Đa số đại biểu thống nhất việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Đối với HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến tán thành giảm số lượng cấp phó. “Cuộc cách mạng biên chế” đã được nói đi nói lại quá nhiều, và đây cũng là yếu tố cốt lõi để thực hiện cải cách hành chính hiệu quả cho bộ máy nhà nước của chúng ta.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình giảm cấp phó của HĐND huyện
Không giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì không thực hiện chủ trương của T.Ư, còn giảm số lượng thì lại khó đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Đối với việc giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đề xuất 2 phương án để tiếp tục thảo luận, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách như luật hiện hành.
Ở phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quy định lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Trường hợp chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận cho thấy, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên số lượng phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm cho cơ cấu của thường trực Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thiết chế này trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương hiện nay.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đồng tình với quy định không nên có quá nhiều cấp phó vì dễ dẫn đến chồng chéo trong chỉ đạo, hiệu quả sẽ không cao.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, việc tăng giảm cấp phó liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nên phải nhìn nhận rất khách quan, tùy từng đơn vị và chức năng nhiệm vụ của đơn vị đó, phụ trách khối lượng công việc như thế nào mà sắp xếp hợp lý.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định: “Việc tinh giản bộ máy Nhà nước chúng ta đã đưa ra rất nhiều lần từ chủ trương đến hành động nhưng làm vẫn chưa triệt để, lần này chúng ta sửa đổi đã quy định cứng trong luật, có tính chất bắt buộc chứ không tùy nghi như trước nữa.
Trước đây, số phó là do cấp có thẩm quyền dưới luật quy định nhưng lần này chúng ta quy định cơ cấu cứng trong luật, đây là những bước để hướng tới tinh giản biên chế, trong đó có cả số lượng lãnh đạo quản lý điều hành các cấp chính quyền.”
Nếu thật sự muốn “tinh giản biên chế” chắc chắn sẽ có giải pháp.
“Tinh giản biên chế” là cụm từ được nói đi nói lại quá nhiều, và đây cũng là yếu tố cốt lõi để thực hiện cải cách hành chính hiệu quả. Tuy nhiên, qua một thời gian dài thực hiện vẫn không mang lại kết quả tích cực cho bộ máy hành chính nhà nước, thậm chí lại đi theo con đường ngược lại là chúng ta quyết giảm nhưng nó lại cứ… tăng.
Và chính lý do này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của bộ máy hành chính, tạo ra sức ỳ, khó kiểm soát cùng áp lực chi ngân sách đang là bài toán “đau đầu” nhiều cơ quan.
Đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau ở nhiều cơ quan, địa phương; dẫn đến tình trạng người làm việc không tốt cũng không sao, không làm cũng không sao, kéo theo sức ỳ, dẫn đến có ý kiến cho rằng, “1/3 cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Đó là chưa nói đến tình trạng “cả nhà làm quan”; con ông, cháu cha; thân hữu, cánh hẩu… Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân cùng những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính thực sự là vấn đề cấp bách.
Thực hiện vấn đề cấp bách này, hiện các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về việc tinh giản biên chế và cơ
cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Được coi là “Cuộc cách mạng về tổ chức”, chưa từng có trong tiền lệ, thời gian gần đây, Bộ Công an khi triển khai thực hiện Nghị định số 01 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy đã giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục, gần 300 đơn vị cấp phòng.
Ở công an địa phương, sau khi sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức sẽ giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Nếu tính trên toàn quốc thì có khoảng 800 đơn vị cấp phòng sẽ bị cắt giảm, trực tiếp tác động đến vị trí của 300-400 đồng chí mang quân hàm cấp tướng, cấp tá công an đang tại vị.
Và như vậy có người làm trưởng sẽ phải làm phó, có người làm Tổng cục trưởng sẽ phải làm Cục trưởng, còn các Phó tổng cục trưởng cũng phải làm cục phó hoặc điều động nhận nhiệm vụ khác, tương tự như cấp trưởng, phó phòng cũng vậy… Đây có thể nói là quyết tâm chính trị rất lớn, rất đáng ghi nhận của toàn ngành.
Sau Bộ Công an, Bộ Công thương cũng vừa phát đi thông tin về việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) để tinh gọn bộ máy. Cụ thể, tại Trung ương, tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45,5%). Tại địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giản từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh.
Rồi Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị triển khai kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính về sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với mục tiêu tiến tới sẽ sáp nhập 50% chi cục thuế.
Bộ Nội vụ cũng chuẩn bị các phương án tham mưu cho Quốc hội sáp nhập hàng trăm xã, hàng chục huyện không đạt các tiêu chí quy định để thu gọn đầu mối… Chính những việc làm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương đã mang đến một thông điệp lớn “Có đi mới tới”.
Từ câu chuyện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả của các đơn vị nêu trên cho thấy: Nếu nơi nào thật sự muốn tinh giản biên chế chắc chắn sẽ có biện pháp và sẽ thực hiện được. Không những thế, khi áp dụng các giải pháp phân loại, sàng lọc để loại ra khỏi bộ máy những biên chế không cần thiết, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng hơn, tinh thông hơn thì những người ở lại chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn.
Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, việc tinh giản này sẽ có lợi về nhiều mặt. Nó không đơn thuần là giảm về số lượng cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính, giảm ngân sách nhà nước mà là làm cho cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là chất lượng chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp ngày một nâng cao.
Điều quan trọng nữa trong việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế là chắc chắn chúng ta dần khắc phục được tình trạng bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”
Muốn thế, cùng với thực hiện quyết liệt một loạt các giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã đề ra như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đánh giá đúng năng lực cán bộ, công chức, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, xác định rõ vị trí việc làm…, thì nhiều người cho rằng, sự công tâm, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu là không thể thiếu. Hay nói cách khác là việc “dùng người” làm sao cho hiệu quả phải được coi là giải pháp “đột phá” đặc biệt quan trọng.
Như dòng sông chảy ra biển lớn, với sự quyết tâm không lùi bước, chúng ta tin chắc công cuộc tinh giản biên chế gắn liền với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy sẽ giành được nhiều kết quả. Đó cũng chính là đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Phạm Minh Hà
Nguồn: Cánh cò