Trang chủ Chính trị Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Nếu đề án là vi hiến,...

Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Nếu đề án là vi hiến, chúng tôi đã không làm tiếp”

164
0

Giải trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP. Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định “Nếu vi hiến chúng tôi đã không làm tiếp!”

Đề án thí điểm và không vi hiến

Theo Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc xây dựng đề án thí điểm này xuất phát từ nhu cầu của bản thân thành phố là một đô thị phát triển rất nhanh, mong muốn xây dựng một hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng được các yêu cầu của người dân tốt hơn. Về một số ý kiến của đại biểu (ĐB) đề nghị làm rõ đề án này, nghị quyết này có vi hiến hay không, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Nếu vi hiến chúng tôi đã không làm tiếp.

Theo ông Hải, khi xây dựng đề án này, ngay từ đầu Hà Nội đã rất quan tâm đến những nội dung này và cũng tham gia tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, nhất là các nhà quản lý. “Các ý kiến đóng góp đều cho thấy là đề án của chúng ta là đề án thí điểm và không vi hiến” – ông Hải nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Nếu đề án là vi hiến, chúng tôi đã không làm tiếp”

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội số 2700 ngày 25/10/2019 có nêu: “Nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. Tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

“Tôi xin các vị đại biểu Quốc hội lưu ý đến nội dung này… Chúng tôi đã nghiên cứu ngay từ đầu và nếu nội dung của đề án ngay từ đầu các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi đã không làm tiếp” – ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh lần thứ hai. Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm này “là nhu cầu thực sự của các địa phương không phải chỉ riêng Hà Nội”

“Các địa phương đều mong muốn thí điểm các mô hình quản lý của mình cũng theo hướng làm thế nào nó hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân tốt hơn” – ông Hải nhấn mạnh.

Theo Bí thư Hà Nội, một số ý kiến các đại biểu đã góp ý về dự thảo nghị quyết, Bộ Nội vụ sẽ có cách tiếp thu sau, nhưng cơ bản việc thực hiện thí điểm “chúng tôi thấy hết sức cần thiết và chính thí điểm mới có thể rút ra được kinh nghiệm và tìm ra được những mô hình quản lý tốt”.

“Như đại biểu Phùng Văn Hùng đã nêu, mô hình chính quyền của một số quốc gia phát triển người ta cũng sử dụng sử dụng chính quyền 3 cấp mà vẫn rất hiệu lực, hiệu quả, không phải là mất quyền dân chủ của người dân. Bởi vì người dân đã được HĐND của cấp quận là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” – ông Hoàng Trung Hải nói.

Đề nghị hoạt động theo chế độ Thủ trưởng

Trong phần giải trình của mình ngay sau đó, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, về cơ sở chính trị đã có Nghị quyết 18 Kết luận số 46 của Bộ Chính trị nêu rất rõ về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở cấp quận và thị xã của TP Hà Nội.

“Cơ sở pháp lý thì đã có Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ cũng như điểm b khoản 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật đã quy định, đó là Quốc hội được ban hành những nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có trong luật điều chỉnh hoặc khác với các luật hiện hành” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân dẫn chứng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Nếu đề án là vi hiến, chúng tôi đã không làm tiếp”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích: Việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội là tổ chức lại mô hình 2 cấp chính quyền của TP Hà Nội là chỉ còn có mô hình về chính quyền đô thị của Hà Nội và của cấp quận TP là cấp chính quyền. Còn phường hiện nay không phải là cấp chính quyền, chứ không phải là bỏ HĐND.

“Như vậy, cấp phường không phải là cấp chính quyền mà là đơn vị hành chính của phường, là đơn vị hành chính trực thuộc của cơ quan hành chính cấp trên, đó là của cấp quận và của thị xã nên chúng ta không thể dùng từ bỏ HĐND phường” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích.

Về chế độ làm việc, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, trong Kết luận 46 Bộ Chính trị đã cơ bản đồng ý theo đề án, tức là làm việc theo nguyên tắc tập thể của UBND, trong đó cơ cấu của UBND gồm Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch Uỷ ban và các thành viên Ủy ban.

Tuy nhiên, ông Tân cho biết, theo ý kiến thẩm định của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của một số đại biểu, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo lại Bộ Chính trị xem xét về chế độ làm việc của UBND phường là các chế độ thủ trưởng, bởi trong kết luận trước đây cơ bản đồng ý theo chế độ tập thể.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị lấy thời điểm là 1/6/2020 để Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản phù hợp và để đến năm 2021 thì mới tổ chức được chính quyền địa phương của những đơn vị cấp phường của thành phố.

Xuân Hưng

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây