Trong những ngày gần đây, Trung Quốc lại tiếp tục chiêu trò đưa tàu hải dương đi lại quanh vùng lãnh hải của Việt Nam với mục đích gây hấn, khiêu khích các lực lượng chức năng của chúng ta có hành động thái quá để tạo ra một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục điều tàu Haiyang Shiyou 618 (Hải Dương Thạch Du 618) đến sát đường phân định trên biển tại Vịnh Bắc Bộ. Khoảng 8 giờ tối ngày 2/11/2019 cũng có một con tàu của Trung Quốc mang tên Hải Dương Thạch Du 620 được điều đi thăm do trên biển Đông chỉ cách bờ biển 35,1 hải lý (khoảng 65 km). Cả hai con tàu 618 và 620 đều có nhiệm vụ hỗ trợ việc hạ đặt, thăm dò, khai thác cho các giàn khoan dầu khí. Từ ngày 1 – 2/11, Hải Dương Thạch Du 620 đã thực hiện một cuộc khảo sát ngay bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với khoảng 7 đường khảo sát, mỗi đừờng dài trung bình 14.7 hải lý (khoảng 27 km).
Trung Quốc đang lợi dụng sơ hở của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 để khiêu khích các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hành vi sử dụng tàu thuyền thăm dò đi vào vùng lãnh hải của quốc gia khác chỉ là hành vi dân sự thông thường trên cơ sở sự đồng ý của quốc gia có vùng lãnh hải đó.
Theo quy định của luật biển quốc tế, với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải. Việc đi qua là không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện theo đúng với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.
Việc đi qua của một tàu thuyền nước ngoài bị coi như phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển, nếu như ở trong lãnh hải, tàu thuyền này tiến hành một trong bất kỳ hoạt động nào sau đây: Đe dọa hoặc dùng vũ lục chống lại chính quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào; Thu nhập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự; Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển; Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển; Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước; Đánh bắt hải sản; Nghiên cứu hay đo đạc; Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển; Mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.
Như vậy, Trung Quốc đang lợi dụng việc đi qua không gây hại này để đưa tàu thuyền vào lãnh hải Việt Nam nhằm khiêu khích, kích động sử dụng vũ lực tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ thực tế có thể thấy, các tàu thuyền của Trung Quốc hầu như được ngụy trang dưới vỏ bọc là tàu dân sự chỉ khiêu khích chứ không chủ động tấn công tàu thuyền của nước ta. Nếu các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng vũ trang để trấn áp thì đồng nghĩa với việc quân sự hóa vấn đề dân sự, mà điều này chính là miếng mồi béo bở mà Trung Quốc muốn dựa vào đó để công khai hóa lực lượng quân sự của chúng trên biển Đông.
Việt Nam đã và đang sử dụng tốt chiến thuật ngoại giao tài tình, điêu luyện đến mức mà Trung Quốc chỉ biết đưa tàu đến khiêu khích rồi lại phải điều trở về nước bởi không đạt được mục đích. Cả thế giới đều đứng về phía Việt Nam khi chúng ta sử dụng biện pháp ngoại giao hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế. Nếu Việt Nam nóng vội sử dụng vũ trang thì đồng nghĩa với việc tự cô lập mình, tự tách mình ra khỏi quốc tế để đối trọi với Trung Quốc.
Việc biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp đang là chiêu bài mà Trung Quốc sử dụng trên mọi vùng biển để từ đó công khai tranh cướp với các quốc gia vốn dĩ có chủ quyền. Việt Nam vẫn luôn nâng cao tinh thần đề phòng trước mọi hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là việc đưa tàu thuyền qua lại lãnh hải Việt Nam. Chúng ta vẫn kiên quyết đấu tranh ngoại giao đối với hành động này và luôn ưu tiên biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế.
Công Lý
Nguồn: Nhân quyền Việt Nam