Ngày 10/11/2019, tổ chức Operation Smile (chuyên phẫu thuật hàm ếch miễn phí cho trẻ em) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động ở Việt Nam. Ngày 03/11, họ đăng một poster cho biết diễn viên Thành Long, “Đại sứ Nụ cười” của tổ chức này, sẽ đến Việt Nam để dự sự kiện. Khoảng sáng 07/11, giới chống đối đã đồng loạt phát động một phong trào “tẩy chay Thành Long”, tẩy chay lễ kỷ niệm, với lý do Thành Long nằm trong số các diễn viên từng viết status ủng hộ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 08/11, sau khi bị nhiều người vào fanpage chửi bới, đe dọa, Operation Smile đã phải rút tên Thành Long khỏi lễ kỷ niệm, đồng thời thay poster có ảnh Thành Long bằng một poster khác.
Cùng ngày 08/11, nhiều website và fanpage, thuộc các luồng quan điểm khác nhau, đã đưa tin rằng không có bằng chứng cho thấy Thành Long từng tuyên bố ủng hộ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Chẳng hạn, BBC viết:
“Mạng xã hội và cả báo chính thống của Việt Nam đều chia sẻ thông tin Thành Long bị tẩy chay là do ông từng ủng hộ Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên trang cá nhân, nhưng không thấy có ảnh chụp màn hình hay đường dẫn tới chia sẻ nói trên của Thành Long.
Trong khi đó, trang Hongkongfp từng cho hay sau vụ Trung Quốc thua kiện Philippines trước Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông năm 2016, Thành Long bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích vì ông không lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh như các nghệ sỹ khác”.
BBC lưu ý rằng trong năm 2019, Thành Long đã nhiều lần phát biểu theo hướng ủng hộ chính quyền Trung Quốc, phản đối phong trào biểu tình, bạo động ở Hong Kong. Chẳng hạn, sau khi người biểu tình Hong Kong đốt và vứt cờ Trung Quốc xuống biển, Thành Long tham gia chiến dịch “1,4 tỷ người gác cờ” để thể hiện lòng yêu nước với tư cách là một công dân Hong Kong và Trung Quốc. Từ đó, họ ám chỉ rằng những người phản đối đã nhầm phát biểu của Thành Long về Hong Kong với phát biểu của Thành Long về chuyện Biển Đông.
Dù không rõ thông tin sai sự thật về Thành Long xuất phát từ nguồn nào, một số gương mặt ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong – như Ann Đỗ (admin fanpage “Phong trào Dù vàng Hong Kong”) và Lê Thế Thắng (admin fanpage “Báo Sạch”) – đã tham gia dư luận tẩy chay từ khá sớm, và góp phần quan trọng khiến nó lan rộng.
Cùng thời điểm, giới chống đối cũng tung một tin giả tương tự, rằng diễn viên Châu Nhuận Phát đã bị cấm đóng phim ở Trung Quốc vì “công khai không ủng hộ đường lưỡi bò”, trong khi thực ra anh này bị cấm vì ủng hộ đợt biểu tình ở Hong Kong.
Sau khi tin giả bị lật tẩy, Lê Thế Thắng chống chế rằng Thành Long vẫn ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc dù không nói ra. Lý do là Thành Long từng được bầu vào Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc , chuyên tư vấn cho chính phủ về chiến lược quảng bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài; và một trong những sản phẩm của chiến lược này là phim “Chiến dịch Biển Đỏ”, có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chống đối tiếp tục kêu gọi “tẩy chay tất cả” 110 diễn viên Trung Quốc từng ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuấn Khanh viết rằng những gì xảy ra với Operation Smile “là bài học” cho những cá nhân và tổ chức “không quan tâm đến chính trị”.
Như vậy, giới chống đối đã thành công trong việc tận dụng lòng hận thù của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhằm phát động một chiến dịch tẩy chay văn hóa có ảnh hưởng đến cộng đồng mạng Việt Nam. Dù chiến dịch này không trực tiếp hướng sự công kích đến Nhà nước, nó vẫn đáng chú ý vì đặc điểm vừa nêu, và vì quan hệ giữa nó với cuộc cách mạng đường phố ở Hong Kong; trong bối cảnh các xung đột ở cả Biển Đông lẫn Hong Kong sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, nói gì thì nói, việc Thành Long ủng hộ đường lưỡi bò là không có thật, và việc Châu Nhuận Phát phản đối đường lưỡi bò cũng là không có thật. Qua việc giới “dân chửi” kéo dài phong trào tẩy chay Thành Long sau khi tin giả đã bị bác bỏ, thay vì xin lỗi dư luận và tổ chức Operation Smile, có thể thấy họ đang theo đuổi một thứ chính trị mị dân và dối trá. Thay vì đấu tranh cho sự thật, sự công bằng và nhân tính trong xã hội, họ sẵn sàng lừa dối độc giả, đồng đội và chính bản thân mình, chỉ để duy trì một đám đông hận thù. Fanpage nói dối của Lê Thế Thắng nên đổi tên từ Báo Sạch thành Bách Xạo, và phong trào “dân chửi” không còn tư cách sử dụng những cụm từ như “thức tỉnh” hay “khai dân trí”.
Thứ hai, nếu nhìn lại toàn bộ câu chuyện, bạn sẽ thấy nó rất buồn cười. Một người Trung Quốc yêu nước phải ca ngợi những diễn viên ủng hộ đường lưỡi bò, và tẩy chay những diễn viên không ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tương tự, một người Việt Nam yêu nước phải tẩy chay những diễn viên ủng hộ đường lưỡi bò, và ca ngợi những diễn viên không ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời hô hào “thoát Trung”. Cứ làm đi, bạn chẳng bao giờ “thoát Trung” được nếu bạn suy nghĩ và hành xử giống hệt người Trung Quốc.
Thêm nữa, tẩy chay văn hóa vì lý do chính trị không làm cho người Việt Nam hay người Trung Quốc trở nên vĩ đại, nó hạ thấp cả hai dân tộc xuống mức tầm thường. Những dân tộc khinh thường và thiếu hiểu biết về nhau sẽ tiếp tục xâm phạm nhau; độc lập và hòa bình chỉ có giữa những dân tộc biết trân trọng di sản, tài năng của bản thân và người khác.
Thứ ba, như lời bà Phạm Thanh Vân (thành viên Dự án Đại Ký sự Biển Đông), Việt Nam không thể chỉ ngăn chặn các sản phẩm của Trung Quốc, mà còn phải chủ động tạo ra các sản phẩm của mình. Chừng nào Việt Nam chưa có những diễn viên và cố vấn điện ảnh ngang ngửa Thành Long, thì trong mặt trận văn hóa, Việt Nam sẽ vẫn ở thế thụ động so với Trung Quốc:
Nguồn: Loa phường