Trang chủ Biển - Đảo “Đường lưỡi bò” vũ khí nguy hiểm cần cảnh giác cao độ

“Đường lưỡi bò” vũ khí nguy hiểm cần cảnh giác cao độ

157
0

Trong những ngày thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội vừa qua, Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến của các Đại biểu về vấn đề Biển Đông và những âm mưu của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.

“Đường lưỡi bò” vũ khí nguy hiểm cần cảnh giác cao độ

Trung Quốc áp dụng “tam chủng chiến pháp” để đưa đường lưỡi bò đi muôn nơi

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có cài cắm đường lưỡi bò như sách, bản đồ, quả địa cầu, phim ảnh… Một số sản phẩm còn được rao bán trên các trang thương mại điện tử. Ngay cả ôtô trưng bày tại triển lãm tại Việt Nam cũng sử dụng bản đồ đường lưỡi bò.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng cần phải xử lý nghiêm những người có trách nhiệm để lọt sản phẩm này. Ngoài ra, cần có giải pháp để những sản phẩm tương tự không đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

Phải hết sức cảnh giác với bẫy pháp lý tinh vi của Trung Quốc

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng các sản phẩm hàng hóa khi lưu hành trong nước đều có cơ quan chức năng quản lý. Ông Thắng nhấn mạnh bước đầu tiên cần phải thu hồi các sản phẩm có bản đồ phi pháp, sau đó tính đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

“Trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó. Đây là bài học để tăng cường công tác quản lý các sản phẩm hàng hóa”, ông Thắng nói. Ông Thắng dẫn ra vụ việc để lọt phim chiếu rạp có bản đồ đường lưỡi bò, sau đó Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã cho thôi chức Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông đánh giá đây là một mức xử lý nghiêm khắc.

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng rất khó để xử lý tận gốc vấn đề cài cắm bản đồ có đường lưỡi bò trong các sản phẩm hàng hóa. Ông nhấn mạnh Trung Quốc đã có cả chiến lược, thủ đoạn tinh vi để cài cắm bản đồ đường lưỡi bò.

“Họ để xen bản đồ vào những điều ít ai ngờ đến. Những câu chuyện tưởng chừng không liên quan bản đồ lại xuất hiện như trong phim ảnh, sách giáo khoa…”, ông nhận định.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức rõ sự sai trái của bản đồ in đường lưỡi bò. Từ đó, tiến tới tẩy chạy tất cả những sản phẩm hàng hóa có chứa bản đồ phi pháp.

Ở một góc độ khác, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng nhiều hình thức để tuyên truyền về đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh một khi đã là hoạt động có chủ đích thì rất khó có thể bỏ hết được những sản phẩm phi pháp. Ông mong muốn cơ quan chức năng có đối sách để tuyên truyền lại vấn đề chủ quyền để người dân trong và ngoài nước hiểu đúng.

“Nếu tìm cách bỏ thì không thể bỏ được hết. Nếu cấm sản phẩm này thì lại ra sản phẩm khác. Cấm phim này lại còn phim khác. Do đó, chúng ta phải có đối sách tương xứng tuyên truyền lại để người dân hiểu đúng”, ông nói.

Đáng chú ý là những phát biểu của Đại biểu Lê Thanh Vân khi ông cho rằng Trung Quốc đã áp dụng “tam chủng chiến pháp” trên các mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý. Họ rao giảng cho các thế hệ học sinh Trung Quốc một cách sai trái về biển Đông; đồng thời rêu rao điều này trên các diễn đàn. Trung Quốc cũng tiến hành nhiều hành động trên thực địa và diễn đạt lại Luật biển quốc tế theo cách của họ…

Đó là công luận, công khai và công pháp. ‘Công luận’ và ‘công khai’ bao gồm việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố hồ sơ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới và người dân trong nước biết.

Còn ‘công pháp’ là sử dụng tối đa các cơ sở pháp lý, từ Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 cho tới cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định. Về lâu dài Việt Nam phải có “đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ, để ngăn chặn sự lấn tới và vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Cảnh giác với những thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.

Những thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay trên mạng xã hội khá nhiều, nhưng thông tin một cách chính xác và chính thống thì cần thông tin từ Chính phủ báo cáo trên nghị trường. Vì thế, công khai thông tin về Biển Đông ở nghị trường để các Đại biểu thảo luận, nhân dân tỏ tường vấn đề cũng là một trong những bước của

“Tam công chiến pháp” nhằm tạo nên sức mạnh đồng thuận trong nhân dân trong cuộc chiến vì chủ quyền dân tộc.

Trước thềm Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm.

Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia dân tộc, không nhân nhượng bất cứ điều gì vô nguyên tắc, phải giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nhưng phải giữ ổn định để phát triển.

“Đất nước ta có được sự ổn định tốt như thế này, phải giữ lấy nó. Phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát, ta rất kiên quyết nhưng cần phải khôn khéo, mềm dẻo, phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược… Giữ đất nước yên bình để tiến lên nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Đây cũng như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo kinh tế xã hội trước Quốc hội và những ý kiến tâm huyết của các Đại biểu đã cho thấy, chủ quyền là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền là cương quyết, quyết liệt và không hề lùi bước. Đó là tư tưởng của Đảng và nhà nước ta đang làm.

Cho dù Trung Quốc không thực hiện quyền lịch sử cũng như không có sự công nhận của cộng đồng quốc tế về quyền lịch sử trong “đường lưỡi bò”, họ vẫn luôn tìm mọi cách để biện minh cho yêu sách của mình.

Để đối phó với những chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc là phải có chiến lược tuyên truyền ngược trở lại cho thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng để hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là công lý. Trung Quốc có những chiến lược rất nguy hiểm mà bên ngoài tưởng chừng như vô hại. Nếu không hiểu sâu về họ thì rất khó nhận biết.

Chính vì thế, khi họ đưa ra những chiến dịch tuyên truyền, thì mỗi người dân, cơ quan nhà nước phải có chiến lược tuyên truyền ngược trở lại cho thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng để hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là công lý
Phạm Minh Hà

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây