đây là lúc các hồ thủy điện cạn kiệt, thời tiết nắng nóng gay gắt nhất ở miền Nam bởi mùa mưa chưa đến, trong khi khả năng truyền tải điện từ Bắc và Nam không thể tăng thêm. Nhu cầu dùng điện cũng tăng theo thời tiết.

Gần đây, để đối phó với tình trạng thiếu hụt từ các nguồn, ngành điện phải huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao. Lũy kế cả năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến huy động là 2,57 tỷ kWh.

Nhưng sang năm 2020, tình trạng đốt dầu dự kiến sẽ phải tăng rất cao so với năm 2019. Theo kịch bản thấp nhất, sẽ có 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu; còn theo kịch bản cao, sẽ có 12-16 tỷ kWh điện chạy dầu mới đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế.

Đứng trước thực tế phải huy động lượng dầu lớn cho phát điện, có hàng loạt câu hỏi được đặt ra “dầu đâu để chạy máy”, “nguồn tiền nào sẽ được bỏ ra để bù đắp chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán điện cho nền kinh tế”, “ai sẽ là người chịu”?

Theo tính toán, với 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu, lượng dầu cần thiết được đốt sẽ là hơn 2 triệu m3, bao gồm khoảng 65% là dầu FO. Bên cạnh đó, khi huy động lượng điện chạy dầu lớn lên tới 8,6 tỷ kWh điện, nếu tính giá điện chạy dầu dễ chịu nhất là 3.500 đồng/kWh, thì phần chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.846 đồng/kWh, tức là phải đốt ít nhất 14.000 tỷ đồng cho năm tới.

Bên cạnh đó, dùng điện mặt trời dù là xanh và được cổ vũ nhưng cũng đang đốt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm do chênh lệch giá mua (cao) và giá bán lẻ điện bình quân (thấp hơn).

Như vậy, để có điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân, ít nhất sẽ phải “đốt” 15.500 tỷ đồng.

Trong 4 năm nay gần như không có dự án điện mới nào được khởi công hay đi vào hoạt động. Nguyên Bộ trưởng Năng Lượng Thái Phụng Nê từng khẳng định, ít nhất phải mất từ 3 – 4 năm, với sự cố gắng, giám sát tiến độ một cách nghiêm túc, thì mới giải quyết được phần nào thiếu điện.

Ông khẳng định, ngành điện của Việt Nam đang phải đối diện với thực tế không có dự phòng, không có nguồn điện lớn mới và không dễ nhập khẩu điện. Thiếu điện trầm trọng sẽ xảy ra không chỉ giai đoạn 2019 – 2021 mà còn tiếp diễn trong nhiều năm sau nữa. Thậm chí, nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng và quyết liệt, chúng ta sẽ đi đến tình trạng như trước đây là cắt điện triền miên.

Trong khi đó, trả lời ở Quốc hội, ông Tuấn Anh cho rằng, về dài hạn, Việt Nam sẽ tính đến phát triển các hệ thống trung tâm năng lượng lớn sử dụng khí nhập khẩu. Ông cũng nhắc đến khả năng đưa dự án điện hạt nhân vào Tổng sơ đồ 8.

Nhưng đó là chuyện dài hơi. Còn trước mắt, cả đống tiền vẫn phải đốt để cứu điện cho phát triển. Thủ tướng đã nhiều lần dọa ai làm mất điện sẽ phải bị “cách chức”.

Tư Giang

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây