Trang chủ Cánh cò Vụ Nhật Cường – quyết tâm ngăn chặn nhóm lợi ích, sân...

Vụ Nhật Cường – quyết tâm ngăn chặn nhóm lợi ích, sân sau

240
0
Nhóm lợi ích đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước và xã hội. Kiểm soát, ngăn chặn ‘nhóm lợi ích’ trở thành nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp vì liên quan đến những người có chức, có quyền, có tiền. Do vậy, cần có quan điểm, phương châm đúng đắn nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng nhóm lợi ích và định hướng đúng đắn của Đảng
1. Ngày 18/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay; thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc.

Vụ Nhật Cường – quyết tâm ngăn chặn nhóm lợi ích, sân sau
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp sáng 18.11

Phát biểu kết luận Cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh:
Từ sau Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; quan tâm phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật; đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 07 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Nhất là đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “Buôn bán
hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đạt được những kết quả nêu trên là do Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng đã có quyết tâm lớn, đồng thuận cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có cách làm khoa học, bài bản, nề nếp. Từ thực tiễn chỉ đạo xử lý các vụ án lớn rút ra nhiều kinh nghiệm quý và tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTN với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
2. Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai tích cực, khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất Bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Từ vụ Nhật Cường – ngăn chặn nhóm lợi ích là nhiệm vụ cấp bách
Đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không? Hay là doanh nghiệp này tham gia đầu tư vào lĩnh vực hành chính công rồi đụng đến lợi ích của ai đó để khiến người ta dằn mặt nhau? Đại biểu Quốc hội còn chưa biết được thì làm sao dân biết?
Mối đe doạ lớn nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không phải là DNNN, hay FDI mà chính là các ‘doanh nghiệp sân sau’ đang móc ngoặc, thông đồng với các quan chức để trục lợi trên nền tảng của công.
Dư luận vẫn đặt câu hỏi rằng đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không?
Những thông tin ban đầu sau vụ nhiều cơ sở của công ty Nhật Cường ở Hà Nội bị Bộ Công an khám xét hồi tuần qua không khỏi làm nhiều người băn khoăn về doanh nghiệp này. Vì sao một Nhật Cường mới có 3 năm tồn tại lại vượt lên hầu hết các doanh nghiệp khác, có nhiều kinh nghiệm hơn, có thực lực hơn trong cùng lĩnh vực để được chỉ định, hay trúng thầu hàng loạt các dự án công ở Thủ đô?
Mà đó toàn là các dự án rất lớn, dùng ngân sách như dự án cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, sổ liên lạc điện tử PINO… nằm trong chương trình đưa Hà Nội thành ‘Thành phố thông minh năm 2020’.
Ở Việt Nam, điều đau xót là quan hệ giữa các nhóm lợi ích với các doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau đã trở thành vấn đề trầm trọng trong nền kinh tế, vị chuyên gia nhận xét.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng – tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.
Cách đây đúng 1 năm, ngày 20/11, khi thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho hay, quy định “người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn…” là để điều chỉnh đối với các doanh nghiệp “sân sau”.
Điều Luật này cũng nêu rõ, các lãnh đạo không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước sáng 21/11: “Có những người không chỉ một mà có tới 14, 15 sân sau”.
Đây là một thực tế mà người đứng đầu Chính phủ biết và nhiều người dân cũng biết. Những cụm từ “chống lưng”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”… không cần đến định nghĩa chính thức nào, chỉ cần nói ra thì ai cũng hiểu. Ở nhiều địa phương, khi phóng viên nhắc tên doanh nghiệp là người dân nói ngay “của ông nọ, bà kia”.
Nhắc lại câu “Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ”, ông Thịnh cho biết nó đã trở thành câu cửa miệng, trong đó có thể thấy rõ 2 vấn đề: quan hệ ở đây là quan hệ thân hữu để có được các lợi ích, dự án. Tiền tệ nghĩa là phải hối lộ, tham nhũng, dùng chi phí gầm bàn.
Đây là một bài toán không dễ vì đã liên quan đến doanh nghiệp thân hữu nghĩa là phải liên quan đến những nhóm lợi ích có quyền lực trong việc đề ra chính sách, lãnh đạo nền kinh tế và trong xã hội. Họ có thể thay đổi cả đường hướng của chính sách và các biện pháp cụ thể để tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng này còn liên quan đến những doanh nghiệp có thế mạnh về mặt quyền lực, tiền tệ, có quyền phân phát, bán lẻ các dự án cho các đơn vị khác.
Đấu tranh kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Để hội nhập được, phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam dứt khoát phải xử lý tình trạng doanh nghiệp thân hữu, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trong môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng.
Muốn vậy, phải có sự vào cuộc kiên quyết của người đứng đầu, đặc biệt là sự cương quyết của Trung ương. Một khi có sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của Trung ương thì việc ngăn chặn nhóm lợi ích sẽ sớm thu được những kết quả khả quan, đưa những con người sai phạm ra ánh sáng, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước.

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây