Trang chủ Loa Phường Toàn cảnh dư luận “lề trái” quanh vụ việc của Thứ trưởng...

Toàn cảnh dư luận “lề trái” quanh vụ việc của Thứ trưởng Lê Hải An

264
0

Lúc 07h10’ ngày 17/10/2019, ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đã qua đời do rơi xuống từ tầng 8 của tòa nhà trụ sở Bộ. Sau sự kiện này, các bộ phận khác nhau của dư luận trên Internet đã phản ứng theo 4 cách – là (1) bày tỏ sự trân trọng và thương tiếc đối với ông An; (2) đòi điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc; (3) tung các thuyết âm mưu về nguyên nhân của vụ việc; và (4) viết rằng vụ việc này khiến người dân đánh mất hy vọng vào chế độ.

Toàn cảnh dư luận “lề trái” quanh vụ việc của Thứ trưởng Lê Hải An

1. Thái độ trân trọng và thương tiếc mà dư luận dành cho ông An

Theo thông tin mà nhiều báo điện tử đăng tải, ông Lê Hải An sinh năm 1971, là con trai ông Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây của  Việt Nam.

Ông từng học Đại học Thăm dò địa chất tại Moskva (Nga), Thạc sĩ dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei và Tiến sĩ dầu khí tại Đại học Heriot-Watt, Anh; và giảng dạy tại trường Đại học Mỏ – Địa chất từ năm 1995.

Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Bí thư, Hiệu trưởng trường.

Tháng 11/2018, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phụ trách giáo dục bậc đại học. Tháng 02/2019, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT thay ông Phùng Xuân Nhạ.

Ngày 21/08/2019, ông An ký một số văn bản về việc xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang. Tuy nhiên, ngày 09/09, Bộ GD-ĐT hủy bỏ những văn bản này, với lý do chúng chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, và cần đợi tiến hành quy trình xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau khi ông An qua đời vào ngày 17/10, dư luận trên Internet đã đồng loạt bày tỏ sự trân trọng  và thương tiếc với ông; bởi một mặt, sự kiện vừa nêu khiến họ xem ông là một quan chức chống tiêu cực; mặt khác, nhiều đồng nghiệp nhận xét rằng ông là một giáo viên tận tâm và một “người có năng lực, nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học”.

Báo chí tường thuật rằng đám tang ông An, được tổ chức hôm 21/10, có “hàng nghìn người” đến viếng.

2. Việc dư luận đòi điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ việc

Sau khi ông Lê Hải An qua đời, đa phần dư luận mạng cho rằng ông bị ám hại, và hối thúc cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, vì 3 lý do.

Thứ nhất, một mặt, ông an không có động cơ tự sát; mặt khác, nơi ông An rơi xuống có lan can cao 1,45 m che chắn, khiến khó xảy ra tai nạn.

Thứ hai, ông An vừa ký một số văn bản về việc xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, như vừa kể.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội XIII; và trước đó, vào ngày 15/08, ông Phạm Văn Khương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cũng qua đời do rơi xuống từ tầng 27 chung cư Vinaconex.

3. Các tin đồn thiếu căn cứ về nguyên nhân tử vong của ông Lê Hải An

Nhân việc dư luận đòi điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ việc, nhiều cá nhân chống đối đã tung các tin đồn thiếu căn cứ về nguyên nhân tử vong của ông Lê Hải An, nhằm khiến quần chúng mất niềm tin vào chế độ. Những tin đồn phổ biến nhất bao gồm:

Người tung tin

Tin đồn

Bằng chứng được viện dẫn

Phạm Minh Vũ

Ông Lê Hải An bị sát hại bằng súng.

“Có đứa em đang là sinh viên trọ phường Bách Khoa, sáng nay ngồi uống trà đá ở đường Tạ Quang Bửu cạnh bộ giáo dục. Ngõ ngay cạnh nhà Luật Sư Nguyễn Văn Đài, nó bảo khoảng hơn 7h nghe tiếng súng nổ trong bộ giáo dục”.

Trương Châu Hữu Danh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ám sát Thứ trưởng Lê Hải An.

“Theo dự kiến, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét phê chuẩn việc ông Lê Hải An làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Bạch Hoàn

Ông Lê Hải An bị ám sát vì vụ xét kỷ luật 13 công chức liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình.

Ông An “chính là người đã ký Thông báo ngày 21-8-2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo do liên quan đến tiêu cực giáo dục ở Hoà Bình, Sơn La trong Kỳ thi Quốc gia năm 2018”.

Phạm Thành

Ông Lê Hải An chết ở nơi khác. Người nhà đưa xác ông vào trụ sở Bộ Giáo dục rồi ném xuống từ tầng 8, và phao tin rằng ông chết do trượt chân ngã khi suy nghĩ cho đất nước.

“Nếu không phải ông Hải An chết tại nhà hay chết tại một nơi nào đó mà gia đình ông Hải An đã biết, thì, tại sao người nhà ông Hải An không lên tiếng và cung cấp rõ ràng hành tung của ông Hải An từ ngày 16 cho đến sáng 17.10? Tại sao không bác bỏ việc trượt chân, rớt lầu từ tầng 8 của ông Ts khuyến?”.

Toàn cảnh dư luận “lề trái” quanh vụ việc của Thứ trưởng Lê Hải An

Trong dư luận, cũng có nhiều người phản bác các tin đồn vừa nêu, hoặc viết rằng không nên phỏng đoán trước khi cơ quan điều tra chính thức kết luận.

Chẳng hạn, có người cho rằng tin đồn của Bạch Hoàn thiếu căn cứ, vì việc xét kỷ luật 13 cán bộ là quyết định chung của tập thể Đảng ủy, trong đó ông An chỉ có 1 phiếu và thay mặt tập thể ký tên.

Tương tự, vì Quốc hội có thể bổ nhiệm nhiều công chức khác vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và không có gì chắc chắn rằng ông Phùng Xuân Nhạ sẽ giữ chức Bộ trưởng thêm một nhiệm kỳ, không có đủ căn cứ để kết luận rằng ông có động cơ trong vụ việc.

4. Tuyên truyền rằng cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An khiến người dân và giới trí thức đánh mất hy vọng vào chế độ

Dựa trên giả thuyết rằng Thứ trưởng Lê Hải An bị ám hại, nhiều cá nhân đã tuyên truyền rằng cái chết của ông khiến người dân và giới trí thức đánh mất hy vọng vào chế độ.

Chẳng hạn, Linh Hoang Vũ viết: “Nhưng cho dù sự thật có là thế nào thì đó cũng là một điều thật đáng buồn không chỉ cho anh An và gia đình anh, mà còn cho cả những hy vọng vào những thay đổi thực sự, đột phá trong hệ thống, vào sự tham chính của những con người vừa có tài vừa có tâm trong chính quyền. Và thêm vào một sự xói mòn của cái vốn xã hội quan trọng nhất đang bị đổ vỡ ở Việt Nam – đó là lòng tin”.

Hoàng Trúc viết trên BBC rằng ông Lê Hải An, cũng như “giáo sư Lê Bảo Châu, tiến sỹ Lê Nguyễn Minh Quang” “và nhiều trí thức tinh hoa khác”, “đang gặp khó trong cái hệ thống vận hành với những nguyên tắc và khuôn phép khó hiểu, thiếu khế ước xã hội, thiếu công bằng”. Để khắc phục “lỗi hệ thống trong việc sử dụng hiền tài”, phải thay đổi thể chế theo hướng đảm bảo “nhà nước pháp quyền”, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự”.

Trong khi đó, Phạm Đình Trọng viết rằng cái chết của ông An là “điềm báo” cho cái chết của chế độ, vì chế độ không biết trọng dụng nhân tài.

5. Nhận định

Những thông tin trên cho thấy có nhiều câu hỏi cần được đặt ra trong vụ việc của cố Thứ trưởng Lê Hải An. Vì vậy, yêu cầu của dư luận, rằng cơ quan chức năng cần điều tra để làm rõ vụ việc, là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, vì các tin đồn về nguyên nhân tử vong của ông An đều đang thiếu căn cứ, và có thể mang động cơ chính trị, dư luận nên đợi kết luận chính thức của cơ quan điều tra, thay vì góp phần lan truyền những tin đồn không phản ánh sự thật.

Về vấn đề “trọng dụng nhân tài”, chúng tôi xem Lê Hải An như một người trí thức chân chính, đi lên bằng thực lực, và đã nỗ lực đóng góp để xây dựng nước Việt Nam. Ông An không đứng cùng “phe” với những thành phần tham nhũng, đi lên bằng quyền mưu, phá hoại đất nước từ trong lòng chế độ. Ông cũng không đứng cùng “phe” với giới “dân chửi” đầy thù hằn, đang cố đi lên bằng cách mị dân và bợ đỡ nước ngoài, phá hoại đất nước bằng cách lật đổ Nhà nước Việt Nam. Nếu các bạn tôn trọng nhân tài, hãy để họ tự đặt niềm tin vào nhau và xây dựng đất nước cùng nhau, thay vì cố câu kéo họ vào một trong những “phe” phá hoại.

Một thái độ phù hợp, đáng tham khảo, có thể tìm thấy trong bài viết của anh Lê Đình Hiếu (người sáng lập học viện GAP):

“Khi nghe tin anh mất, nhiều nhà giáo, nhà tri thức đã lên tiếng trên mạng với nhiều thuyết âm mưu khác nhau, nhiều người đã nói ‘sẽ phải tìm ra sự thật của câu chuyện này’. Đó có thể là điều đúng cần phải làm. Phần mình, mình chọn sẽ tiếp tục con đường tử tế mà anh đã và đang theo đuổi: Cải tổ và xây dựng lại một nền giáo dục đại học xuất sắc cho đất nước. Mỗi năm, 1 triệu bạn trẻ Việt Nam rời ghế nhà trường phổ thông – hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, và các loại hình đào tạo khác mang 1 sứ mệnh nâng tầm bước chân 1 triệu bạn trẻ này. Khi người tử tế nhất ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí”.

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây