Hiện nay, hành lang pháp lý trong quản lý PCCC còn nhiều bất cập. Luật PCCC đã ban hành nhưng trên thực tế các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu.
Ngày 13/11, Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Theo thống kê, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 9 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định; các bộ ban hành 24 Thông tư; Hội đồng nhân dân 4 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của Điều 63a Luật PCCC. Về cơ bản, việc phổ biến, quán triệt về chính sách, pháp luật PCCC tại các bộ, ngành, địa phương đã được tổ chức thực hiện tích cực.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Bên cạnh đó, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và việc ban hành, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC. Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.
Ý thức của người dân trong công tác PCCC còn rất thấp
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền PCCC chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên ý thức của người dân về PCCC ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn thấp.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn TP Hải Phòng), mặc dù Luật Phòng cháy chữa cháy đã ban hành nhưng trên thực tế, các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, công tác tập trung đầu tư cho các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ PCCC còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Lực lượng cơ sở, chuyên nghiệp PCCC còn mỏng, thiếu.
“Việc đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật liên quan đến việc phòng cháy, chữa cháy ở các khu vực công cộng, mặc dù luật có quy định nhưng trên thực tế trong quá trình giám sát thì thấy có rất nhiều bất cập, chẳng hạn hệ thống các họng nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy trên các tuyến phố, trong luật quy định nhưng trên thực tế, tỷ lệ mà tuyến phố có họng nước chữa cháy, chữa cháy rất thấp hoặc có thể trang bị lắp đặt nhưng lại không hoạt động”- đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu.
Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) cũng cho biết, hiện nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật.
Theo đại biểu Nguyễn Chiến, hiện nay một số tòa chung cư xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, hoặc chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng nhưng đã cho cư dân vào sinh sống. Điều này rõ ràng là không bảo đảm an toàn cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện và bổ sung đầy đủ hành lang pháp lý cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là PCCC đối với các tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch đô thị, phải quy định, giám sát chặt chẽ để các tòa nhà chung cư cao tầng được xây dựng lên phải đảm bảo các tiện ích về mặt xã hội, tiện ích công cộng cũng như các điều kiện khi xảy ra các sự cố về cháy nổ, có thể tiếp cận nhanh và kịp thời và xử lý hiệu quả nhất.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng phải cần quan tâm các địa phương phải bố trí một lượng kinh phí đầu tư thỏa đáng trong trang bị cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, nhất là ở các khu thành phố lớn, các khu đô thị lớn mà hiện nay với quy mô các khu đô thị tập trung các tòa nhà cao tầng rất quan trọng”- đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cũng đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy ngay từ đầu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Các đại biểu cũng đề nghị cần nhận thức vấn đề PCCC là vấn đề hết sức quan trọng trong thực tế đô thị hóa ngày càng cao, nhà cao tầng, chung cư, đô thị ngày càng nhiều. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, nhìn nhận PCCC với cách nhìn rộng hơn đó là sự an toàn về môi tường sống; hình thành văn hóa sống, kỹ năng sống an toàn.
(Theo VOV)
Nguồn: Cánh cò