Trang chủ Cánh cò Được tự nguyện từ chức, cấp quận không cần có HĐND phường

Được tự nguyện từ chức, cấp quận không cần có HĐND phường

0
0
Đó là những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo luật trên vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (22-11) với đa số phiếu tán thành.
Lần cuối cùng trong tư cách chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (trước khi được miễn nhiệm), ông Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, khẳng định chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền triệt để hơn.
Theo đó, bộ trưởng có quyền thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Được tự nguyện từ chức, cấp quận không cần có HĐND phường
Sau khi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định sẽ được Quốc hội miễn nhiệm – Ảnh: Quochoi.vn

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại điều 30 (đối với cán bộ) và điều 54 (đối với công chức).
Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.
Do đó, luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một điểm mới rất đáng chú ý của luật này là đã làm rõ mô hình chính quyền đô thị 2 cấp (tương tự đề án thí điểm của Hà Nội).
Ông Định giải thích tại thời điểm Hiến pháp 2013 được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Vì vậy, để dự liệu trước và tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định với 2 điều khoản khác nhau về “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”.
Cụ thể, “chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, còn “cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”.
“Hiện nay nhu cầu cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo đang trở nên bức thiết” – ông Định cho biết.
Đồng thời khẳng định việc Bộ Chính trị phê duyệt đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình và việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội tại kỳ họp thứ 8 này cũng cho thấy nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương là thực sự cần thiết và có cơ sở chính trị – pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Từ các lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có HĐND quận, phường và UBND quận, phường.
LÊ KIÊN/Tuổi Trẻ

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây