Mới đây, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Hành động này của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận…
Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường
Thực ra, việc thí điểm bỏ HĐND cấp phường, xã đã thực hiện từ 10 năm nay tại một số tỉnh, thành, nay mới trực tiếp thí điểm trên diện rộng là toàn bộ một cấp tỉnh. Song như lời của ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chia sẻ thì: “So với đề án đã thực hiện trước, lần này Hà Nội thực hiện tương đối kỹ , cũng với sự kế thừa những kinh nghiệm từ thí điểm 10 năm trước nên khả năng thành công của thành phố sẽ rất cao, mang lại lợi ích cho công tác quản lý của mô hình mới chính quyền đô thị và giúp việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hợp lý hơn”.
“Sứ mệnh” của HĐND “được sinh” ra để người dân gửi gắm sự bất bình, nỗi bất an, để họ thay mặt cử tri đấu tranh làm thay đổi những hiện trạng đã sai trái, lỗi thời, để những nỗi hoang mang trong bà con không lặp lại lần hai. Thế nhưng thực tế thì sao? Sau sự cố nhà máy Rạng Đông bị cháy, hay khủng hoảng nước sạch ngay lòng thủ đô mới đây… người dân không hề thấy phảng phất, bóng dáng của một ông bà hội đồng nào cả. Thử hỏi người dân, liệu mấy ai biết được những đại biểu HĐND nơi phường mình sinh sống là những ai không?
Trong thời gian qua, HĐND phường dường như không làm gì ngoài việc ngồi biểu quyết những việc HĐND cấp trên đã biểu quyết. Như lời của Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Võ Nguyên Phong cho biết “Thưc tế đặc thù đại biểu HĐND phường thường là cán bộ hưu trí, cán bộ đoàn thể, đại biểu theo cơ cấu… nên chất lượng đại biểu chưa đồng đều, một số đại biểu không phát biểu đóng góp ý kiến tại các kỳ họp”.
Được biết, hiện số lượng đại biểu HĐND tại mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội là gần 30 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối. Nếu không còn HĐND cấp phường thì Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900-3.500 con người đang hưởng lương ngân sách. Việc HĐND phường đang hoạt động không hiệu quả mà nuôi thêm từng ấy con người quả thực là một sự tốn kém, mang thêm gánh nặng cho ngân sách đang bội chi. Có thể thấy, việc “chưng cất”, lọc lại bộ máy này sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách phải chi ra như điện, nước, điện thoại, xăng xe… một con số không hề nhỏ chút nào.
Phải thẳng thắn nói rằng, “xóa sổ” cơ quan này không chỉ đụng đến “bát cơm manh áo” của một người cụ thể nào đó mà có thể nó sẽ chạm đến những mối quan hệ chằng chịt, chồng chéo đằng sau. Bên cạnh ngại tâm lý va chạm thì còn sự thiếu quyết tâm, giải pháp đồng bộ của một số người đứng đầu cơ quan. Có vị bộ trưởng đã nêu thực tế đáng buồn: “Một số địa phương đều nói cần phải giảm nhưng giảm đâu thì giảm đừng giảm chỗ tôi”. Nói ra như vậy để biết rằng việc cắt giảm một tầng nấc chưa bao giờ là dễ dàng cả.
Thế nhưng dứt khoát phải giảm chứ không thể nấn ná, chần chừ và không thể biện minh cho sự chậm trễ được nữa. Cứ nhìn vào nước Nhật, từ năm 1926, họ đã quyết định bỏ hẳn một cấp chính quyền địa phương. Đến nay, nước Nhật gần 130 triệu dân chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh và hơn 1.900 đơn vị hành chính cấp hạt. Trong khi đó, Việt Nam chỉ 100 triệu dân nhưng có tới 63 đơn vị cấp tỉnh, hơn 700 đơn vị cấp huyện thị và hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã.
Như lời phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay chi thường xuyên hơn 600.000 tỷ mỗi năm “chỉ cần giảm 1% thôi chúng ta có hơn 10.000 tỷ rồi. Chúng ta thấy hiệu quả cao và rất cần thiết trong điều kiện kinh tế còn rất hạn hẹp”. Tin rằng Hà Nội làm thí điểm thành công, rút ra nhiều kinh nghiệm để mở rộng cả nước. Kinh phí hoạt động cho bộ máy cán bộ cồng kềnh không hề nhỏ, và nếu áp dụng trên toàn quốc thì sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách khá lớn cho nhà nước, để khoản đó vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng được tốt hơn.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò