Trang chủ Loa Phường Phân tích trách nhiệm của các bên trong vụ nhiễm bẩn nước...

Phân tích trách nhiệm của các bên trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà

224
0

Trong tháng 9 và tháng 10/2019, dư luận đã liên tục trải qua 4 sóng truyền thông lớn liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chủ yếu xuất phát từ các sự cố quanh địa bàn Hà Nội. Chúng bao gồm vụ cháy nhà máy Rạng Đông, gây phát tán khí thủy ngân (ngày 28/08); đợt sương bụi gây nắng nóng ở Hà Nội và TP.HCM (kéo dài khoảng 3 tuần kể từ giữa tháng 9); vụ báo Phụ Nữ công kích việc tập đoàn SunGroup phá hủy rừng Tam Đảo (ngày 21/09); và vụ nước sinh hoạt từ Nhà máy Sông Đà bị nhiễm bẩn (ngày 08/10/2019). Bên cạnh đó, phong trào bãi khóa, biểu tình toàn cầu vì biến đổi khí hậu (20/09) cũng tác động không nhỏ đến dư luận trong nước.

Trong nửa cuối tháng 10, do ảnh hưởng từ chuỗi sự kiện liên tiếp vừa nêu, vụ nước sinh hoạt từ Nhà máy Sông Đà bị nhiễm bẩn đã khiến cư dân trên địa bàn Hà Nội rơi vào trạng thái hoang mang; đồng thời bị giới chống đối tận dụng để công kích chính quyền thành phố Hà Nội và Nhà nước, để đòi thay đổi chế độ.

1. Tóm tắt diễn biến vụ việc và phản ứng của các bên liên quan

a. Việc dầu thải của công ty gốm sứ Thanh Hà gây chảy vào nguồn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)

Theo thông tin từ cơ quan điều tra và báo chí, đầu tháng 10/2019, con gái Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty gốm sứ Thanh Hà (tên Trang) và thủ kho vật tư của công ty (tên Trần Thành Chung) đã lén bán 10 m3 dầu thải cho nhóm Lý Đình Vũ.

Sau khi sơ chế số dầu ở Hưng Yên, để giữ lại những gì còn sử dụng được, ngày 08/10, nhóm này chở phần dầu còn lại đến đổ trộm ở khe núi sát Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến, Kỳ Sơn, Hòa Bình (cách kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà khoảng 800 m).

Sau đó, khu vực Suối Trâm có mưa to, khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của nhà máy.

Ông Nguyễn Đức Truyền (Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty gốm sứ Thanh Hà) cho rằng nhóm Lý Đình Vũ đổ trộm dầu thải ở khe núi vì động cơ lợi nhuận, do chi phí xử lý dầu thải lên tới 3,5 triệu VNĐ/m3.

b. Phản ứng của công ty Viwasupco trong vụ việc

Sáng 09/10, Viwasupco phát hiện dầu thải trong suối Bằng và đường liên xã, liền rải cát toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, huy động công nhân và thuê người dân đi vớt dầu. Chiều cùng ngày, công ty báo sự việc với Công an xã Phúc Tiến và Công an huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Tuy nhiên, họ không báo cáo sự việc với UBND tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Ngày 10/10, cư dân nhiều quận của Hà Nội thông báo rằng nước sinh hoạt của họ (do Viwasupco cung cấp) có màu đen và mùi hắc như dầu, không sử dụng được. Ước tính có hơn 250.000 hộ dân, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội, bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Nhiều hộ phải mua nước đóng bình về sử dụng, hoặc xếp hàng chờ nhận nước sạch bơm từ xe bồn, do Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp.

Ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng Giám đốc Viwasupco) nói với báo chí rằng không bưng bít thông tin, “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì.

Sau khi Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả giám định nguồn nước, và chỉ đạo Viwasupco thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà vào ngày 15/10, đến ngày 16/10, Viwasupco mới tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống.

Tuy nhiên, ngày 17/10, ông Bùi Đăng Khoa (Phó Giám đốc Viwasupco) vẫn tuyên bố rằng “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất” và từ chối xin lỗi khách hàng.

Ngày 21/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh) trả lời báo chí rằng người dân có thể khởi kiện Viwasupco, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Một số đại biểu khác cũng trả lời báo chí rằng Viwasupco cần bị xử lý nghiêm do hành xử thiếu trách nhiệm trong vụ việc.

Ngày 25/10, Viwasupco ra thông cáo báo chí để xin lỗi khách hàng, đồng thời hứa sẽ đền bù bằng cách cấp nước miễn phí trong 1 tháng.

c. Phản ứng của chính quyền thành phố Hà Nội trong vụ việc

Ngay sau khi người dân phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, ngày 11/10, thành phố Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau 7 ngày.

Ngày 15/10, thành phố mở họp báo, cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo “chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”. Cụ thể: “Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 µg/L) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần. Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt”. Thông tin này khiến dư luận lo lắng, vì Styren có khả năng gây ung thư, giảm thị lực, giảm thính giác, và gây tổn thương hệ thần kinh.

Cùng ngày 15/10, thành phố chỉ đạo Viwasupco xúc rửa toàn bộ hệ thống cấp nước sông Đà (bao gồm nhà máy, đường ống, bể chứa tại các chung cư); và rà soát, cải thiện toàn bộ trang thiết bị cùng quy trình quản lý nhà máy.

Ngày 18/10, thành bố công bố rằng nước từ hệ thống của Viwasupco “đã đạt chuẩn Styren”, có thể sử dụng. Dù vậy, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục mua nước đóng bình vì chưa yên tâm, hoặc vì bể nước ở các chung cư chưa được xúc rửa.

2. Tạo không khí hoảng loạn, thất vọng trước 4 sự cố môi trường liên tiếp diễn ra

Nhân những diễn biến vừa kể, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã đẩy mạnh tuyên truyền, để tạo không khí hoảng loạn, thất vọng trước 4 sự cố môi trường liên tiếp diễn ra. Nhiều trang tin viết rằng người dân Hà Nội bị bủa vây bởi khí thủy ngân, bụi mịn và nước nhiễm Styren; hiện đang phải quay lại xếp hàng mua nước hoặc đi sơ tán ở vùng khác như trong “thời bao cấp”, “thời chiến tranh”, “ngày tận thế”.

Trong hướng tuyên truyền này, cánh phóng viên bất mãn chuyên viết về đề tài môi trường – như Mai Quốc Ấn, Mai Phan Lợi, Đỗ Cao Cường – đang giữ vai trò khá nổi bật. Cụ thể:

Mai Quốc Ấn

Là người đầu tiên gọi vụ cháy nhà máy Rạng Đông là “thảm họa môi trường cấp quốc gia”, khiến dư luận ở Hà Nội rơi vào tình trạng hoảng loạn. Hiện đang liên tục khai thác chủ đề môi trường để tuyên truyền, trong sự phối hợp với doanh nhân Lê Hoài Anh và một số nhóm hoạt động về môi trường ở TP.HCM.

Mai Phan Lợi

Nhân vụ cháy nhà máy Rạng Đông, ngày 11/09/2019, Lợi lập group “Tiếng nói của nạn nhân mắc bệnh do môi trường không an toàn”. Group này được trợ lực bởi 2 group khác của Lợi, là “Góc nhìn Báo chí – Công dân” và “Xanh & Sạch” (vốn hình thành từ chiến dịch phản đối thực phẩm bẩn, do Diễn đàn Nhà báo Trẻ tiến hành năm 2016). Hiện giới báo chí bất mãn liên tục đăng một lượng lớn bài viết về ô nhiễm môi trường trong group “Tiếng nói…”, kèm theo các bình luận thiếu căn cứ, sai sự thật hoặc công kích chế độ, khiến độc giả hoang mang.

Đỗ Cao Cường

Tuyên truyền một cách thiếu căn cứ, rằng mọi vùng đất ở Việt Nam đã hoặc sẽ bị nhiễm độc, khiến người dân chết vì bệnh tật.

3. Các hoạt động tung tin đồn thiếu căn cứ về vụ việc

Từ ngày 19 đến ngày 21/10, Mai Phan Lợi và Trần Song Hào tung tin rằng Nhà máy Nước Sông Đuống đã thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Viwasuco, để cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng vụ việc này do nhóm lợi ích gây ra, để “đấu đá trước thềm Đại hội Đảng”. Tuy nhiên, lời khai của các bên liên quan trong vụ việc cho thấy những khả năng này không lớn.

Phân tích trách nhiệm của các bên trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà

Bên cạnh đó, một số nhà “dân chửi” đã lấy ảnh chụp một ống nước thải ở Thái Lan, để giả làm ống nước sinh hoạt ở Việt Nam, nhằm kích động quần chúng:

Phân tích trách nhiệm của các bên trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà

4. Các hoạt động tận dụng vụ việc để công kích chính quyền thành phố Hà Nội

Nhiều cây bút chống đối viết rằng chính quyền thành phố Hà Nội đã hành xử một cách thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông và vụ nhiễm độc nguồn nước của Viwasupco.

Chẳng hạn, BBC hôm 15/10 viết: “Báo chí Việt Nam nêu thẳng nhiều vấn đề như ‘sông chết, phố xá ngập lụt’, ‘mất nhiều đất công lại còn ngập trong nợ nần’ của Hà Nội. Sang năm 2019, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có xảy đến với Hà Nội gần đây gây hoang mang cho dự luận Việt Nam và đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền và lãnh đạo đô thị này. Cùng lúc, lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội vẫn đang muốn thành phố ‘có lộ trình phát triển công nghiệp 4.0 và phấn đấu trở thành thành phố thông minh’…”.

Trong khi đó, Mai Quốc Ân chỉ ra rằng dù ngày 18/10, thành phố Hà Nội thông báo rằng nước từ sông Đà đã đạt tiêu chuẩn Styren theo QCVN 01:2009/BYT, thực ra bộ quy chuẩn này đã hết hiệu lực từ năm 2018, khi được thay thế bằng QCVN 01-1:2018/BYT. Thông điệp tuyên truyền của Ấn không có nhiều sức nặng, vì trong cả 2 bộ tiêu chuẩn vừa kể, giới hạn Styren cho phép đều là 20 µg/L.

5. Nhận định

Nhìn lại toàn bộ chuỗi sự kiện, có thể thấy Viwasuco đã có thái độ vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng khách hàng. Qua việc báo chí chính thống làm rõ sự vô trách nhiệm cùng những khuất tất khác của Viwasuco, và qua việc các đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm hoặc kiện công ty này, có thể thấy guồng máy chính trị của Việt Nam đang xem xét vụ việc một cách công tâm, không bao che cho người sai phạm.

Trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà, chính quyền thành phố Hà Nội đã bắt tay vào việc kiểm tra, xử lý sự cố chỉ 1 ngày sau khi nhận được thông báo của người dân. Cơ quan chức năng đã gấp rút xét nghiệm mẫu nước, để có kết quả sớm 3 ngày so với thời hạn dự tính. Chính quyền cũng đã điều động các xe bồn để cung cấp nguồn nước thay thế cho người dân. Vì vậy, nhìn một cách công tâm, chính quyền thành phố Hà Nội đã phản ứng khá hiệu quả trong vụ việc, nhờ rút kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trước.

Ngoài ra, cần nhớ rằng thủ phạm chính trong vụ này là một nhóm người tham lam. Nếu bạn vì động cơ hoặc bức xúc chính trị mà đổ hết trách nhiệm trong vụ việc cho chính quyền, bạn đang bóp méo sự thật.

Hiện nay, một số NGO – như CHANGE và Thế Hệ Xanh – đang cung cấp những hướng dẫn khá chi tiết về cách thức làm sạch không khí, làm sạch nước để ứng phó với các sự cố môi trường. Cư dân Hà Nội nên dành thời gian để tìm hiểu những hướng dẫn hữu ích này, thay vì ngồi than vãn với Mai Quốc Ấn và Mai Phan Lợi.

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây