Đã đến lúc, đạo đức người thầy phải được quan tâm hàng đầu. Nhưng hơn hết, cha mẹ phải là người trao cho con em kỹ năng tự bảo vệ, cảnh giác với nạn xâm hại…
Dư luận đang hết sức phẫn nộ về vụ ông Nguyễn Văn Chính (55 tuổi, giáo viên Trường THPT Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) bị tố có quan hệ với nữ sinh dưới 16 tuổi làm em này mang thai.
Chính ông Chính cũng đã thừa nhận ông và nữ sinh THT (sinh ngày 31/12/2002) là học sinh Trường THPT Sóc Sơn, nơi ông Chính là giáo viên phát sinh tình cảm yêu đương từ trước 30/4/2018. Đến tháng 5/2018, hai người có quan hệ tình dục. Khi biết học trò mang thai, ông Chính dẫn đi phá thai, rồi tiếp tục quan hệ.
Trường THPT Sóc Sơn ở huyện Hòn Đất nơi xảy ra sự việc tày trời thầy giáo 55 tuổi làm nữ sinh mang thai. (Ảnh: Zing News)
Không phải đến bây giờ, những sự việc tày trời như thế này mới xảy ra. Chỉ cách đây vài ngày, Tòa án nhân dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vừa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1983, trú tại thị trấn Phố Ràng, cựu giáo viên tin học Trường THCS Thượng Hà về tội “Giao cấu với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Khi còn là thầy giáo dạy Tin học ở trường THCS Thượng Hà, Nguyễn Việt Anh đã có hành vi xâm hại tình dục khiến học sinh H.T.H (13 tuổi, học sinh bán trú lớp 8 của Trường THCS Thượng Hà) mang thai.
Rồi trước đó, hàng loạt vụ xâm hại tình dục học sinh trong trường học đã xảy ra ở nhiều địa phương, điển hình là vụ Sầm Đức Xương – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh bị TAND huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã mua dâm nhiều lần với trẻ vị thành niên; ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) lạm dụng tình dục nhiều học sinh…
Vì sao trong một môi trường mô phạm, được đánh giá là “sạch nhất” lại xảy ra những chuyện rúng động đến như vậy?
Điều này một phần được lý giải từ nguyên nhân sâu xa là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận những người làm nhiệm vụ trồng người. Họ đã bị những vật chất tầm thường, thậm chí xấu xa, dơ bẩn cám dỗ làm thoái hóa biến chất, khiến họ dám “phá rào” giẫm đạp lên tất cả mọi giáo lý được học để trở thành người thầy, giẫm đạp lên dư luận xã hội và cả sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Phần “quỷ” trong họ trỗi dậy lấn án phần “người”. Họ đã biến mình thành những “con sâu là rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục và những thầy cô chân chính.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn cả, cũng cần được đặt ra là đầu vào của một nghề đặc thù đã thực sự được quan tâm đúng mức? Hay vẫn còn tình trạng sinh viên không có trường nào học thì vào học Sư phạm. Trong quá trình học, đạo đức nghề nghiệp đã được quan tâm đặt lên hàng đầu trong việc đào tạo những người làm thầy.
Đối với các ngành nghề khác, đạo đức nghề nghiệp có thể bị xem nhẹ, nhưng với một ngành đặc thù là giáo dục thì đạo đức phải là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặt lên trên tất cả mọi yếu tố. Bởi, người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo, cho cả xã hội nhìn vào. Mỗi sai lầm trong các lĩnh vực khác đều có thể khắc phục, sửa sai nhưng trong giáo dục nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình thành nhân cách của các thế hệ học trò và tương lai của những người làm chủ đất nước.
Vì thế, để hạn chế những sự việc tiêu cực, thậm chí động trời như vừa liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, không còn cách nào khác, phải quan tâm một cách đúng mức đến chất lượng đầu vào của những người thầy cô, trong đó đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp như là yếu tố tiên quyết, có tính chất sống còn của nghề này.
Cùng với đó, phải có sự thanh tra, kiểm tra sàng lọc liên tục trong môi trường mô phạm, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng đạo đức, để kịp thời uốn nắn, xử lý, thậm chí loại bỏ ra khỏi môi trường mô phạm mà không một ai được phép làm “vấy bẩn”.
Song hành với những việc đó, để phòng tránh những chuyện đau lòng có thể lại tiếp tục xảy ra, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là sự đồng hành của gia đình, đặc biệt là cha mẹ học sinh.
Trước hết, hơn ai hết, chính gia đình phải là nơi trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết tối thiểu để phòng tránh bị xâm hại. Trong xã hội nhiều phức tạp, trẻ con được tiếp xúc với vô vàn thông tin, hình ảnh tốt có, xấu có thì việc định hướng, giúp trẻ sàng lọc thông tin là vô cùng cần thiết. Khi trẻ bước chân ra khỏi nhà là có rất nhiều nguy hiểm rình rập. Nếu cha mẹ không là người sát sao, quan tâm đến con em mình thì không ai có thể bảo vệ được các em.
Sự gần gũi, quan tâm của cha mẹ để hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của con em cũng như để các em chia sẻ những nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm mà đối với trẻ có khi là bình thường vì chúng còn rất thiếu kinh nghiệm, kỹ năng.
Những câu chuyện được trẻ chia sẻ, cha mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt, có thể biết được con em mình đang đối mặt với những hiểm nguy như thế nào, từ đó sẽ có cảnh báo, bảo vệ con em một cách tốt nhất.
Theo con số thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.
Nhiều khi môi trường an toàn nhất là là nơi nguy hiểm nhưng trẻ lại ít đề phòng, thậm chí không đề phòng nhất. Nếu trẻ biết đề phòng thì có lẽ đã hạn chế được những chuyện đau lòng như chuyện vừa thầy giáo xâm hại học trò như vừa xảy ra. Vì với đầu óc non nớt của trẻ, chúng luôn tin tưởng tuyệt đối vào những người thầy nên không có bất cứ một sự cảnh giác nào trước những lời đường mật, tán tỉnh của những “con quỷ” đội lốt thầy giáo.
Vì thế, trong môi trường xã hội hiện nay, dạy trẻ cảnh giác với nạn xâm hại là không thừa. Nhất là đối với những lời đường mật, hành động không đứng đắn của người khác giới đối với trẻ.
Để trẻ có thể có những nhận thức đầy đủ về nạn xâm hại tình dục, đồng thời có những phản ứng tự bảo vệ, thì ngày từ bé, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho trẻ, dạy con biết cách ứng biến và thoát hiểm trong các tình huống nguy hiểm.
Chỉ có như thế, chúng ta mới hạn chế được những vụ việc đau lòng như vừa xảy ra trong thời gian vừa qua./.
Nguồn: VOV.vn