Việt Nam đang tập trung những nỗ lực triển khai mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo hộ công dân, thiết thực xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân và thân nhân trong sự kiện bi thảm 39 người tử vong trong thùng xe container ở Anh. Song, trong lúc tất cả các bên liên quan cùng đang dồn sức, tập trung cao độ cho việc chia sẻ, xoa dịu nỗi đau thì lại có những kẻ nhẫn tâm lợi dụng nỗi đau này để dựng chuyện để chống phá chế độ và Nhà nước.
Vào cuộc với tất cả nỗ lực
Ngay từ khi xuất hiện thông tin nghi vấn có thể có nạn nhân người Việt trong vụ 39 người tử vong trong thùng xe container ở khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex, Đông Bắc Thủ đô London của nước Anh, Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đã khẩn trương vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công văn gửi Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về những thông tin liên quan.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ và chính quyền 2 tỉnh khẩn trương xác minh thông tin, đồng thời có các hành động giúp đỡ người dân đang trong hoàn cảnh đau thương. Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, làm việc với các cơ quan liên quan phía Anh để xác nhận danh tính nạn nhân trong trường hợp là công dân Việt Nam.
Khi giới chức Anh chính thức thông báo có nạn nhân người Việt, Thủ tướng đã gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ, có biện pháp cần thiết phối hợp với nhà chức trách Anh trong xử lý vụ việc. Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cũng lập tức cử đoàn công tác sang Anh để phối hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tuân thủ luật pháp nước sở tại cũng như luật pháp nước ta và thông lệ quốc tế.
Cùng với ưu tiên hàng đầu là công tác bảo hộ công dân, Bộ Công an cùng Công an tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Cơ quan điều tra bước đầu đã xác định, tạm giữ một số đối tượng có liên quan tới hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Với những hành động khẩn trương, quyết liệt từ cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ tới các Bộ, ngành và địa phương liên quan trực tiếp, chúng ta mong mỏi giải quyết nhanh nhất sự việc, góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân các nạn nhân, đồng thời trừng trị nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật. Song, thật không ngờ là có những kẻ cố tình “nhắm mắt” trước thực tế hiển hiện ấy, dựng đứng lên các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, kích động nhằm vào các cơ quan Nhà nước Việt Nam như “chính quyền Việt Nam đã không làm gì cho các nạn nhân”, “Việt Nam không quan tâm tới các nạn nhân”, “chính quyền Việt Nam kém cỏi”, hay “Việt Nam không hợp tác chống buôn người”.
Thế nhưng, chính thực tế không thể phủ nhận là những biện pháp mà Việt Nam đã triển khai nhanh chóng thời gian qua được phía Anh cũng như dư luận đồng tình, đánh giá cao đã bác bỏ mọi xuyên tạc, vu cáo. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc giải quyết sự việc bi thảm cũng như từ trước tới nay càng minh chứng cho điều này.
Việt Nam kiên quyết chống tội phạm buôn người
Cùng với hội nhập sâu rộng và phát triển hợp tác quốc tế nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác lao động, Việt Nam hiện có thỏa thuận hợp tác lao động với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo các hợp đồng hợp tác lao động, và riêng 10 tháng đầu năm 2019 này đã có 120.000 người đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh tuyệt đại đa số người ra nước ngoài lao động hợp pháp theo những hợp đồng ký kết giữa Việt Nam và đối tác cũng có một số người đi lao động bằng con đường bất hợp pháp. Đó có thể là những người cố tình vi phạm pháp luật nước ta, vi phạm pháp luật nước sở tại, hoặc những người thiếu hiểu biết bị những tổ chức, đối tượng lừa gạt.
Chính vì thế, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã luôn nỗ lực, kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ với nạn buôn bán người, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia, vùng lãnh thổ, để đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn chung của cả thế giới. Về pháp lý, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người.
Cùng với đó là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ; Chương trình hành động phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020…
Đồng thời, chúng ta cũng ký kết, tham gia các công ước quốc tế, khu vực cũng như hiệp định, thỏa thuận song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhằm đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã ký kết, tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; xem xét khả năng gia nhập Nghị định thư về chống người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không; bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Trên thực tế, việc đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ với tội phạm buôn bán người đã thu được những kết quả đáng kích lệ. Năm 2018, lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm gần 44% số vụ và hơn 43% số đối tượng. Cũng trong năm 2018, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó xác định 490 trường hợp nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng lừa bán 169 nạn nhân, so với cùng kỳ năm trước giảm cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân.
Nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn có hiệu quả hơn hoạt động buôn bán người, chúng ta đã thiết lập Đường dây nóng phòng chống mua bán người 111. Tính đến hết tháng 6-2019, đường dây nóng này đã tiếp nhận 764 cuộc gọi, giảm 485 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 16 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.
Chính những hành động mạnh mẽ của Việt Nam đã khẳng định, công tác phòng, chống mua bán người đã trở thành mối quan tâm thường xuyên của toàn dân, toàn xã hội, các bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể Trung ương và địa phương. Điều này cũng đã giúp huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Những thực tế ấy chẳng khác nào luồng ánh sáng vạch rõ những luận điệu vu cáo, chống phá Việt Nam do những kẻ thù địch dựng lên mà thôi.
Hoàng Hà/ ANTĐ
Nguồn: Cánh cò