Chiến thuật “tàu thân trắng” của Trung Quốc còn được giới học giả gọi với cái tên “chiến tranh nhân dân trên biển” là một trong những thủ đoạn quy mô và nguy hiểm nhất của quốc gia này trong thời gian gần đây.
Thế nào là “tàu thân trắng”?
“Tàu thân trắng” không phải là thuật ngữ để chỉ riêng một tàu mặt nước của Trung Quốc mà có hàm ý chỉ một nhóm tàu. Đây là một chiến thuật được Trung Quốc sử dụng đã lâu, tuy nhiên thời gian gần đây đã diễn ra với cường độ ngày càng tăng.
Chiến thuật này về cơ bản là “thiên về hòa bình”. Nghĩa là những nhóm tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ được tụ tập với số lượng lớn, di chuyển vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước khác nhưng nằm trong khu vực “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra nhằm gián tiếp khẳng định chủ quyền theo kiểu… “ăn vạ”.
Các nhóm tàu đánh cá này của Trung Quốc nói một cách thẳng thắn là hoàn toàn vi phạm pháp luật, tuy nhiên lại được đặt dưới sự bảo vệ của các tàu dân quân, thậm chí là tàu cảnh sát biển của Trung Quốc. Dưới sự bảo vệ của một lực lượng chấp pháp lớn tới như vậy, các đội tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiếp cận vào vùng đặc quyền kinh tế hay thậm chí là lãnh hải của nước khác một cách rất “tự tin”.
Âm mưu chiến thuật bài bản
Xét về mặt kinh tế, chiến thuật theo kiểu “bầy đàn” này của các tàu đánh bắt cá của Trung Quốc là hoàn toàn không mang lại hiểu quả. Ngư trường trên biển không bao giờ tập trung đủ hải sản để cùng lúc nhiều chục, thậm chí hàng trăm tàu của Trung Quốc cùng tập trung thả lưới trong một khu vực hẹp trong một khoảng thời gian kéo dài. Vậy nên, có thể khẳng định chiến thuật “tàu thân trắng” này của Trung Quốc không nhằm mục đích lợi nhuận kinh tế từ việc đánh bắt mà có mưu đồ tranh giành lãnh hải.
Đây cũng là một trong những mưu mẹo cực kỳ nham nhiểm của Bắc Kinh. Trong quá khứ, nhiều quốc gia trong khu vực đã lớn tiếng cảnh báo Bắc Kinh không nên làm phức tạp tình hình, sử dụng thủ đoạn để biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, sau đó sử dụng tiếp những chiến thuật “ăn dầm nằm dề”, lợi dụng số đông để lấn dần lãnh hải trên biển một cách cực kỳ vô lý.
“Tàu thân trắng” có thể coi là bước chiến thuật thứ hai, được sử dụng để bổ trợ cho âm mưu “biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”. Khi này, từ một vùng biển rõ ràng thuộc chủ quyền của một quốc gia khác, nay lại xuất hiện hàng đoàn tàu đánh cá với số lượng lớn của Trung Quốc thay phiên nhau túc trực, thủ đoạn hơn đó là những đoàn tàu này không cần hải sản, họ thậm chí chỉ đơn giản là thả neo ở vùng biển đó với số lượng lớn, thách thức cơ quan chấp pháp của nước sở tại, nghiễm nhiên biến “vùng biển đang tranh chấp thành ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, góp phần vào mưu đồ “lấn biển” của quốc gia này.
Làm thế nào để đối phó với “tàu thân trắng”
Như đã nói ở trên, các “tàu thân trắng” của Trung Quốc luôn sử dụng kiểu “tranh chấp trong hòa bình”. Để không vi phạm luật pháp quốc tế, các tàu chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc luôn di chuyển thành từng nhóm với số lượng lớn, thậm chí neo, buộc vào nhau để tạo thành những “bức tường di chuyển trên biển”.
Khi gặp tàu đánh cá của nước nắm chủ quyền biển, các tàu cá của Trung Quốc lợi dụng số đông, công suất lớn, kích thước khổng lồ sẽ sử dụng những đòn “tranh chấp truyền thống trên biển” để gây áp lực, thậm chí là cả tổn hại.
Với những tàu đánh cá của các nước sở tại, tham gia đánh bắt với mục đích kinh tế là chủ yếu, những đòn đánh này sẽ khiến người ngư dân nản nòng, không còn muốn tham gia đánh bắt ở ngư trường truyền thống, ưu tiên đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm cho bản thân trước mà rút lui. Đây chính là lúc mưu đồ của Trung Quốc đi đúng hướng đề ra ban đầu.
Để đối phó với Trung Quốc, việc hợp lực của các quốc gia đang bị Bắc Kinh tìm cách qua mặt là cần thiết, chính xác nhưng chưa đủ, vẫn cần một sức mạnh thật sự làm đối chọi với quốc gia tỷ dân này.
Sức mạnh đó có thể đến lực lượng Hải quân Mỹ. Trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc gần như đã được Nhà Trắng “cởi trói”, có thể đưa lực lượng hải quân tới khu vực Biển Đông để đối phó lại với chiến thuật “tàu thân trắng” của Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Thậm chí, các tàu tuần duyên của Mỹ còn áp sát các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở biển Đông ở khoảng cách 12 hải lý, trực tiếp thách thức sự bành trướng vô lý và đầy thủ đoạn của Bắc Kinh.
Việc Mỹ đã “bật đèn xanh” cho lực lượng hải quân nước này đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông được coi là một trong những nước đi không ngoan của Washington. Với việc Hải quân Mỹ tham gia vào việc đảm bảo an ninh hàng hải ở biển Đông, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng chấp pháp trên biển của các quốc gia liên quan, chiến thuật “tàu thân trắng” của Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và âm mưu “lấn biển” của quốc gia này sẽ sớm bị phá sản trong tương lai.
(Theo Kiến Thức)
Nguồn: Cánh cò