Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam khẳng định Hội Luật quốc tế Trung Quốc có “sự hiểu lầm hoàn toàn” về khu vực mà Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn vừa gửi thư trả lời thư của Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL) Hoàng Tiến liên quan đến những vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 tại khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 24/8/2019, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn viết một bức thư ngỏ về tình hình Biển Đông. Đến ngày 19/9, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc Hoàng Tiến đã có thư phản hồi trên website của hội này.
Trong bức thư trả lời lại thư ông Hoàng Tiến, được đăng tải lên trang web của Hội Luật quốc tế Việt Nam vào ngày 30/10, ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định phê phán từ phía Hội Luật quốc tế Trung Quốc là “sự hiểu lầm hoàn toàn.” Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa không phải là chủ đề chính của bức thư ngỏ ngày 24/8/2019.
“Lý do rất rõ ràng và không thể hiểu khác được, điều mà tôi cũng sẽ làm rõ dưới đây, đó là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo này không hề có sự liên quan gì, cả về pháp lý hay địa lý đối với khu vực biển nơi Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam,” Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho biết.
Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn nêu rõ, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định nhiều lần.”
Khẳng định của Chính phủ Việt Nam là dựa trên những chứng cứ lịch sử-pháp lý vững chắc như đã được trình bày trong các Sách trắng về Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xuất bản trong các năm 1975, 1979, 1981 và 1988.
Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được nhiều luật gia, sử gia quốc tế phân tích và công nhận, ví dụ như cuốn sách “Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands” của giáo sư luật quốc tế người Pháp Monique Chemillier-Gendreau xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1986 (bản dịch tiếng Anh năm 2000), hay cuốn sách “The South China Sea. The Struggle for Power in Asia” của nhà nghiên cứu người Anh Bill Hayton xuất bản năm 2014.
Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn khẳng định, từ thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền của Việt Nam thông qua việc cử các đội Hoàng Sa-Bắc Hải ra khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiếp theo, các Hoàng đế Nhà Nguyễn đã cử các đội hải quân ra vẽ bản đồ, cắm cột mốc chủ quyền trên hai quần đảo này… Trong giai đoạn chủ nghĩa thực dân thống trị, nước Pháp thay mặt cho Việt Nam quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau đó, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ nước Pháp theo quy định của Hiệp định Geneva năm 1954. Việc tiếp quản quần đảo Trường Sa vào Mùa Xuân 1975 và những hoạt động bình thường của Việt Nam trong khu vực quần đảo Trường Sa sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế và không có một quốc gia nào phản đối, kể cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì sao có thể nói là “phi pháp” được.
Ngược lại, vào các năm 1974 và 1988, với những hành động bị luật quốc tế nghiêm cấm, phía Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo và thực thể (đảo đá, bãi cạn) trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc chiếm đóng, rồi từ đó đến nay, từng bước xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa một cách bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mới chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông và trong khu vực.
Chẳng lẽ những hành động bị các quốc gia trên thế giới và Việt Nam lên án đó lại có thể gọi là hợp pháp và tạo thành cơ sở cho phía Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo và rồi sử dụng nó để đòi hỏi một vùng biển rộng lớn chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn đồng ý với việc nhấn mạnh “nguyên tắc chấp thuận” của quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế và nguyên tắc “đất thống trị biển” để xác định các quyền trên biển của quốc gia mà Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL) Hoàng Tiến nêu trong phần 2 thư trả lời nhưng sự đồng ý đó không thể làm cho ông chia sẻ những luận giải của Giáo sư về hai nguyên tắc này.
Theo Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn, thứ nhất, với việc từ chối tham gia vụ kiện trọng tài Biển Đông với Philippines và tuyên bố không công nhận giá trị ràng buộc của Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, chính phía Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc chấp thuận mà quốc gia với tư cách là thành viên UNCLOS cần tuân thủ.
Bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thể hiện sự chấp thuận của quốc gia mình đối với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước, bao gồm việc chấp nhận thủ tục tài phán bắt buộc, công nhận và thực hiện Phán quyết mang tính chất chung thẩm và ràng buộc ngày 12/7/2016 mà Tòa Trọng tài đã tuyên.
Thứ hai, liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc “đất thống trị biển,” Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, trên cơ sở phân tích một cách khách quan và khoa học, đã đưa ra kết luận rằng không có bất kỳ thực thể luôn nổi nào tại khu vực quần đảo Trường Sa đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 121 UNCLOS để có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình. Điều này có nghĩa rằng các thực thể luôn nổi thuộc quần đảo này chỉ có thể có tối đa lãnh hải 12 hải lý. Các thực thể giữa biển, nằm dưới mặt nước biển khi thủy triều lên không phải là đảo, không có vùng biển xung quanh.
Hơn nữa, Tòa Trọng tài cũng đưa ra kết luận rằng không một quốc gia nào có quyền yêu sách vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, vì nhóm đảo này không đáp ứng các điều kiện để có đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 của UNCLOS hoặc đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7.
Khu vực mà Trung Quốc gọi là “Bãi Vạn An” hoàn toàn chìm dưới mặt nước biển, thuộc thềm lục địa Việt Nam và không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa, nơi các thực thể không có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế như Tòa Trọng tài đã phán xử.
Như vậy, việc tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa không thể dẫn đến việc phát sinh bất kỳ sự chồng lấn nào giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tính từ bờ biển lục địa của Việt Nam, với lãnh hải của bất kỳ thực thể luôn nổi nào thuộc quần đảo Trường Sa. Nói một cách khác, “nguyên tắc đất thống trị biển” mà Giáo sư nêu ra không có “đất” để áp dụng cũng như không có vùng biển chống lấn để giải quyết
Để biến Biển Đông thành “sự kết nối tất cả các bên” như Chủ tịch Hội luật quốc tế Trung Quốc đề xuất, thì mỗi bên khi tiến hành những hoạt động trên biển phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên đối tác khác, trân trọng lịch sử quan hệ hữu nghị mà các bên đã dày công vun đắp và tuyệt đối tuân thủ luật quốc tế.
Liên quan đến hai văn kiện chính trị song phương và đa phương là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc” (DOC), Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn cho rằng, “đàm phán và hiệp thương hữu nghị” là biện pháp ưu tiên trong việc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng giữa các quốc gia.
Là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam và đã nhiều năm tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn mong muốn hai nước có thể thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết các tranh chấp bất đồng còn tồn tại.
Với tư cách là một chuyên gia luật quốc tế, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn khẳng định, không có bất kỳ nội dung nào trong hai văn kiện này, cũng như trong bất kỳ thỏa thuận nào giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải thích như là sự hạn chế quyền của mỗi nước được tự do lựa chọn bất kỳ biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nào khác đã được luật pháp quốc tế công nhận và cho phép một cách rõ ràng, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 33) và UNCLOS.
(Theo TTXVN)
Nguồn: Cánh cò