Những ngày qua, dư luận dậy sóng do bức xúc về hình ảnh một ông bố ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên bán hàng, rồi tát vào mặt nam nhân viên khác. Người đàn ông đó là thượng úy Nguyễn Xô Việt, công an tỉnh Thái Nguyên. Liền sau đó, công an tỉnh Thái Nguyên đã đình chỉ công tác 1 tháng đối với thượng úy Việt để làm rõ hành vi vi phạm.
Anh Việt có hành động ứng xử cực xấu trước mặt con trai
Dưới góc độ ứng xử xã hội và đạo đức gia đình thì hành động của người bố trước mặt người con trai chẳng khác nào một cách giáo dục đi ngược lại với sự nhân văn. Còn nhớ một câu chuyện, khi tòa án kết án đứa con tội tử hình vì phạm pháp, giết người, câu cuối cùng đứa con nói với người mẹ rằng, cuộc đời nếu có sự công bằng thì đáng lẽ ra, ngày hôm nay, cả hai mẹ con mình phải bị kết án như nhau. Vì sao ư? Vì mỗi khi con làm sai, con ăn cắp một trái ớt, một con gà, dù là hành vi sai trái nhưng mẹ luôn ủng hộ, sẵn sàng gân cổ lên chửi đổng tất cả những ai “cản trở” con. Từ sự “cổ vũ”, tiếp tay của mẹ mà con ngông cuồng hơn, dám làm đến việc ăn cướp, giết người và kết cục là phải nhận lấy trách nhiệm trước pháp luật. Bài học này, một lần nữa trở thành sự cảnh tỉnh. Cuộc sống này, không có người tốt hay người xấu, mà chỉ có hành động tốt hay xấu. Và bạn muốn để lại hình ảnh gì trong mắt mọi người, tốt đẹp hay xấu xa – tất cả đều bắt đầu từ chính suy nghĩ, hành động của bạn!
Trong khi đó, với vai trò của một người bố, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách cho đứa con, vì con trai thường có xu hướng lấy bố mình trở thành khuôn mẫu để noi theo. Nelson Mandela có câu nói mà nhiều người tâm đắc: “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Với hành vi dạy con làm việc sai trái, thò tay lấy hàng đi khi chưa trả tiền mua hàng, khi bị nhắc thì phản ứng bạo lực thì thượng úy Việt dù đứng trên vai trò là chiến sĩ hay người cha của con mình cũng đáng bị lên án. Một ông bố thế này có thể dạy con mình nên người không? Hay đó là tiền đề cho chuỗi những sai lầm, hỏng cả một thế hệ, và viết sẵn cái kết thất bại cho cuộc đời một đứa trẻ. Do đó, dư luận không chỉ bức xúc vì y là một người trong lực lượng công an mà còn bức xúc hơn cả chính là hành động của người lớn trước mặt con trẻ.
Còn dưới góc độ bình xét hành động của một người trong lực lượng công an thì chắc chắn anh Việt sẽ phải nhận hình thức xử phạt thích đáng. Bởi trong những năm qua, trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an trong việc chấn chỉnh lề lối, tác phong người chiến sỹ công an nhân dân. Do vậy, ngay sau khi sự việc được phát giác, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời có biện pháp xử lý, giải tỏa khá nhiều bức xúc với người dân. Phát biểu về sự việc này, Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Quan điểm của đơn vị là sẽ làm nghiêm, sai đến đâu xử đến đó”. Và người dân đang dõi theo, rất quan tâm hành vi ngông cuồng, trịch thượng của thượng úy Nguyễn Xô Việt sẽ bị xử lý đến mức nào.
Còn nhớ cách đây không lâu, trường hợp của chị Lê Thị Hiền đại náo tại sân bay cũng trở thành tâm điểm sự chú ý của dư luận. Đặc biệt là cách ứng xử không thể chấp nhận được nơi công cộng, vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức cán bộ công an nhân dân và làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành. Các đối tượng xấu được đà đục nước béo cò, dùng miệng lưỡi diều hâu để công kích ngành Công an.
Cặp đôi hoàn cảnh
Hành động của cả hai người này đều có một đặc điểm chung đó là sự tha hóa về đạo đức, sự mất chất trong đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến hành động cậy quyền cậy thế coi thường người khác, hành hung kẻ yếu thế, xúc phạm phụ nữ, hành vi thiếu văn hóa, bất chấp pháp luật cũng như quy định của ngành. Trái với Sáu điều Bác Hồ dạy công: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép“ và 10 điều kỷ luật của CAND Việt Nam có điều 5 cũng ghi rất rõ: “…Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân”… Đây là những quy tắc ứng xử mà bất cứ người cán bộ, chiến sỹ nào cũng đều học và gần như thuộc nằm lòng.
Tất nhiên, hai trường hợp này chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng có ai dám chắc rằng sẽ còn những trường hợp nào tương tự chưa được phát giác hay không, Chính vì vậy, ngay lúc này các anh chỉ huy, lãnh đạo trong lực lượng Công an hãy nêu cao tinh thần “nêu gương”, làm tốt công tác chính trị – tư tưởng cho mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Luôn xác định rằng Đảng, Nhà nước đã trao cho các anh chức vụ và được gọi với cái tên rất trìu mến là công an nhân dân thì các anh hãy biết trân trọng trách nhiệm thiêng liêng, nghĩa vụ cao cả đó. Khi người dân đã đặt trọn niềm tin vào các anh, xin ai đó nếu thấy mình không còn đủ tư cách hãy mạnh dạn từ bỏ chiếc áo đang mặc, đừng phá hoại, làm niềm tin ấy mất đi. Không phục vụ cho lợi ích dân tộc, không đem lại sự bình an cho người dân là bất trung với nước, bất hiếu với dân. Một người công an hành hung người dân không những làm đen ố bản thân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Những trường hợp đó cần thanh lọc ra khỏi lực lượng.
Nguồn: Bản tin dân chủ