Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân phân tích, đại biểu chuyên trách tại địa phương thậm chí không thể tự đề xuất tổ chức bộ máy giúp việc, từ cán bộ văn thư tới người lái xe, thường phải tự vận động, tìm nguồn để hoạt động, không khác người “được giao súng mà không được giao đạn”.
Ý kiến trên được ông Nguyễn Thanh Xuân (đại biểu TP Cần Thơ) nêu tại phiên thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội chiều 12/11. Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến tâm tư của các đại biểu Quốc hội về vị thể của đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động ở địa phương nói riêng.
Đại biểu Quốc hội không chỉ là người truyền tin!
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ ông tâm tư với nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động của Quốc hội khi đại biểu chưa thực sự là trung tâm của Quốc hội như nguyên tắc đáng ra cần quán triệt. Ông Nhân phân tích, vai trò của đại biểu còn mờ nhạt vì sự tập trung cho hoạt động của Quốc hội chưa cao.
Quốc hội khóa XIV hiện có 483 đại biểu thì chỉ 167 đại biểu hoạt động chuyên trách, tỷ lệ 34%, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, phần lớn là ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Số đại biểu kiêm nhiệm nếu dành đủ 30% thời gian quy định cho các hoạt động của Quốc hội thì cộng lại cũng chưa đủ một nửa số đại biểu. Luật sửa lần này đáng ra cần nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên thì nội dung này lại… giữ nguyên như cũ.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) tán thành hướng phân tích này. Ông đề nghị giảm số lượng đại biểu Quốc hội từ mức tối đa 500 đại biểu hiện nay xuống 400-450 đại biểu nhưng giảm ở bộ phận đại biểu kiêm nhiệm ở khối cơ quan hành chính, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40%.
Ông Mão cũng tâm tư về vị thể của đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Ông cho rằng, lâu nay, đại biểu, đoàn đại biểu tại địa phương chỉ là cầu nối để ghi nhận, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri, người dân lên nghị trường Quốc hội. Đáng ra, đây phải là bàn tay nối dài của Quốc hội để lan tỏa quyền lực của cơ quan lập pháp cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về địa phương. Muốn vậy, cần đảm bảo vị thế của đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương bằng cách quy định kinh phí hoạt động của đại biểu, đoàn đại biểu do ngân sách trung ương đảm nhiệm, tránh để bị phụ thuộc vào địa phương.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phân tích, đại biểu chuyên trách tại địa phương thậm chí không thể tự đề xuất tổ chức bộ máy giúp việc, từ cán bộ văn thư tới người lái xe, thường phải tự vận động, tìm nguồn để hoạt động, không khác người “được giao súng mà không được giao đạn”.
Ông Xuân muốn sửa quy định tại khoản 3 Điều 43 dự thảo luật theo hướng khẳng định vị trí, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của đoàn cũng như cá nhân đại biểu. Kinh phí hoạt động phải do ngân sách Trung ương đảm bảo để có sự công bằng giữa tất cả các đoàn đại biểu trong cả nước, ở tỉnh nghèo cũng không mất vị thế so với thành phố lớn.
Quốc hội chưa bỏ phiếu cho thôi nhiệm vụ với đại biểu nào
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích ở khía cạnh khác cho thấy vai trò của đại biểu Quốc hội chưa được phát huy tương xứng với luật định. Ông Hòa đề cập, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới nay, rất nhiều trường hợp đại biểu Quốc hội phải cho thôi nhiệm vụ nhưng đáng tiếc Quốc hội chưa lần nào xem xét, biểu quyết cho thôi với bất cứ vị đại biểu mất uy tín nào mà việc này luôn do UB Thường vụ Quốc hội quyết luôn, dù cho việc phát sinh rất gần thời điểm diễn ra các kỳ họp.
“Đề nghị ít nhất cũng để Quốc hội bỏ phiếu quyết định 1-2 trường hợp để thấy vị thế lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội. Từ giờ đến cuối nhiệm kỳ, nếu có thêm trường hợp đại biểu nào cần cho thôi thực hiện nhiệm vụ thì cần đưa ra Quốc hội cho ý kiến”- ông Hòa nói.
Phương Thảo/Dân Trí
Nguồn: Cánh cò