Trong tháng 10/2019, vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, khiến nước sinh hoạt của 18% dân số Hà Nội bị nhiễm bẩn, đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam. Nhân đó, từ ngày 19 đến ngày 21/10, Mai Phan Lợi và Trần Song Hào đã tung tin đồn rằng Nhà máy Nước Sông Đuống thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, để cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 29/10, Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và nhóm Báo Sạch đồng loạt tham gia hướng tuyên truyền này, khi tung tin rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Hướng tuyên truyền này nóng lên trong tuần đầu của tháng 11, khi báo chí chính thống đưa tin rằng 34% cổ phần của Công ty Sông Đuống thuộc sở hữu của một tỷ phú Thái Lan, đồng thời tài liệu chào bán cổ phần của công ty này xuất hiện trên Internet.
a. Diễn biến của vụ việc
Tháng 07/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy Nước sạch Sông Đuống, để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Theo đó, giá nước tối đa của Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT), cao gần gấp đôi so với giá nước của Nhà máy Sông Đà vào thời điểm đó.
Tháng 02/2018, liên ngành Tài chính – Xây dựng – Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh giá nước trên địa bàn, để phù hợp với chi phí sản xuất nước khi Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy Nước mặt sông Đuống và dự án Nước mặt sông Đà giai đoạn II đi vào hoạt động.
Ngày 06/09/2019, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết Sở đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về kế hoạch, lộ trình thực hiện điều chỉnh giá nước sạch, với 9 bước công việc, phân công rất cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tiến độ thời gian hoàn thành. Trong tháng 9, họ sẽ hoàn thành rà soát giá thành của từng đơn vị cấp nước, đề xuất phương án giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn, để báo cáo UBND trong tháng 10.
Ngày 07/10/2019, nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải đến đổ trộm ở khe núi sát Suối Trâm (cách kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà khoảng 800 m), khiến dầu tràn vào kênh sau mưa to.
Ngày 13/10, khi dư luận đang dồn sự chú ý vào vụ nhiễm bẩn nước sông Đà, Nhà máy Nước Sông Đuống làm lễ khánh thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành, dù chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Ngày 27/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký văn bản giao Sở Tài chính chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thành phố, để hoàn tất công việc đặt ra hồi tháng 9.
Ngày 29/10, Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và nhóm Báo Sạch đồng loạt tung tin rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Trong đó, Bùi Thanh Hiếu và Bạch Hoàn liên tục viết bài; còn nhóm Báo Sạch đến hiện trường, quay Livestream để tái hiện đường đi từ Công ty Gốm sứ Thanh Hà đến điểm đổ dầu thải. Họ cũng tuyên truyền rằng khi tăng giá nước sinh hoạt, Thành phố Hà Nội sẽ lấy tiền của người dân để làm giàu cho Công ty Sông Đuống của bà Đỗ Liên.
Rạng sáng 03/11, một số báo điện tử chính thống (như VnEconomy, Vietnamnet) đồng loạt lặp lại thông điệp của Bùi Thanh Hiếu, khi viết rằng đợt tăng giá nước sẽ khiến tiền của người dân chảy vào túi Công ty Sông Đuống. Sau đó vài giờ, họ đưa tin rằng đợt tăng giá nước sẽ khiến “đại gia Thái hưởng lợi”; vì đầu tháng 08/2019, công ty WHAUP của Thái Lan đã chi hơn 2000 tỷ VNĐ để mua 34% cổ phần Công ty Sông Đuống.
Chiều 03/11, Bùi Thanh Hiếu tung tin rằng người Trung Quốc đã “đội lốt người Thái” mua cổ phần Công ty Sông Đuống “nhằm mục đích khác thâm độc hơn”.
Khoảng ngày 06/11, trên Internet xuất hiện một văn bản được cho là tài liệu chào bán cổ phần của Công ty Sông Đuống. Bùi Thanh Hiếu và Báo Sạch lập tức bình luận rằng văn bản này chứa những đoạn ủng hộ cáo buộc của họ, như:
“…Dự án có thể đàm phán giá rất tốt nhờ sự biến đổi thuận lợi của thị trường, đồng thời việc dàn xếp giá cả với các công ty phân phối thuộc sở hữu nhà nước đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, gần như gấp đôi so với giá nước của đối thủ cạnh tranh…”.
“…Bên cạnh đó, nhờ quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương các cấp, Công ty đã được cấp tất cả các giấy phép cần thiết, và tiến hành xây dựng cả nhà máy lẫn đường ống chỉ trong 2 năm…”.
Sáng 07/11, Đại biểu Quốc hội Dương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) chất vấn Bộ Công thương rằng việc tỷ phú Thái Lan mua 34% cổ phần của Công ty Sông Đuống sẽ “đe dọa an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia” của Việt Nam. Từ thời điểm này, vụ việc chính thức hiện diện trên nghị trường, và trở thành đề tài nóng.
b. Tóm tắt lập luận của Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch
Ba trang này dùng chung một cụm bằng chứng để chứng minh rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Một số bằng chứng đủ mạnh để cho phép đặt ra giả thuyết con, trong khi số khác có nhiều sơ hở. Thêm nữa, các giả thuyết con chưa chắc đã khớp được với nhau để tạo thành một âm mưu lớn.
Ý chính của các bằng chứng, và điểm sơ hở của chúng, được thể hiện trong bảng sau:
Giả thuyết con | Bằng chứng | Điểm sơ hở |
UBND Tp. Hà Nội thiên vị, khi mua nước của Nhà máy Sông Đuống với giá gần gấp đôi của Nhà máy Sông Đà | _ “Mới bắt đầu xây dựng, vào tháng 6-2017, Sông Đuống đã được UBND TP Hà Nội duyệt giá nước 10.246 đồng/mét khối, gấp đôi giá nước của công ty cung cấp nước khác”.
_ Nhà máy Sông Đà vẫn có lãi khi bán nước với mức giá thấp, nên đòi hỏi tăng giá là vô lý. _ Văn bản được cho là tài liệu chào bán cổ phần của Công ty Sông Đuống. |
_ Trên giấy tờ mà Tp. Hà Nội xem xét, chi phí để xây dựng và vận hành Nhà máy Sông Đuống có thể lớn hơn Nhà máy Sông Đà, do phải xây đường ống bắc qua Sông Hồng. Trong khi đó, một mình Nhà máy Sông Đà không thể cung cấp nước cho cả thành phố. |
Nhà máy Sông Đuống thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà | _ Nước của Nhà máy Sông Đà vừa nhiễm bẩn hôm 08/10, thì Nhà máy Sông Đuống khai trương hôm 13/10, UBND Tp. Hà Nội khuyên người dân không dùng nước Sông Đà hôm 15/10, và chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh giá nước hôm 27/10.
_ Đường ống dẫn nước của Nhà máy Sông Đuống chạy đến cả khu vực của Nhà máy Sông Đà. |
_ Việc khởi động Nhà máy Sông Đuống hôm 13/10 có thể xuất phát từ một động cơ khác, là giúp Hà Nội có đủ nước sinh hoạt khi Nhà máy Sông Đà tạm dừng hoạt động.
_ Lời khuyên “không dùng nước Sông Đà” đã hết hiệu lực vào ngày 18/10, khi Thành phố Hà Nội tuyên bố nước Sông Đà đã đạt chuẩn. _ Kế hoạch điều chỉnh giá nước đã được khởi động từ tháng 02/2018. _ Đường ống dẫn nước của Nhà máy Sông Đuống chạy đến cả khu vực của Nhà máy Sông Đà là điều cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn Thủ đô. _ Giá bán nước và thị phần của Nhà máy Sông Đuống vẫn không đổi sau vụ nhiễm bẩn nước Sông Đà. _ Nếu âm mưu là có thật, thì việc khai trương Nhà máy Sông Đuống ngay sau vụ nhiễm bẩn nước Sông Đà dễ khiếm âm mưu bị lộ. |
Nhóm Lý Đình Vũ cố tình đầu độc nguồn nước của Nhà máy Sông Đà | _ Nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải từ Phú Thọ về “cất trữ” tại Hưng Yên, 2 ngày sau mới chở dầu từ Hưng Yên đến Hòa Bình để đổ trộm. Quãng đường này dài một cách không cần thiết, lẽ ra họ nên đi thẳng từ Phú Thọ đến Hòa Bình. | _ Theo thông tin mà báo chí đăng hồi tháng 10, nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải về cơ sở tái chế tại Hưng Yên. Khi đã lọc hết các phần có thể sử dụng, nhóm này mới đem số chất thải còn lại đến Hòa Bình để đổ. |
Người Trung Quốc đã “đội lốt người Thái” mua cổ phần Công ty Sông Đuống “nhằm mục đích khác thâm độc hơn”. | (không có) | _ Không có bằng chứng để khẳng định giả thuyết.
_ Nhà đầu tư chưa thể kiểm soát Nhà máy Sông Đuống khi chỉ nắm 34% cổ phần. _ Trung Quốc có sẵn nhiều phương tiện, cách thức để đe dọa an ninh nguồn nước của Việt Nam, việc mua cổ phần của một nhà máy nước là không cần thiết. |
c. Khả năng Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch phối hợp hành động
Có 4 lý do để nghi ngờ rằng Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch đã phối hợp hành động với nhau.
Thứ nhất, họ đồng loạt hành động vào ngày 29/10, sử dụng cụm bằng chứng giống hệt nhau, và tập trung tuyên truyền về chủ đề này trong ít nhất 1 tuần.
Thứ hai, Bùi Thanh Hiếu thường xuyên share bài của Báo Sạch, nên có thể có quan hệ.
Thứ ba, 3 trang này đều bênh vực ASANZO trong vụ báo Tuổi Trẻ đánh ASANZO.
Thứ tư, trong vụ Trương Duy Nhất bị bắt tại Thái Lan, Bùi Thanh Hiếu đã công khai thừa nhận rằng mình tung tin đồn cho các “nhóm lợi ích” trong nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết, cần thêm thời gian để xác nhận.
d. Nhận xét
Sau khi xem xét các thông tin trên, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, do cụm tin đồn này còn rất nhiều điểm sơ hở, như bảng trên đã chỉ ra, độc giả không nên tin vào nó trước khi có kết luận của các cơ quan thanh tra và điều tra.
Thứ hai, trong trường hợp Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch phối hợp tung tin cho các “nhóm lợi ích”, độc giả không nên làm quân cờ của họ.
Thứ ba, các diễn biến vừa nêu không giúp xóa bỏ trách nhiệm của ban quản lý Nhà máy Nước sạch Sông Đà trong vụ nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Nguồn: Loa phường