– Hiến pháp 2013 cũng như Luật tổ chức Quốc hội 2014 đều quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Khoản 1, điều 80 Hiến pháp ghi: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước”.
Khoản 3, điều 80: “Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”.
Điều 32, điều 35 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành cụ thể hóa các nội dung vừa nêu ở điều 80 của Hiến Pháp.
Mặc dù luật đã định như thế nhưng trong thực tế, không phải lúc nào, ở đâu, quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng được thực thi theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Ảnh: Minh Đạt/VietNamNet
Tại phiên thảo luận tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng 29/10, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết:
“Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay lập tức, trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay.[1]
Hành vi can thiệp vào hoạt động của đại biểu tại nghị trường như vậy là không thể chấp nhận về lý cũng như về tình. Vị Bí thư nọ đã phạm phải ba sai lầm.
Thứ nhất, coi thường Hiến pháp, pháp luật bởi nếu là người lãnh đạo thượng biết tôn pháp luật thì không bao giờ có hành động can thiệp trắng trợn như thế.
Thứ hai, vượt quá thẩm quyền của một Bí thư tỉnh ủy, không có quy định nào của Đảng cho phép người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo đại biểu của dân phải nói như thế này hay thế kia.
Thứ ba, xem thường vị thế của người đại biểu Nhân Dân vì lúc nào cũng cho rằng mình là lãnh đạo to nhất tỉnh mà quên mất, nhân dân mới là to nhất.
Liệu có phải điều này diễn ra là vì thực tế tất cả phải vì “quyền lợi” của địa phương cho nên các đại biểu không đụng chạm với các bộ. Vì nếu làm phiền lòng bộ thì các chương trình, dự án… mà bộ phân bố cho địa phương sẽ bị ảnh hưởng?
“Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Cũng trong phiên thảo luận hôm 29/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết thêm: “có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo “việc gì nên nói, việc gì không nên nói”, cho nên đại biểu “muốn phát biểu về bộ, ngành nào đó cũng cân nhắc lắm chứ”.[2]
Liệu có phải đại biểu đang bị những ràng buộc họ nói ra, cản trở họ thực thi điều 79 của Hiến pháp: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan”?
Một khi đại biểu còn kém thế, như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét, thì thật khó để các vị làm tròn trách nhiệm, thực thi quyền hạn của một đại biểu Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đã được hiến định.
Đáng chú ý là phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: “Phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải là đại biểu Quốc hôi?”. Ông đồng tình tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ lên 35% mà 50-60%. “Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là người có kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn”.
Để thực hành dân chủ, đảm bảo quyền giám sát thực sự của các đại biểu, cũng cần tháo gỡ những tế nhị, gánh nặng cho họ trong rất nhiều các mối quan hệ. Một trong những giải pháp đang được Quốc hội thảo luận và dư luận đồng tình là tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách hơn nữa, đồng thời giảm đại biểu giữ các trọng trách ở bộ, ngành trung ương và địa phương. Như vậy, các đại biểu vừa chuyên nghiệp, lại vừa độc lập hơn.
Nguyễn Duy Xuân
[1]. https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-bieu-chat-van-bo-truong-ma-bi-bi-thu-tinh-phe-binh-chay-mat-20191029114549782.htm
[2]. https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-dai-bieu-quoc-hoi-con-bi-chi-dao-nen-va-khong-nen-noi-gi-20191029124500900.htm
Nguồn: Tuần Việt Nam