Ngày 19/11/2019, trang tin điện tử của RFA (Đài Á Châu Tự Do) có bài viết đưa tin về việc Hà Văn Thành (người được xem là trợ thủ đắc lực của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An trong việc tổ chức các hoạt động chống phá chính quyền) “bị đánh trong trại giam” sau khi bị Hoa Kỳ trục xuất về Việt Nam.
Nguồn tin của RFA không ai khác chính là linh mục Nguyễn Đình Thục và Hồ Thị Thắm (vợ của Hà Văn Thành). Theo đó, trong cuộc nói chuyện với RFA hôm 19/11, Thắm cho biết có một người gọi cho mình và tự giới thiệu là người bị giam cùng Hà Văn Thành và nói rằng Thành “gầy lắm”, “mặt và tay bị bầm dập”.
Cứ cho rằng những gì RFA tường thuật lại theo lời kể của Hồ Thị Thắm và những gì mà người gọi điện cho Thắm nói là sự thật thì cũng chưa đủ cơ sở để RFA khẳng định Thành bị Công an Việt Nam đánh trong trại giam. Việc Thành “gầy” và “mặt và tay bị bầm dập” có thể là do những vất vả trong suốt thời gian hơn một năm ở các trại giam di trú tại Hoa Kỳ và cuộc tuyệt thực ngay trước khi bị trục xuất về Việt Nam, hay thậm chí là do bị Cảnh sát Hoa Kỳ đánh?!
Hơn nữa, theo Thông tư số 07/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an Việt Nam quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân
“Điều 13. Quy định về việc phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân
1. Các cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại bàn (cố định) và tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ.
2. Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 47 Luật Thi hành án hình sự. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy của cơ sở giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập thì tăng thêm mỗi tháng 01 lần liên lạc điện thoại với thân nhân. Phạm nhân là người dưới 18 (mười tám) tuổi được liên lạc với thân nhân qua điện thoại theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự. Khi liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký; sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số và là người nước ngoài không biết tiếng Việt. Trường hợp khi phạm nhân có đề nghị cần phải trao đổi với thân nhân để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì được liên lạc với thân nhân theo các nội dung đã đăng ký.
3. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy của cơ sở giam giữ bị giam riêng; phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể hạn chế việc liên lạc điện thoại với thân nhân nhưng không quá 3 (ba) tháng.
4. Phạm nhân đang có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác đang được xem xét, xử lý, thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.
5. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí buồng gọi điện thoại có thiết bị giám sát và cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi của phạm nhân với thân nhân khi liên lạc điện thoại. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì phải dừng cuộc gọi, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản, đề xuất xử lý kỷ luật.
6. Cán bộ giám sát phải có sổ theo dõi, cập nhật thông tin về việc tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân.”
thì chẳng có cớ gì mà Công an Việt Nam lại để cho người bị giam cùng Hà Văn Thành gọi điện cho vợ của Thành để trao đổi về tình trạng của Thành thay vì gọi cho thân nhân của người đó.
Mặc dù còn khá nhiều những nội dung mâu thuẫn, phi lý trong nội dung bài viết của RFA, từ việc Công an làm việc, đe dọa Thắm không được đưa thông tin về việc Hà Văn Thành bị bắt lên mạng và cung cấp thông tin, tài liệu cho Nguyễn Đình Thục nhưng Thắm vẫn đưa thông tin lên mạng và vẫn liên lạc với Thục, không quan tâm, lo nghĩ gì cho số phận của người “đầu gối tay ấp” với mình. Hay việc Thục cho biết khi Thành tham gia đấu tranh chống Formosa, nhà Thành luôn bị Công an canh giữ, kiểm soát nhưng Thành trốn đi đâu, khi nào thì Công an không hề hay biết còn Thục thì biết rõ Thành đi đường dây nào, liên hệ với ai…
Tuy nhiên, chỉ riêng sự mâu thuẫn giữa tường thuật của RFA theo lời kể của Hồ Thị Thắm và Nguyễn Đình Thục với quy định tại Điều 13 Thông tư số 07/2018/TT-BCA cũng đủ để cho thấy giữa RFA, vợ của Hà Văn Thành và Nguyễn Đình Thục chắc chắn ít nhất phải có một kẻ nói dối! Và cũng có thể cả 03 đều là những kẻ “cùng hội cùng thuyền”, chuyên “ăn không nói có”, “đổi trắng thay đen”!
@Lê Dân
Nguồn: Trà đá Blog