Chính phủ đề nghị “Điều chỉnh việc phân bổ 4.069 tỷ đồng vốn ngân sách từ nay đến hết năm 2019 theo Luật Đầu tư công 39 (mới) để gỡ khó cho địa phương”.
Chiều 5/11, tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020.
Về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng, thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 ngày 24/10/2019.
Theo đó, UBTVQH đã quyết định phân bổ 5.931 tỷ đồng (trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020); Đối với số 4.069 tỷ đồng còn lại chưa đủ căn cứ xem xét, quyết định phân bổ cho các dự án cụ thể, để bảo đảm tính kịp thời và chủ động trong điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBTVQH đã giao Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 đối với số 4.069 tỷ đồng còn lại, hòa chung để thực hiện theo Nghị quyết số 84/2019/QH14 của Quốc hội.
Điều chỉnh là cơ sở pháp lý để thuận lợi cho phân bổ vốn đầu tư công
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), về giao vốn ngân sách trung ương năm 2020, Chính phủ có đề nghị là việc bổ sung nội dung việc giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách năm 2020 theo nguyên tắc là Luật đầu tư công số 39 năm 2019, tức là Luật chưa có hiệu lực pháp luật.
“Luật số 39 có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2020, thế nhưng hiện nay Chính phủ lại trình giao nội dung này để thực hiện theo luật mới, luật chưa có hiệu lực thì đây là một điều mà chúng tôi rất băn khoăn”, đại biểu đoàn Thái Bình nêu ý kiến.
“Tôi đề nghị cũng cần phải Chính phủ cần phải giải trình rõ chỗ này cần phải xem xét lại cụ thể nội dung chứ nếu không chúng ta thực hiện không đúng với tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ khó sau này và cả hệ quả của nó nữa. Bởi vì theo Luật 39, Điều khoản chuyển tiếp là thời gian thực hiện, giao vốn và kể cả là tổ chức thực hiện tất cả đều theo luật cũ chứ không phải chỉ có một nội dung nào cả”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu rõ.
Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cũng bày tỏ băn khoăn về điều mà cho phép Chính phủ đề nghị cho phép phân bổ vốn năm 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công – Luật 39, mà đến ngày 1/1/2020 mới có hiệu lực.
“Hiện nay, Hiến pháp là cao nhất, sau đến luật rồi mới đến các nghị quyết của Quốc hội, dù cũng là do Quốc hội ban hành. Thế nhưng hiện nay có một số sự việc, chúng ta đang dùng nghị quyết để thay thế hay làm vô hiệu hóa điều khoản của luật. Tôi cho rằng như vậy chưa đảm bảo được tính nghiêm minh”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
“Tôi đề nghị vẫn xây dựng phân bổ theo đúng quy định của Luật 39, nhưng phải có tích hợp làm sao để cho nó phù hợp. Bởi vì Luật 39 cũng không sửa nhiều lắm. Do vậy mà vẫn đón lõng được cái hướng, để sau khi mà kết luận 39 có hiệu lực khi vẫn đưa vào thực hiện và không ảnh hưởng gì đến chuyện mà chúng ta bây giờ lại ban hành một nghị quyết lại một điều để cho áp dụng theo luật mà chưa có hiệu lực pháp lý”, đại biểu đoàn Bạc Liêu kiến nghị.
Phân bổ ngân sách theo Luật Đầu tư công mới giải khó cho địa phương
Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những khâu triển khai kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, khâu giao vốn là khâu gần như ban đầu nhưng đến thời điểm hiện nay, chúng ta giải ngân rất chậm, mặc dù giải ngân là khâu cuối đủ hồ sơ, thủ tục giấy tờ thanh toán thì gọi là giải ngân.
“Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016-2018 và đến năm 2019, việc giao vốn của Chính phủ theo Luật đầu tư công hiện hành chưa bao giờ ngày 30/6 hằng năm giao được hết, thậm chí đến năm nay vẫn còn hơn 20.000 tỷ. Ngoài ra, quy trình, thủ tục rất phức tạp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trước đây khi được giao vốn, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải quay trở lại để báo cáo với Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định rồi thì các địa phương mới được thực hiện này. Luật 39 có sửa lại là khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao rồi thì các địa phương thực hiện và chỉ có báo cáo lại cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, để Bộ Kế hoạch Đầu tư biết. Như vậy, quá trình giao vốn được giản tiện đi rất nhiều.
“Quốc hội đã quyết định cho từng bộ ngành, từng địa phương trong tổng mức đầu tư công hằng năm. Nhưng sau đó các dự án từng địa phương lại quay lên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn, sau đó quay lại bắt đầu được phê duyệt, làm vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bị thấp. Luật 39 mới quy định là sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ giao luôn cho từng bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, bộ, ngành, địa phương thực hiện, sau đó báo cáo lại, tức là tiền chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm trong khâu giao vốn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
“Luật số 39 từ ngày 1/1/2020 mới có hiệu lực, nhưng bây giờ kể cả giao vốn, quá trình triển khai các bước sau của một dự án đầu tư công phức tạp như thế. Xin với Quốc hội, đưa vào nghị quyết riêng biệt này trong việc giao vốn từ nay đến hết năm, để tạo điều kiện cho các địa phương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị.
Vân Anh/VOV
Nguồn: Cánh cò