Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước tại nghị trường Quốc hội vào sáng 31/10, ông Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã nói đến “hạt sạn mang vị đắng” trong bản báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Ông Quốc cho biết, trước đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế. Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định “Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.
Tuy nhiên trước đoạn trích trên là một mệnh đề thiếu thành phần ngữ pháp, khi báo cáo của Chính phủ không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trong vùng biển của Việt Nam, được xác định theo luật pháp của quốc tế trái với tuyên bố DOC và thỏa thuận cấp cao là ai?, cụ thể: “Khi đọc trước Quốc hội, trước đồng bào của mình, Chính phủ lại né tránh quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta?”, ông Quốc nói.
Theo nhà sử học này, ngay trên diễn đàn Quốc hội, vẫn có những vị đại biểu né tránh, thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là …“nước ngoài”.
“Người dân của chúng ta nghĩ như thế nào và cả người Trung Quốc nghĩ thế nào về tâm thế khó hiểu ấy. Và sau này con cháu chúng ta, những người chép sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản này sẽ nghĩ gì về thời đại mà chúng ta đang sống?”.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, dân tộc của chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ có chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà còn có cả thời kỳ rất dài trong quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc. Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha để giữ vững tư thế của mình trong mối quan hệ ấy, bảo đảm môi trường hòa bình phát triển của dân tộc. Và theo đó, vị ĐBQH này mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong thực tiễn hoạt động của thế hệ chúng ta, của Quốc hội và những gì chúng ta đang sống, đang làm.
Về cái mà ông Dương Trung Quốc gọi là “hạt sạn mang vị đắng”, tác giả xin được có mấy ý kiến như thế này:
Thứ nhất, chúng ta cần phải thống nhất với nhau rằng, mỗi phát biểu của các vị ĐBQH phải là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, chứ không thể theo ý muốn chủ quan của chính vị ĐBQH đó. Do đó, không thể bạ đâu nói đó theo kiểu “giận cá chém thớt”, mang danh nhân dân ra để quy chụp các vấn đề một cách phiến diện.
Hơn nữa, vấn đề Biển Đông mà ông Dương Trung Quốc đề cập, cụ thể ở đây là câu chữ “Trung Quốc” hay “nước ngoài” là vấn đề chính trị, đối ngoại chứ không đơn thuần chỉ là về mặt ngữ pháp. Do đó, chỉ cần thiếu sự nhạy bén một chút là có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế, kéo theo đó là những hệ lụy về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh mà mọi người ai cũng có thể hình dung được.
Thứ hai, ông Dương Trung Quốc phê phán Chính phủ “né tránh tên Trung Quốc” trong báo cáo của Thủ tướng.
Xin thưa rằng thế này, hầu như người dân Việt Nam và dư luận quốc tế đều biết tỏng “nước ngoài” là ai và ông cũng biết. Nhưng tại sao Đảng, Chính phủ lại không chỉ mặt đặt tên là liên quan đến nhiều vấn đề trong quan hệ đối ngoại cấp quốc gia đại sự, chứ không phải vì Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sợ Trung Quốc mà né tránh đâu ông Quốc ạ!
Ngay cả như Nga khi chỉ ra những bằng chứng chứng minh Mỹ là kẻ ăn cướp dầu Syria những cũng không chỉ mặt đặt tên; tất nhiên ai cũng biết là chính Mỹ là ăn cướp. Phải chăng là Nga hèn, sợ Mỹ chắc?
Ở Việt Nam, người ta né tránh không phải vì sợ mà vì nhiều lý do, ít ra để nhận diện những tên kích động chiến tranh, những tên Việt gian. Với kiến thức uyên thâm về lịch sử, lẽ nào ông Dương Trung Quốc lại không tỏ rõ câu chuyện này?
Các cụ đã dạy “trước khi nói điều gì với ai phải uốn lưỡi 7 lần” hay “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau“. Nói nhưng không chỉ mặt đặt tên mà mọi người đều hiểu được đang nói tới ai, đấy chính là sự tế nhị, uyên bác trong sử dụng ngôn ngữ – hệ thống tín hiệu thứ 2 của con người.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ ông Dương Trung Quốc đã từng tuyên bố trước Quốc hội một cách rất hùng hồn, rằng phải coi “mại dâm là một nghề” cơ mà! Đã coi là một nghề thì sẽ phải mở trường đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ, lập hội nọ nhóm kia… Rồi hàng loạt những phát biểu về vụ việc tại Đồng Tâm, ủng hộ những người phá rối, có những câu nói chỉ trích chính quyền. Vâng, qua đây cũng đủ để thấy cái uyên bác, tế nhị trong văn phong của nhà sử học này.
Tóm lại, ông Dương Trung Quốc nên xem xét lại kiến thức về chính trị của mình, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang có rất nhiều vấn đề nhạy cảm như hiện nay. Trong cương vị là ĐBQH, xin ông đừng phát biểu liều như vậy một lần nào nữa!
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ