Tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu HD9 của Trung Quốc đã tiến vào vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 18/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến ở trên Biển Đông.
Quan điểm của Việt Nam về các vấn đề trên biển là nhất quán và rõ ràng: các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước của LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10).
Chưa đầy 01 tháng sau khi tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 – Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ngày 16/11, Hai Yang Di Zhi Jiu Hao/Hải Dương Địa Chất 9 (HD9) đã rời Quảng Châu đi xuống biển Đông. Sáng ngày 18/11 ở cách bờ biển Phú Yên 130 HL (240km) và đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam!. Đây là tàu nghiên cứu địa chất toàn diện mới nhất của Trung Quốc, có tải trọng 5178T (87,07m × 17m), sản xuất 2017; từng có chuyến khảo sát kéo dài 258 ngày.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi vi phạm này và yêu cầu nhóm tàu của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam và không tái diễn vi phạm. Ngoài ra, nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… cũng lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc.
Nguồn: Cánh cò